Bước sang ngày thứ hai của Chiến dịch Hồ Chí Minh, 5 cánh quân của Quân giải phóng (QGP) đã tiêu diệt được nhiều chủ lực của địch, đánh chiếm nhiều căn cứ và mục tiêu quan trọng, phá vỡ các khu vực phòng thủ ngoại vi, bao vây cô lập triệt để Sài Gòn, tạo thế có lợi để thực hành tổng tiến công vào nội đô.
Đồng Dù - "cánh cửa thép" bảo vệ Sài Gòn trên hướng Tây - Bắc
Mặc dù địch bị phá vỡ từng mảng lớn, nhưng quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) vẫn cố co cụm và hô hào "tử thủ" để ngăn chặn làm giảm bước tiến công của QGP. Ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù được ví như "cánh cửa thép" bảo vệ Sài Gòn.
Đồng Dù là căn cứ hỗn hợp quy mô lớn, có vị trí rất quan trọng, nằm kẹp giữa Quốc lộ 22 và đường tỉnh 15, án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn. Đây vốn là bản doanh của Sư đoàn 25 Mỹ (Tia chớp nhiệt đới) được xây dựng từ lâu. Được xây dựng theo tiêu chuẩn Mỹ nên rất cơ bản, hiện đại và vững chắc.
Căn cứ có hình bầu dục, chu vi gần 8.500m, xung quanh là vùng trắng bằng phẳng trống trải. Bao bọc quanh căn cứ là hệ thống hàng rào, vật cản dày đến vài chục mét.
Phía trong hàng rào là lũy đất cao, hệ thống tháp canh, công sự chiến đấu dày đặc. Bên trong căn cứ là các phân khu chức năng, có đầy đủ giao thông hào và công sự chiến đấu.
Năm 1973, sau khi quân Mỹ rút, căn cứ Đồng Dù được bàn giao cho Sư đoàn Bộ binh 25 của VNCH. Đây là một trong ba sư đoàn chủ lực của Quân đoàn 3, được thành lập từ năm 1962 và được mệnh danh là sư đoàn "Sấm sét miền Đông". Năm 1975, Tư lệnh sư đoàn là Chuẩn tướng Lý Tòng Bá.
Xe tăng và bộ binh quân Giải phóng đánh chiếm căn cứ Đồng Dù sáng 29-4-1975. (Nguồn: Lê Trung Hưng/TTXVN)
Lực lượng đồn trú trong căn cứ Đồng Dù thời điểm này gồm có: Bộ Tư lệnh Sư đoàn 25, Ban Chỉ huy Trung đoàn 50, 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo hỗn hợp, 1 chi đội xe tăng (5 M48), các tiểu đoàn công binh, thông tin, vận tải, quân y, tiếp vận, trường hạ sĩ quan binh sĩ và hậu cứ các trung đoàn bộ binh. Tổng quân số khoảng 3.000 tên.
Với binh hùng, tướng mạnh như vậy, chuẩn tướng Lý Tòng bá kêu gọi binh sĩ "tử thủ" để bảo vệ Thủ đô. Lại được cố thủ trong một căn cứ vững chắc, Căn cứ Đồng Dù được mệnh danh là "cánh cửa thép" Tây Bắc Sài Gòn.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Để có thể tiến về Sài Gòn, Quân đoàn 3 xác định phải xóa sổ căn cứ Đồng Dù. Lực lượng tham gia tiến công căn cứ Đồng Dù gồm: Sư đoàn 320 (thiếu) được tăng cường Tiểu đoàn xe tăng 3 (thiếu) của Trung đoàn 273, 1 tiểu đoàn pháo 155mm (thiếu), Trung đoàn phòng không 593 (thiếu).
Chỉ huy sư đoàn gồm Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe và Chính ủy Bùi Huy Bổng. Đại tá Nguyễn Kim Tuấn - Phó Tư lệnh quân đoàn trực tiếp chỉ đạo trận đánh tại sở chỉ huy.
Sau khi trinh sát nắm tình hình, Bộ Tư lệnh Sư đoàn xác định quyết tâm tiến công trên hai hướng.
Hướng chủ yếu: tiến công từ hướng Tây Bắc do Trung đoàn 48 được tăng cường Đại đội XT 7 (gồm 8 xe tăng T-54) do đại đội trưởng Phạm Xuân Hời chỉ huy đảm nhiệm.
Hướng thứ yếu: tiến công từ hướng Tây Nam do Trung đoàn 9 được tăng cường Đại đội XT 8 (thiếu, gồm 4 xe T-54) do đại đội trưởng Vượng chỉ huy đảm nhiệm.
Sử dụng Trung XT 2 của Đại đội 8 do Chính trị viên Phạm Khắc Văn chỉ huy làm dự bị.
Quá trình tiến công, các hướng được sự chi viện của pháo binh quân đoàn, sư đoàn. Mục tiêu chủ yếu: Bộ Tư lệnh Sư đoàn 25 VNCH.
Cách đánh: Lợi dụng thế chiến dịch, trong đêm 28.4 tổ chức cho các lực lượng áp sát địch. Tận dụng đòn hỏa lực tập trung của pháo cối và pháo bắn thẳng xe tăng thực hành mở cửa mở, sau đó dùng sức mạnh đột kích của xe tăng và bộ binh xung phong qua cửa mở, nhanh chóng tiêu diệt địch ở tiền duyên, đánh thẳng vào trung tâm diệt mục tiêu chủ yếu.
Đúng 05 giờ 30 phút ngày 29.4.1975, pháo binh các cấp đồng loạt bắn vào căn cứ. Cùng lúc đó, bộ binh trên các hướng nổ mìn định hướng và đánh bộc phá liên tục mở bung nhiều lớp hàng rào.
Trong lúc đó, xe tăng cơ động lên chiếm tuyến triển khai. Quân địch phát hiện vị trí cửa mở liền điều động bộ binh, xe tăng ra bịt lấp, đồng thời dùng máy bay, pháo cối có cả đạn hóa học đánh vào đội hình tiến công.
Trên hướng tiến công chủ yếu, chiến sự diễn ra ác liệt ngay từ những phút đầu. Đại đội XT 7 sử dụng 4 xe chiếm trận địa bắn ngắm trực tiếp chi viện bộ binh mở cửa.
7 giờ, cửa mở thông, xe tăng được lệnh xung phong nhưng gặp tường đất cao phía trong không vượt qua được. Đội hình bị ùn lại ngay trong cửa mở.
Trong lúc đó, địch điều 2 xe tăng M48 ra bịt cửa mở. Phát hiện xe tăng địch nhưng vì ở thế bất lợi nên phải mất gần 10 phút các xe 876 và 877 mới bắn cháy được 2 M48. Về phía QGP cũng bị bắn hỏng 2 xe, trong đó có xe đại đội trưởng.
Tình thế hết sức khẩn trương. Đại đội trưởng XT Phạm Xuân Hời ra khỏi xe nghiên cứu bờ tường đất, sau đó chuyển sang xe 896 chỉ huy xe bò theo góc chếch 20 độ vượt qua được bờ tường. Các xe sau theo đúng vết xích của xe 896 vào được trong căn cứ, chi viện bộ binh phát triển chiến đấu vào trung tâm.
Bộ đội ta tiêu diệt căn cứ quân sự Đồng Dù. Ảnh tư liệu.
Trên hướng thứ yếu, do hiệp đồng không chặt, 4 xe của Đại đội XT 8 thành hàng dọc xung phong qua cửa mở khi cửa mở chưa thông. Xe tăng ùn lại ngay trước cửa mở và lần lượt bị địch bắn cháy. Quân địch vừa bịt cửa mở vừa điều lực lượng từ quận lỵ Củ Chi ra đánh vào phía sau. Trung đoàn 9 phải chia quân ra đánh địch.
Trên hướng chủ yếu, xe tăng và bộ binh nhanh chóng đánh diệt Tiểu đoàn công binh, Tiểu đoàn thông tin. Đại đội trưởng Hời quan sát thấy khu nhà có nhiều an-ten.
Xác định đây là sở chỉ huy của địch đã chia đại đội thành 2 mũi bao vây chặt và phát huy hỏa lực bắn mạnh vào đó chi viện bộ binh đánh chiếm. Tuy nhiên, địch lợi dụng công sự chống trả quyết liệt, không tiến vào được.
Trong lúc đó, sư đoàn quyết định tung Trung đội 2 của Đại đội XT 8 là lực lượng dự bị vào trận. 4 xe tăng xung phong qua cửa mở phụ trên hướng chủ yếu đánh thẳng vào trận địa pháo binh, sân bay, bịt chặt phía Đông Nam không cho địch rút chạy.
10 giờ 30 phút, cả hai đại đội xe tăng và bộ binh đồng loạt tiến công vào khu vực sở chỉ huy. Trước sức tiến công mãnh liệt của QGP, quân địch không chống cự nổi. Tư lệnh sư đoàn Lý Tòng Bá và Ban Tham mưu bỏ chạy và sau đó bị bắt sống.
11 giờ 30 phút, QGP hoàn toàn làm chủ căn cứ Đồng Dù. "Cánh cửa thép" đã bị phá toang, con đường tiến về Sài Gòn trên hướng Tây Bắc đã được mở thông.