4 "thủ phạm" gây ung thư lưỡi
Anh N.T.K (42 tuổi, tại TPHCM) được chẩn đoán mắc ung thư lưỡi, điều này khiến anh không khỏi bất ngờ. Anh K chia sẻ cách đây 1 năm anh có cảm giác gai lưỡi như có dị vật đâm nhưng triệu chứng mất sau một thời gian. Anh K vẫn sinh hoạt bình thường, sức khỏe tốt.
Khoảng nửa năm gần đây anh xuất hiện nốt sần ở cạnh lưỡi trái sau đó có dấu hiệu loét. Ban đầu anh K nghĩ bị nhiệt miệng, chỉ một tuần là khỏi. Tuy nhiên, hơn 1 tuần sau, vết loét vẫn chưa khỏi. Anh K mua thuốc về bôi, vết loét dịu đi nhưng sau đó lại quay trở lại.
Thời gian gần đây, vết loét ở cạnh lưỡi đau nhiều và chảy máu nên anh K mới tới bệnh viện khám. Anh không ngờ chỉ một vết loét nhỏ trên lưỡi nhưng đi khám lại phát hiện ra ung thư. Anh K cũng cho biết anh có thói quen hút thuốc lá đã gần 20 năm, đây có thể là yếu tố nguy cơ gây ra căn bệnh ung thư lưỡi.
Dấu hiệu ung thư lưỡi, ảnh minh hoạ - ST.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Tường Linh, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, ung thư lưỡi là tình trạng biến đổi tế bào niêm mạc lưỡi thành tế bào ung thư. Ung thư lưỡi có thể gây ảnh hưởng tới khả năng nói, nuốt của người bệnh và có thể di căn xa tới các cơ quan khác.
Nguyên nhân của ung thư lưỡi là do tế bào tăng sinh một cách bất thường. Có nhiều tác nhân gây ra ung thư lưỡi, chẳng hạn như: thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, vệ sinh răng miệng kém, tiếp xúc với virus HPV.
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của ung thư lưỡi thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng sẽ biến mất nhanh. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện một điểm nổi phồng thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc có tổn thương là vết loét nhỏ.
khi bệnh tiến triển sang giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có dấu hiệu đau khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói, nuốt. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi cơn đau lan lên tai; tăng tiết nước bọt; chảy máu vùng miệng kèm theo hơi thở xuất hiện mùi khó chịu do tổn thương hoại tử gây ra.
Ung thư lưỡi ở giai đoạn tiến triển có thể gây ra tổn thương loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới, gây đau đớn, gây bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu, thậm chí có thể gây chảy máu trầm trọng.
Ở giai đoạn muộn, ung thư lưỡi có thể gây ra các triệu chứng như sút cân, mệt mỏi, rối loạn chức năng tiêu hoá, sốt…
Theo bác sĩ Tường Linh, ung thư lưỡi và vòm mũi họng là căn bệnh thường gặp trong ung thư đầu mặt cổ. Khi trên lưỡi có vết loét, sùi chảy máu gây đau thì mọi người nên đi khám để loại trừ nguy cơ ung thư.
Khi bệnh nhân nghi ngờ mắc ung thư lưỡi và đến khám, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ vùng tổn thương tại lưỡi. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, bệnh nhân sẽ được sinh thiết. Ung thư lưỡi là căn bệnh có thể điều trị bằng cách kết hợp đa mô thức (nhiều phương pháp điều trị). Khi được chẩn đoán mắc ung thư lưỡi, bệnh nhân sẽ được đánh giá giai đoạn. Sau đó, bệnh phân sẽ được tiến hành phẫu thuật triệt căn khối u kết hợp với hoá trị và xạ trị.
Bác sĩ Tường Linh cho hay, ung thư lưỡi tiên lượng điều trị thường rất tốt nếu phát hiện bệnh sớm. Sau điều trị, tỉ lệ sống từ 5 năm trở lên có thể lên tới 70%. Tuy nhiên, nếu ung thư tiến triển tới giai đoạn muộn di căn xương, phổi, việc điều trị sẽ rất khó khăn.
Cũng theo bác sĩ Tường Linh, ung thư lưỡi có thể phòng ngừa được nếu như: hạn chế rượu bia, thuốc lá, vệ sinh răng miệng tốt, tránh ăn trầu cau.
Đối với tác nhân là virus HPV (gây ra u nhú ở người) để tránh lây nhiễm, mọi người cần tuân thủ đời sống một vợ một chồng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Ngoài ra, người dân cũng cần lưu ý rằng khi có tổn thương trên bề mặt lưỡi 2 tuần không đỡ nên đi khám để loại trừ nguy cơ mắc ung thư.