Bữa sáng đắt bậc nhất thế giới của Hà Nội và con ruồi "nhát chết" ở TP.HCM

Đức Giang - Hoàng Hương |

Nếu vẫn giữ thói quen ăn uống vô tội vạ trên vỉa hè, không chỉ chiếc xe có thể bị "hốt về đồn" do dừng sai quy định mà sức khỏe, tính mạng của bạn cũng chịu đầy rủi ro.

Các nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 4

Có thật người Hà Nội ăn sáng xa xỉ bậc nhất thế giới?

Những bước đột phá trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn

Vì sao con ruồi sợ, "hổng dám đâu"?

Thời gian vàng, cách sơ cứu cho trẻ hóc dị vật, ngưng thở

Nâng mức cảnh báo cúm gia cầm và cảnh báo bệnh ho gà ở trẻ em

Công thức vàng tuần này: Khoai môn

Bạn đang dành bao nhiêu phần trăm thu nhập mỗi ngày cho bữa sáng?

Có lẽ chẳng bao giờ chúng ta tính chi ly ra con số này vì cho rằng nó không quan trọng. Nhưng tạp chí tài chính hàng đầu thế giới Bloomberg lại không nghĩ vậy!

Theo bảng chỉ số Bloomberg Global City Breakfast Index, trung bình một người Hà Nội dùng tới 12% thu nhập hàng ngày cho bữa ăn sáng. Tương tự Hà Nội, TP.HCM cũng thuộc nhóm "ăn sáng xa xỉ nhất" trong tổng số 129 thành phố và khu vực tài chính được khảo sát trên toàn cầu.

Một bữa sáng theo tiêu chuẩn khảo sát của Bloomberg gồm: 1 cốc sữa, 1 quả trứng, 2 lát bánh mỳ và 1 miếng hoa quả. Đáng ngạc nhiên là khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu, những nơi có kinh tế thịnh vượng, chi phí cho bữa sáng lại vào loại thấp nhất (dưới 1,8% thu nhập hàng ngày).

Bloomberg xếp hạng Hà Nội ăn sáng xa xỉ và chuyện con ruồi chê chẳng thèm bu! - Ảnh 2.

Trong hình nêu trên, những chấm tròn màu đỏ đại diện cho những thành phố có chi phí cho bữa sáng tốn kém hơn so với thu nhập của người dân. Hà Nội và TP.HCM nằm trong số đó.

Trong Bản tin Đêm 6/3, VTV dẫn bình luận của một khán giả và có lẽ cũng là suy nghĩ chung của nhiều người: "Lương ngày công của tôi là 200 nghìn đồng, trong khi bát bún cũng ít nhất 25-30 nghìn đồng, lại quá cả 12% ấy chứ"!

Một khán giả khác thì nhìn nhận: "Mọi người hãy tranh thủ dậy sớm nấu bữa ăn sáng. Vừa rẻ, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại vừa đủ chất".

Còn tôi thì mong rằng, nếu là người thường xuyên ăn sáng ở các quán xá vỉa hè, bạn sẽ nghĩ đến việc thay đổi thói quen này, sau khi xem thông tin dưới đây.

"Cuộc chiến vỉa hè" của lực lượng chống thực phẩm bẩn

Nếu như chiến dịch chỉnh trang hè phố đang vào cao điểm ở cả Hà Nội và TP.HCM, tạo ra niềm tin rằng sẽ không còn tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" như trước, thì trên mặt trận chống thực phẩm bẩn cũng ghi nhận liên tiếp những bước đột phá mới.

Ngày 6/3, Ban quản lý An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước ra đời tại TP.HCM. Bà Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc Sở Y tế TP, đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban và dõng dạc tuyên bố: "Nếu ba năm không hiệu quả, tôi sẽ nhận kỷ luật"!

Bloomberg xếp hạng Hà Nội ăn sáng xa xỉ và chuyện con ruồi chê chẳng thèm bu! - Ảnh 3.

Kiểm nghiệm thực phẩm trên xe lưu động. Ảnh cắt từ clip. Nguồn: VTV

Tại Hà Nội, hình ảnh chiếc xe kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm mà chúng tôi nhắc đến ở các bản tin số 1, bản tin số 2 tiếp tục đóng vai trò mũi nhọn, chọc thủng nhiều "ổ thực phẩm bẩn" trên đường phố.

Điển hình mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện quán cơm Vĩnh Thạnh tại số 95 khu giãn dân phường Mộ Lao, Hà Đông bán rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép đến 2.002 lần. Tại một cơ sở sản xuất rượu khác ở Khương Đình, Thanh Xuân, phát hiện hàm lượng methanol vượt ngưỡng 900 lần!

"Mẫu rượu trắng trên chắc chắn đã bị pha cồn công nghiệp một cách cố ý (cứ 1 lít rượu thì có 200 ml cồn công nghiệp)", ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, trả lời trên tờ Pháp luật TP.HCM.

Đã đến lúc chúng ta buộc phải thay đổi thói quen ăn uống vỉa hè vô tội vạ! Thay đổi để tránh cho chiếc xe của mình bị bốc về đồn do dừng đỗ trái quy định khi ăn sáng chỉ là chuyện nhỏ. Thay đổi vì sức khỏe và tính mạng của bản thân, tạo ra văn hóa ăn uống lành mạnh cho cả gia đình, mới là điều quan trọng hơn cả.

Khi con ruồi cũng sợ thực phẩm bẩn!

Cũng trên báo Pháp luật TP.HCM ngày 8/3 có bài phản ánh khá đặc biệt, tựa đề: Có gì trong khô, mắm mà ruồi cũng không dám đậu?

Báo viết: "Khô cá, các loại mắm vốn là những thực phẩm rất thu hút ruồi nhưng tại rất nhiều quầy bán khô, mắm trong chợ ruồi lại không hề dám bén mảng".

Bloomberg xếp hạng Hà Nội ăn sáng xa xỉ và chuyện con ruồi chê chẳng thèm bu! - Ảnh 4.

Ruồi không dám đậu! Ảnh: PLO

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, thốt lên: "Lạ thật, tôi thấy nhiều sạp bán cá khô và mắm trong chợ tự phát (phường 2, quận 8, TP.HCM) không bóng dáng một con ruồi, trong khi chỗ bán thịt, cá cách đó vài bước chân thì ruồi nhặng bu đầy"!

Một người bán hàng khi được hỏi thì trả lời: "Tôi cũng không biết vì sao ruồi "chê" khô, khô này người quen ở Bình Thuận bỏ mối, tôi mua sao bán vậy".

Và đây là giải đáp của TS Phùng Đức Nhật, Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế): Kết quả khảo sát trên địa bàn TP.HCM từ năm 2012 đến nay ghi nhận cá khô có chứa trichlorfon và sorbitol, mắm có chứa Cd. 3 loại chất này rất độc hại với cơ thể người (xem phân tích chi tiết về độ độc hại của 3 loại chất trên tại đây).

Thực tế, rất nhiều món ăn vốn được người dân sử dụng qua nhiều đời không hề ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều người đã lạm dụng hóa chất để bảo quản lâu hơn hoặc làm bắt mắt hơn. Hậu quả là không chỉ gây hại trực tiếp cho sức khỏe cộng đồng, mà còn tạo tiếng xấu cho chính loại món ăn đó, cho các làng nghề.

Câu chuyện về bún cách đây ít hôm là một trường hợp như vậy. Một vài trang mạng giật thông tin gây sốc: Bún đang giết dần giết mòn cơ thể bạn! Ông Vũ Thế Thành, thạc sĩ quản trị chất lượng, giảng viên an toàn thực phẩm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủ sản Việt Nam (VASEP) đã phải thốt lên:

"Báo nào mà ăn nói ác ôn vậy? Không có bún thì bỏ luôn bún riêu, bún bò, bún thang, bún ốc... à? Rồi chả cá Lã Vọng, chả giò nem rán, rựa mận… không có bún làm sao nuốt trôi. Chỉ có một vài lò bún làm bậy thì cơ quan hữu trách kiểm tra và phạt, chứ vơ đũa cả nắm cho cả làng bún như thế thì coi sao được"! (xem bài phỏng vấn chi tiết)

Bloomberg xếp hạng Hà Nội ăn sáng xa xỉ và chuyện con ruồi chê chẳng thèm bu! - Ảnh 5.

Ông Vũ Thế Thành tư vấn cách đơn giản phát hiện bún bẩn có chất tinopal.

"Để mắt" tới con thôi là chưa đủ, cần học ngay các kỹ năng sơ cứu!

2 kỹ năng trong bản tin này chúng tôi khuyến cáo độc giả cần đọc, xem kỹ và tập làm là: khi trẻ em (hoặc người thân) bị hóc dị vật, bị ngưng thở.

Một bé trai 5 tuổi tại quận 10, TP.HCM tử vong vì dùng miệng hút miếng thạch rau câu ra khỏi vỏ, nhưng do lực hút quá mạnh miếng thạch rơi vào đường thở. Một bé khác, 17 tháng tuổi, nghịch nước trong một chiếc xô, dù xô chỉ chứa ít nước nhưng bé bị ngã chúi đầu vào và ngạt thở, không kịp cứu.

Trả lời báo Vietnamplus, bác sỹ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho rằng 2 trường hợp tai nạn nêu trên thương tích gây tử vong trên một phần là do phát hiện quá muộn, phần còn lại là do phụ huynh vẫn chưa biết cách sơ cấp cứu kịp thời cho trẻ khi xảy ra tai nạn.

Đối với trẻ nhỏ, thời gian vàng để cấp cứu các trường hợp ngưng tim, ngưng thở là 4 phút. Quá thời gian trên thì nếu có cứu được tính mạng cũng sẽ để lại di chứng lớn, có thể phải sống đời sống thực vật. Nếu sau 10 phút não không được cung cấp oxy, 100% trẻ sẽ tử vong.

Trường hợp trẻ hoặc người thân bị hóc dị vật, cần thật bình tĩnh và làm nhanh theo hướng dẫn bên dưới đây.

Trường hợp trẻ tím tái, ngưng thở cần hà hơi thổi ngạt, kích thích máu lưu thông, cung cấp oxy cho não. Việc thực hiện các động tác hồi sức cho trẻ cần thực hiện liên tục kể cả trên đường đi đến bệnh viện.

Song song với quá trình sơ cấp cứu, phụ huynh cần gọi cấp cứu 115 bởi với sự phủ rộng khắp thành phố của hệ thống cấp cứu 115 vệ tinh có thể hỗ trợ phụ huynh cấp cứu đúng cách, kịp thời.

Một số vấn đề sức khỏe & thực phẩm nổi bật khác trong tuần qua

* Cúm gia cầm: Việt Nam chưa ghi nhận xuất hiện cúm A/H7N9, tuy vậy cúm A/H5N1 đã bùng phát ở một số địa phương. Tại Nam Định, cơ quan y tế từng phải giám sát 70 người liên quan sau khi xuất hiện một ổ gia cầm chết, may mắn là sau đó họ đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu nhiễm virus.

Trong khi đó ở ĐBSCL, tình trạng xác gia cầm nhồi vào bao tải, nổi lềnh phềnh trên kênh rạch khá phổ biến, gây nguy cơ lây lan dịch rất cao.

Bộ Y tế mới đây đã nâng mức cảnh đối với dịch cúm gia cầm lên tình huống 2 (coi như đã có ca bệnh) để có các biện pháp quyết liệt, phù hợp.

* Ho gà ở trẻ em: Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 2 tháng đầu năm đã ghi nhận khoảng hơn 50 ca mắc ho gà nhập viện, tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ các năm trước, trong đó 4 trẻ tử vong do biến chứng quá nặng. Đặc biệt, năm nay số trẻ mắc ho gà chủ yếu ở độ tuổi dưới 3 tháng tuổi.

Zing.vn dẫn lời PGS.TS Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết thời tiết miền Bắc hiện là thời điểm có xu hướng tăng các ca mắc ho gà, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám khi thấy trẻ bị ho để được chẩn đoán đúng.

Dấu hiệu bệnh ho gà:

- Khởi đầu không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.

- Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy.

- Cuối cơn ho, bệnh nhân thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

- Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Bloomberg xếp hạng Hà Nội ăn sáng xa xỉ và chuyện con ruồi chê chẳng thèm bu! - Ảnh 8.

Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại