Bẻ gãy chiến thuật hiểm ác của phiến quân Syria: Lính Nga đã phải “trả bằng máu”?

DK |

Trung sĩ Timoshenkov đã dũng cảm sử dụng tên lửa chống tăng vác vai (RPG) ở tầm gần và khi xe bom phát nổ, người lính Nga đã chịu những vết thương không thể cứu chữa.

"Phát minh" bởi người Mỹ, "thăng hoa" do người Mỹ?

Mặc dù việc sử dụng thiết bị nổ tự chế (IED) đặt trong xe hơi và chiến thuật tấn công bằng xe đánh bom tự sát (VBIED) ngày nay được sử dụng rộng rãi bởi các nhóm khủng bố, nhưng kẻ "phát minh" ra chiến thuật này là một người Mỹ.

Năm 1927, một thủ quỹ bất mãn của hội đồng trường Bath ở bang Michigan có tên Andrew Kehoe đã kích nổ một quả bom hẹn giờ đặt trong trường.

Chờ tới khi xe cứu thương và những người cứu hộ có mặt ở hiện trường, Kehoe đã kích nổ một quả bom thứ hai bên trong xe tải của hắn, biến vụ nổ ban đầu thành một vụ "đánh bom kép" làm 43 người thiệt mạng (bao gồm Kehoe).

Trong Thế chiến thứ hai, Đức Quốc Xã đã hoàn thiện chiến thuật VBIED bằng cách cho ra đời một thiết bị quân sự không người lái (UGV) có tên Leichter Ladungsträger Goliath.

Bẻ gãy chiến thuật hiểm ác của phiến quân Syria: Lính Nga đã phải “trả bằng máu”? - Ảnh 1.

Hung thủ Andrew Kehoe và vụ đánh bom năm 1927, UGV Goliath bị quân đồng minh thu giữ năm 1945, vụ đánh bom xe nhằm vào quân Anh - Palestine ở Ben Yehuda, Jerusalem năm 1948, vụ đánh bom căn cứ Mỹ tại Beirut năm 1983.

Nhỏ gọn, được bọc thép và điều khiển từ xa, Goliath tiếp cận một mục tiêu (thường là xe tăng đối phương) và nổ tung, phá hủy chính nó và mục tiêu.

Chiến tranh thế giới kết thúc, bom xe được "du nhập" vào khu vực Trung Đông thông qua các hoạt động đánh bom nhằm vào chính phủ ủy trị Anh và người Palestine của nhóm vũ trang Do Thái Lehi (giải tán năm 1948 và cựu thành viên gia nhập Lực lượng Phòng vệ Israel - IDF).

Kể từ đó tới nay, các vụ tấn công bằng IED và VBIED đã trở thành một chiến thuật đặc trưng trong các cuộc xung đột bất đối xứng vẫn đang tiếp diễn ở Trung Đông.

Tuy vậy, cuộc xâm lược năm 2003 của Mỹ vào Iraq và các hoạt động nổi dậy ở quốc gia này mới là "cái nôi" biến VBIED trở thành một chiến thuật tấn công quan trọng của phiến quân và các nhóm khủng bố ở chiến trường nước láng giềng Syria.

Bẻ gãy chiến thuật hiểm ác của phiến quân Syria: Lính Nga đã phải “trả bằng máu”? - Ảnh 2.

Mặc dù đã có hẳn một hệ thống phân loại IED và VBIED nhưng xe cơ giới của Mỹ và liên quân chiếm đóng Iraq vẫn tiếp tục bị tấn công và phá hủy trước khi rút quân vào năm 2014.

Chiến thuật sử dụng VBIED trên chiến trường Syria của các nhóm khủng bố

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến vào năm 2011, việc sử dụng IED để tấn công quân chính phủ đã được các nhóm phiến quân Syria sử dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, chỉ khi hàng chục nghìn chiến binh người nước ngoài thâm nhập và sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố Jabhat al-Nursa (sau này là Hayyat Tahrir al-Sham) và IS, VBIED mới trở thành vũ khí chủ lực của phiến quân bên cạnh tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM).

Bẻ gãy chiến thuật hiểm ác của phiến quân Syria: Lính Nga đã phải “trả bằng máu”? - Ảnh 3.

IS là nhóm khủng bố sử dụng nhiều xe bom nhất ở Syria.

Sau khi phân tích các diễn biến chiến sự ở Syria, chúng ta thấy rằng chiến thuật cơ bản của một cuộc đột kích bằng cơ giới của khủng bố và phiến quân thường theo các bước sau:

Bước 1: Phiến quân cố gắng sử dụng ATGM hạ gục các ổ hỏa điểm của SAA có khả năng ngăn chặn VBIED (như súng phòng không ZU-23-2 hay ATGM) bằng ATGM BGM-71 TOW do Mỹ viện trợ.

Bước 2: Sử dụng máy bay không người lái (UAV) hoặc các nhóm thám báo thu thập thông tin về các địa điểm tập trung binh lính, xe cơ giới và kho đạn dược của SAA.

Hoạt động này diễn ra trong quá trình ATGM và các loại hỏa lực khác (SPG-9, rocket tự chế/IRAM, súng bắn tỉa, pháo phòng không... ) vẫn tiếp tục khai hỏa khiến SAA phải co cụm trong các vị trí phòng thủ vững chắc.

Bước 3: Tập trung lực lượng cơ giới (đây là giai quan trọng nhất bao gồm việc lựa chọn người sẽ lái VBIED), thông thường một đợt tấn công trong vòng 2-3 giờ sẽ phải cần từ 4-5 xe bom, 2-5 xe tăng. xe bọc thép chở quân và từ 4-10 xe bán tải gắn súng phòng không.

Bước 4: Thời điểm công kích thường được lựa chọn vào giờ cầu kinh của người Hồi giáo (Lần thứ nhất vào lúc rạng đông, lần thứ hai vào giữa trưa, lần thứ ba sau trưa, lần thứ tư lúc mặt trời lặn và lần thứ năm lúc nửa đêm) là thời gian mà đối phương sơ hở nhất.

VBIED của nhóm khủng bố Jabhat al-Nursa phát nổ tại bệnh viện Kindi, Aleppo ngày 20/12/2013. Vụ nổ khiến 20 người lính SAA thiệt mạng ngay lập tức, những người bị thương sau đó bị bắt sống và hành quyết hàng loạt.

Kinh nghiệm chống xe bom mà người Nga đã phải "trả bằng máu"?

Tháng 12/2015, Quân đội Nga bắt đầu can thiệp vào Syria về phe chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Cho tới năm 2019 đã có 116 quân nhân Nga tử trận ở Syria (cùng với khoảng 150 nhà thầu quân sự người Nga). Trong khi đa phần lính Nga thiệt mạng là do các loại vũ khí nhỏ, chỉ duy nhất một trường hợp do VBIED được ghi nhận kể từ năm 2015 tới nay.

Ngày 19/6/2016, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận: "Vào ngày 15/6/2016, trung sĩ Thủy quân lục chiến Nga Andrey Leonidovich Timoshenkov đã chặn một chiếc xe bom (của IS) bằng cách khai hỏa vũ khí nhỏ".

Theo mô tả của tờ Sputnik, Trung sĩ Timoshenkov đã sử dụng tên lửa chống tăng vác vai (RPG) ở tầm gần trong vụ việc nói trên, và người lính Nga đã thiệt mạng do sóng xung kích của vụ nổ khổng lồ.

Kể từ năm 2016 tới nay, mặc dù IS và nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) vẫn tiếp tục sử dụng VBIED như là vũ khí tấn công, thì đối với các mặt trận có sự tham gia của binh lính Nga, VBIED gần như không hiệu quả.

Với thực tế là VBIED rất khó diệt và nguy hiểm khi phát nổ tầm gần, người Nga đã triển khai một số biện pháp phòng thủ tầm xa, đặc biệt là việc viện trợ ồ ạt ATGM 9M133 Kornet và 9M113 Konkurs để đối đầu với ATGM và VBIED của đối phương.

Bẻ gãy chiến thuật hiểm ác của phiến quân Syria: Lính Nga đã phải “trả bằng máu”? - Ảnh 6.

Việc Nga viện trợ ồ ạt ATGM cho Syria được cho là đã góp phần giảm thiểu VBIED của các nhóm khủng bố.

Tất cả các loại ATGM của phiến quân Syria bao gồm 9K111 Fagot (có tầm bắn tối đa 2.500 mét), Konkurs (tầm bắn tối đa 4.000 mét) hay BGM-71 TOW (tầm bắn tối đa 3.000 mét) đều sẽ như cá nằm trong rọ nếu "đấu ATGM" với 9M133 Kornet (từ 5.500 đến 10.000 mét).

Với đầu đạn có khả năng xuyên trên 1 mét thép cán, cũng Kornet thừa khả năng để xuyên qua bất kỳ xe bom tự chế nào của các nhóm khủng bố ở Syria.

Ngoài việc đưa ra chiến tuyến số lượng lớn ATGM hiện đại, máy bay Nga duy trì không kích có tính chất hủy diệt toàn bộ các vị trí nghi ngờ là nơi ẩn náu của VBIED đối phương (ví dụ như thị trấn Khan Sheikhoun sau khi tái chiếm đã không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn).

Rõ ràng các phương án nói trên của Nga đã có hiệu quả nhất định, trong vòng 3 tháng gần đây Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) và các nhóm khủng bố khác không tung ra (hoặc không hiệu quả) các cuộc tấn công bằng VBIED mặc dù chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt.

Đoạn phim ghi lại cảnh người lính Nga Timoshenkov thiệt mạng khi ngăn chặn VBIED của IS năm 2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại