Ngày 22/7, tờ National Interest xuất bản bài viết "Chiến tranh robot trên biển: Hiểm họa rình rập" (Robot Navy Wars: The Next Big Threat?) của nhà phân tích David Axe.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về sự phát triển của công nghệ trí thông minh nhân tạo trong các lực lượng quân sự trên thế giới cũng như hiểm họa tiềm tàng của nó trong tương lai, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Từ mối nguy hiểm thật sự của "cuộc chiến robot"
Sự phổ biến của các loại robot-tàu chiến có thể làm cho các cuộc hải chiến sẽ đỡ thiệt hại nhân mạng. Nhưng nó cũng có thể có "tác dụng phụ" làm giảm các giới hạn cho các hành động tấn công quân sự.
Các sự kiện diễn ra gần đây ở eo biển Hormuz nhấn mạnh sự nguy hiểm đó. Vào mùa hè năm 2019, các lực lượng của Mỹ và Iran bắn hạ qua lại máy bay không người lái (UAV) trinh sát của đối phương.
Tờ Fox News đưa tin Hệ thống tích hợp phòng không hàng hải hạng nhẹ mới ( LMADIS ) của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được đặt trên chiếc USS Boxer là phương tiện đã hạ UAV Iran hôm 19/7
Evan Karlik, một chỉ huy của Hải quân Hoa Kỳ, đã bình luận với tờ Nikkei Asian Review:
"Nguy hiểm của trí thông minh nhân tạo được quân sự hóa không phải là lũ robot hủy diệt như trong những bộ phim Hollyhood, cũng không phải là tốc độ phát triển theo cấp số nhân của một cuộc chạy đua vũ trang bằng robot mới.
Như các sự kiện gần đây ở Eo biển Hormuz đã chỉ ra, rủi ro nhất là ngành công nghiệp sản xuất vũ khí đã tạo ra các mục tiêu hấp dẫn. Nó làm tăng khả năng đưa ra các quyết định sai lầm trên không và trên biển".
Mặc dù tạo ra ít sự "khiêu khích xung đột" hơn máy bay chiến đấu, xe cơ giới hoặc tàu chiến có người, các hệ thống không người lái cũng được coi là tương đối tốn kém về kinh tế.
Nguy hiểm phát sinh khi họ (các bên tham gia xung đột) hạ thấp ngưỡng cho hành động quân sự trả đũa.
Video cho thấy vệt khói để lại sau khi UAV RQ-4A Global Hawk bị Iran bắn hạ hôm 20/6
Tới chiến trường trên biển - Eo biển Đài Loan và Biển Đông
Nếu Trung Quốc đưa một khu trục hạm trị giá hàng tỷ USD của Mỹ và một phần thủy thủ đoàn xuống đáy eo biển Đài Loan, một tuyên bố chiến tranh từ Washington và các lực lượng quân sự khổng lồ được huy động tới khu vực này chắc chắn sẽ là lựa chọn đầu tiên.
Nhưng nếu một tên lửa của Trung Quốc đột nhiên phá hủy một vệ tinh tình báo trị giá hàng tỷ USD, Hoa Kỳ có thể lựa chọn để tránh leo thang xung đột ngay lập tức.
"Vệ tinh không có mẹ", các chuyên gia về vũ trụ châm biếm, và điều tương tự cũng đúng với UAV và tàu chiến không người lái. "Cái chết" của chúng sẽ không cần tới bia mộ hoặc các khu vực tưởng niệm.
Các vệ tinh quân sự sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng bởi các tên lửa hiện đại trong tương lai
Khi các hệ thống tự điều khiển "sinh sôi nảy nở" trên không và trên đại dương, các chỉ huy quân sự các nước có thể cảm thấy bị "thúc bách" phải tấn công các phương tiện này, hy vọng những hậu quả thấp hơn đối với việc gây thiệt hại về nhân mạng cho đối phương.
Chúng ta cần xem xét một ví dụ khác khi Hải quân Trung Quốc sử dụng một tàu nhỏ bắt sống một phương tiện trinh sát không người lái dưới nước của Hoa Kỳ ở khu vực cách Philippines khoảng 100 km năm 2016.
Phương tiện có hình dạng của một ngư lôi có cánh bị kéo lên tàu chiến dưới con mắt kinh ngạc của những người điều khiển trên tàu hải dương học Bowditch của Hải quân Hoa Kỳ cách đó chưa đầy 1 km.
Hoa Kỳ đã trả lời bằng phản đối ngoại giao, và chiếc tàu đã được trả lại trong tuần.
Cơ hội cho các vụ bắt giữ những robot như vậy sẽ gia tăng trong những năm tới khi Hải quân Hoa Kỳ lên kế hoạch từ 2020 đến 2024 chi khoảng 4 tỷ USD để mua 10 tàu không người lái mặt nước cỡ lớn và 9 tàu ngầm không người lái.
"Thợ săn biển" (Sea Hunter) là dự án robot-tàu chiến của Mỹ cho mục đích trinh sát và săn ngầm
Các robot - tàu chiến này sẽ chiếm 1/4 công việc đóng tàu dành cho quân sự trong khoảng thời gian 5 năm tới.
Các tàu chiến không người lái có thể giúp Hải quân Mỹ phát triển hạm đội mặc dù hiện tại các đề xuất cắt giảm và chậm tiến độ mua sắm tàu chiến có người lái truyền thống.
Ở phía đối phương trên Biển Đông, Hải quân Trung Quốc có thể thấy việc đánh chặn các tàu không người lái là việc khá dễ dàng, đặc biệt là sự phản ứng Washington đối với sự cố năm 2016 được coi là một dấu hiệu cho thấy sự rụt rè của người Mỹ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ cách chính quyền của ông Trump phản ứng với việc Iran bắn hạ UAV RQ-4A Global Hawk vào ngày 20/6, đánh giá sự sẵn sàng của Mỹ dù là tập kích đường không trả đũa hay leo thang trở thành một cuộc chiến.
Hải quân Trung Quốc bắt giữ tàu không người lái của Mỹ năm 2016 (Nguồn Fox News)