Tự tin diệt 2 UAV Mỹ-NATO, thiết lập “vùng cấm bay” ở Libya: Phòng không LNA mạnh cỡ nào?

DK |

Vị thế quân sự của LNA ở Libya tăng lên với việc thiết lập "vùng cấm bay" cũng là động lực để đồng minh UAE tiếp tục viện trợ thêm các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1.

Thực hư việc 2 UAV Mỹ bị chế áp điện tử bằng hệ thống vũ khí Nga?

Chiến sự ở thủ đô Tripoli vào tháng 11/2019 giữa Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) đánh dấu bằng việc Mỹ và đồng minh NATO Italia bị mất 2 máy bay không người lái (UAV) MQ-9 gần như trong cùng một ngày.

Chỉ huy trưởng của LNA tại miền Tây Libya, Tướng Mabrouk Al-Ghazawi hôm 20/11 nhận trách nhiệm bắn rơi UAV ở làng Tarhouna, cách thủ đô Tripoli 65 km về hướng đông nam và yêu cầu Italia giải thích về việc tại sao UAV của nước này lại có mặt trong khu vực chiến sự.

Các nhà phân tích quốc tế  thì cho rằng lực lượng LNA của Tướng Haftar thay vì sử dụng tổ hợp phòng không Pantsir-S1 đã chế áp cả hai chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ và MQ-9A Predator B của Italia bằng hệ thống 1L222 "Avtobaza" do Nga cung cấp.

Tổ hợp khí tài trinh sát vô tuyến điện tử (ELINT) 1L222 Avtobaza dùng để trinh sát thụ động và gây nhiễu các hệ thống radar trên máy bay của đối phương hoặc cung cấp thông tin cho các trạm gây nhiễu.

Vào tháng 10/2011, hãng tin RT của Nga đưa tin lực lượng phòng không Iran đã nhận được một số tổ hợp 1L222 Avtobaza. Ngay sau đó, vụ việc Iran bắt sống UAV tàng hình RQ-170 của Mỹ diễn ra vào tháng 12/2011 đã bị cáo buộc là "tác phẩm" của 1L222 Avtobaza.

Tự tin diệt 2 UAV Mỹ-NATO, thiết lập “vùng cấm bay” ở Libya: Phòng không LNA mạnh cỡ nào? - Ảnh 2.

Thông báo của Bộ Tổng tham mưu Italia (20/11) và USAFRICOM (22/11) liên quan tới các UAV bị rơi "chưa rõ nguyên nhân" tại Libya và hệ thống 1L222 Avtobaza.

Tuy vậy, việc người Nga viện trợ LNA hệ thống 1L222 Avtobaza và sử dụng chúng tại Tripoli vẫn chỉ là nghi vấn thiếu căn cứ bởi hệ thống này chưa bao giờ xuất hiện trong các đoàn quân xa của LNA từ miền Đông Libya tới khu vực chiến sự Tripoli.

Ngoài ra, các nhà thầu quân sự Nga ở Libya (được cho là tham gia bảo vệ hoạt động khai thác dầu mỏ hoặc tham gia hạn chế trong trinh sát pháo binh) hoàn toàn không có khả năng vận hành các thiết bị chuyên dụng như 1L222 Avtobaza.

Tự tin diệt 2 UAV Mỹ-NATO, thiết lập “vùng cấm bay” ở Libya: Phòng không LNA mạnh cỡ nào? - Ảnh 3.

Hiện trường nơi UAV MQ-9A Predator B của Italia bị bắn rơi gần làng Tarhuna, Libya.

Những hình ảnh ghi lại các đoàn xe cơ giới di chuyển về mặt trận Tripoli cho thấy các tổ hợp Pantsir-S và một số tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) 9K32 Strela-2 (SA-7) là vũ khí phòng không chủ yếu của LNA.

UAV MQ-9 với tốc độ tối đa 482 km/giờ và trần bay 15 km rõ ràng không phải mục tiêu quá khó đối với năng lực của tên lửa 57E6E trên Pantsir-S1 (tốc độ trung bình gấp khoảng 5 lần, tầm bắn tối đa là 20 km và đạt trần bắn là 15 km ngay cả khi hệ thống đang di chuyển).

Không như máy bay chiến đấu siêu thanh, UAV MQ-9 của Mỹ không phải là "bất khả chiến bại" và cũng có thể bị các tổ hợp phòng không tầm trung từ thời Liên Xô bắn rơi.

Thực tế này đã được chứng minh ở các khu vực xung đột khác trên thế giới, từ năm 2017 tới nay đã có 4 chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ bị lực lượng Houthi bắn rơi ở Yemen, đa phần bằng hệ thống 2K12 Kub.

Tên lửa 3M9 của tổ hợp phòng không 2K12 Kub (SA-6), có tốc độ trung bình gấp khoảng 4 lần MQ-9 với tầm bắn hiệu quả trong khoảng 3 đến 24 km và trần bắn là 12 km (phía Mỹ tuyên bố Houthi sở hữu tên lửa do Iran nâng cấp).

Cảnh quay được người dân ghi lại vào thời điểm UAV MQ-9A Predator của Italia bị LNA bắn rơi.

Tự tin thiết lập "vùng cấm bay", LNA có trong tay những vũ khí gì?

Ngày 23/11, LNA tuyên bố thiết lập một "vùng cấm bay" ở miền Tây Libya, điều này đồng nghĩa với việc các máy bay không được sự chấp thuận của LNA sẽ bị bắn rơi. Vậy khả năng phòng không của LNA mạnh tới đâu mà tự tin đến vậy?

Trước thời điểm cuộc nội chiến diễn ra và nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ năm 2011, lực lượng vũ trang Libya đã trang bị một số lượng lớn các tổ hợp phòng không do Liên Xô và Nga sản xuất.

Có thể kể tới các tổ hợp phòng không 9K31 Strela-1, 9K35 Strela-10, S-75 Divina, S-125 Neva/Pechora, S-200 Angara/Vega/Dubna, 9K33 Osa và 2K12 Kub...

Tự tin diệt 2 UAV Mỹ-NATO, thiết lập “vùng cấm bay” ở Libya: Phòng không LNA mạnh cỡ nào? - Ảnh 6.

Các hệ thống Pantsir-S1 và S-125 Neva/Pechora (NATO:SA-3) trong khu vực chiến sự và "vùng cấm bay" của LNA ở phía Tây Libya bao gồm 3 trọng điểm Zawiya, Tripoli và Misrata.

Dù phần lớn đã bị phá hủy trong chiến tranh, nhưng một số vẫn còn tiếp tục được sử dụng cho tới ngày nay nhưng đa phần đều đã cũ nát. Đặc biệt là S-125 Neva/Pechora thường được các lực lượng đối địch chuyển đổi thành vũ khí tấn công mặt đất.

Đáng ngạc nhiên là các tổ hợp 2K12 Kub trong tay LNA còn tương đối nguyên vẹn và đã xuất hiện cùng với các đoàn xe của LNA trong các hoạt động quân sự ở miền Đông và miền Nam Yemen.

Từ sau khi UAE viện trợ Pantsir-S1 (4 tổ hợp vào tháng 6/2019) 2K12 Kub đã không còn xuất hiện trong các đoàn xe cơ giới LNA tấn công Tripoli. Việc đưa 2K12 Kub về tuyến sau nhiều khả năng liên quan tới việc khan hiếm tên lửa.

Tự tin diệt 2 UAV Mỹ-NATO, thiết lập “vùng cấm bay” ở Libya: Phòng không LNA mạnh cỡ nào? - Ảnh 7.

Một số sáng kiến đã được LNA triển khai như gắn tên lửa không đối không Vympel K-13 (NATO: AA-2 Atoll) lên xe phóng của 2K12 Kub (SA-6).

Tuy nhiên, sự tự tin hiện tại của LNA trong việc thiết lập "vùng cấm bay" được cho là liên quan tới nguồn cung vũ khí từ các nước đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Pantsir-S1 đến từ UAE.

Nga đã bàn giao 50 hệ thống Pantsir-S1 với cấu hình xuất khẩu (lắp đặt trên xe tải Đức MAN SX-45) và 1.000 tên lửa cho UAE trước năm 2013. Tới tháng 2/2019, tập đoàn Rosoboronexport cũng đã ký thêm với UAE hợp đồng nâng cấp Pantsir-S trị giá 12 triệu USD.

UAE hiện đã rút quân khỏi cuộc xung đột ở Yemen, hành động này khiến quốc gia Vùng Vịnh không còn là mục tiêu tấn công của UAV và tên lửa hành trình của lực lượng Houthi đồng nghĩa với việc giảm gánh nặng cho hệ thống Pantsir-S1 của họ.

Vị thế quân sự của LNA ở Libya tăng lên với việc thiết lập "vùng cấm bay" cũng là động lực để đồng minh UAE tiếp tục viện trợ thêm các tổ hợp Pantsir-S1.

Tổ hợp Pantsir-S1 cùng các xe cơ giới của LNA như xe tăng T-54/55, pháo phản lực 107mm H-12 (Type 63) và xe bán tải gắn súng máy được vận chuyển tới khu vực chiến sự tại Tripoli.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại