GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: PV
Thưa GS.TS Tạ Thành Văn, quan điểm của ông như thế nào về việc Hà Nội tiếp quản thêm các bệnh viện tuyến Trung ương (đang do Bộ Y tế quản lý) như nội dung đang được đề xuất trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)?
Chúng ta phải nhìn vào thực tế, hiện nay các bệnh viện tuyến cuối trực thuộc Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt chuyên môn, nhiệm vụ trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân Thủ đô.
Đơn cử như Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Việt Nam - Cu ba và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, hiện vẫn thiếu về nguồn lực chất lượng cao, cũng như chưa được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất. Vì vậy, trong Dự thảo Luật Thủ đô lần này cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc đầu tư cho các cơ sở y tế trực thuộc Thủ đô để đáp ứng được nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Thủ đô.
Việc đề xuất chuyển giao các bệnh viện tuyến Trung ương về Hà Nội quản lý có rất nhiều ý kiến, cá nhân tôi cũng khá băn khoăn. Các bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội hiện nay đang làm tốt nhiệm vụ; trong khi dù nhiều năm được đầu tư, quan tâm, nhưng các bệnh viện trực thuộc Hà Nội chưa thể hiện sắc nét vai trò là tuyến cuối của Thủ đô. Nếu bây giờ nhận thêm các bệnh viện Trung ương về thì cơ chế quản lý thế nào để các bệnh viện đó tiếp tục phát triển. Đây là câu hỏi lớn.
Chia sẻ của GS.TS Tạ Thành Văn:
Với vai trò bao quát nhiệm vụ y tế cả nước của các bệnh viện tuyến Trung ương, nếu đưa về riêng Hà Nội quản lý sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc phân cấp, thưa ông?
Trên thế giới hiện có nhiều mô hình hệ thống y tế khác nhau, nhưng chung nhất vẫn là mô hình gồm hệ thống y tế công lập và ngoài công lập. Ở Việt Nam còn phân cấp thành các mô hình bệnh viện trực thuộc Trung ương, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện trực thuộc tỉnh và y tế cơ sở…
Hiện nay, các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Thủ đô thực sự là những cơ sở y tế hàng đầu của đất nước, mang lại thương hiệu, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành Y tế Việt Nam.
Đơn cử như việc tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ mới, vai trò trong chỉ đạo tuyến cho các cơ sở y tế trong cả nước; phối hợp giữa đào tạo và chuyển giao công nghệ với các cơ sở đào tạo như các trường đào tạo y dược trong cả nước… Đặc biệt, vừa qua, vai trò của các bệnh viện tuyến Trung ương đã thể hiện rất nổi bật, rất sắc nét; quyết định việc thành công trong chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến Trung ương hiện nay là cơ sở thực hành của các trường Đại học Y - Dược; nếu chuyển về Hà Nội cho địa phương quản lý thì vấn đề phối hợp giữa đào tạo và thực hành; đào tạo ra nguồn nhân lực y tế cho cả nước, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề chúng ta phải chú ý.
Điều trị kỹ thuật cao cho người bệnh tại bệnh viện tuyến Trung ương. Ảnh: TTXVN
Vậy theo ông, việc sắp xếp quản lý các bệnh viện cần như thế nào là hợp lý?
Với các bệnh viện Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, chúng ta cần xem xét trong giai đoạn trước mắt và thời gian tới; nên để các bệnh viện này cho Bộ Y tế quản lý thì mới có thể mang tính chất đầu cầu về chỉ đạo tuyến, chỉ đạo ngành sẽ tốt hơn cho hệ thống y tế.
Còn với riêng các bệnh viện trực thuộc các Bộ khác như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải… các Bộ này nên chuyển giao các Bệnh viện trực thuộc hoặc về cho Hà Nội quản lý, hoặc về trường Đại học Y hoặc Bộ Y tế. Bởi các Bộ chuyên ngành khác thì không nên giữ các bệnh viện trong hệ thống quản lý của mình.
Ở các nước phát triển, các bệnh viện to nhất, tốt nhất bao giờ cũng là bệnh viện của các trường Đại học Y. Dù là bệnh viện tư hay bênh viện công thì các Bệnh viện của các trường đại học Y bao giờ cũng là các bệnh viện tốt nhất, to nhất, công nghệ mới nhất của quốc gia đó. Đó là cân nhắc để chúng ta có thể chuyển đổi các bệnh viện của các Bộ, ngành khác về trường Đại học Y Hà Nội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!