Bất ngờ thuyết âm mưu về 12 vụ cháy nổ liên tiếp ở Iran: "Chịu đấm ăn xôi" là có thật?

DK |

Iran đang đối mặt với liên tiếp các vụ cháy nổ ở các cơ sở hạt nhân, quân sự, dầu khí, điện lực và việc chưa tìm ra hung thủ đã khiến tình báo nước này bị đánh giá là "hạng 2".

Liên tiếp đối mặt với các vụ cháy nổ, Iran đang bị đối phương coi thường?

Iran đang phải đối mặt với liên tiếp các vụ cháy nổ chưa xác định nguyên nhân ở các cơ sở hạt nhân, quân sự, dầu khí, điện lực khắp đất nước.

Chuỗi vụ việc được Wikipedia gộp chung dưới một miêu tả là "2020 Iran explosions" (tạm dịch: Những vụ nổ tại Iran trong năm 2020) được "khởi đầu" bằng vụ nổ tại khu liên hợp quân sự Parchin, nằm cách thủ đô Tehran 30 km về phía đông nam vào ngày 25/6/2020.

5 ngày sau, một vụ nổ thứ 2 khiến 19 người thiệt mạng đã xảy ra tại trung tâm y tế Sina At'har ở thủ đô Tehran vào ngày 30/6.

Vụ nổ thứ 3 là vụ việc nhận được sự quan tâm của truyền thông quốc tế do nó xảy ra tại cơ sở hạt nhân lớn nhất của Iran tại thành phố Natanz.

Tehran thừa nhận thiệt hại nghiêm trọng còn các nhà phân tích phương Tây cho rằng vụ nổ đã "kéo lùi" chương trình hạt nhân Iran từ 1 đến 2 năm.

Bất ngờ thuyết âm mưu về 12 vụ cháy nổ liên tiếp ở Iran: Chịu đấm ăn xôi là có thật? - Ảnh 1.

Hiện trường sau vụ nổ tại cơ sở hạt nhân Natanz hôm .

Vào đúng ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, một vụ nổ đã xảy ra tại nhà máy điện Shahid Medhaj Zargan ở thành phố Ahvaz và đồng thời một vụ rò rỉ khí Clo tại trung tâm hóa dầu Karun ở thành phố Mahshahr gần đó đã khiến ít nhất 70 người bị thương.

3 ngày sau, 5 người đã thương vong do vụ nổ bên trong một nhà máy oxy ở thị trấn Baqershahr, phía nam thủ đô Tehran vào ngày 7/7.

Ngày 9/7, một vụ nổ được cho là đã xảy ra ở phía tây Tehran. Mặc dù các quan chức Iran phủ nhận tin tức về vụ việc nhưng căn cứ vào việc điện đã bị cắt trong khu vực - nó cho thấy có thể một cơ sở điện lực đã xảy ra "sự cố".

Ngày 12/7, một vụ nổ đã xảy ra ở nhà máy hóa dầu Tondgooyan ở tây nam Iran. Ngày 13/7, tiếng nổ phát ra tại khu công nghiệp gần thành phố Mashad phía đông bắc Iran. Ngày 18/7, một đám cháy lớn được cho là do vụ nổ đường ống dẫn dầu đã xảy ra ở gần thành phố Ahvaz.

Chiều Chủ nhật 19/7, hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin về một vụ nổ tại một nhà máy điện ở tỉnh Isfahan thuộc vùng trung tâm của Iran. Tới tối cùng ngày (giờ Việt Nam), một đám cháy đã bốc lên tại một nhà máy gần Tabriz.

Nhận xét về chuỗi 12 "sự cố" liên quan tới cháy nổ và hoàn toàn chưa có dấu hiệu dừng lại nói trên, nhà phân tích Israel Yonah Jobemy Bob trong một bài viết trên tờ Jerusalem Post cho rằng:

"Thế giới đang chứng kiến ​​một thế lực nào đó - Mỹ, Israel hoặc thậm chí là Arab Saudi có thể đã nhận được sự trợ giúp từ những người bất đồng chính kiến ở Iran - và đang "tùy thích" tấn công vào các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường của Tehran.

"Họ" đang làm điều đó theo cách mà chúng ta chưa từng được chứng kiến. Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã có nhiều tuần điều tra nhằm tìm ra hung thủ, nhưng mọi chuyện đang "không đi đến đâu".

Nó cho thấy giới hạn của một lực lượng phản gián "hạng hai", rõ ràng Iran gần như không thể chống đỡ khi đối đầu với các thế lực tình báo hàng đầu".

Cảnh quay đám cháy tại một nhà máy gần Tabriz, Iran. Đây là sự cố thứ hai trong ngày 19/7 sau vụ nổ tại một nhà máy điện ở Isfahan (Nguồn: Twitter).

"Nạn nhân" hay "hung thủ"?

Iran đang tỏ ra "kiềm chế" trong việc cáo buộc Mỹ, Israel hay Arab Saudi là "hung thủ" của các vụ cháy nổ.

Sau vụ nổ tại cơ sở hạt nhân Natanz, Tehran tuyên bố sẽ công bố nguyên nhân vụ nổ "vào thời điểm thích hợp", và cảnh báo rằng nếu "yếu tố nước ngoài" đứng đằng sau vụ việc bị phát hiện, họ sẽ phải đối mặt với hậu quả.

Các vụ việc khác được Tehran quy trách nhiệm cho rò rỉ khí gas, khí clo, khí oxy, sự cố kỹ thuật hay thậm chí là do thời tiết nóng,

Tuy nhiên căn cứ vào những gì thường diễn ra trong các cuộc biểu tình ở Iran, khi Mỹ và Israel luôn là những con "ngáo ộp", là "kẻ thù tự nhiên" của Cộng hòa Hồi giáo, sự kiềm chế đáng ngạc nhiên nói trên cho thấy có thể Tehran đang "diễn cho tròn vai" một "nạn nhân".

Quay ngược thời gian trở lại mùa hè năm 2019, khi các vụ cháy nổ liên tiếp diễn ra nhằm vào 6 tàu thương mại và tàu chở dầu ở Vịnh Oman, Mỹ đã gần như ngay lập tức cáo buộc Iran hoặc "dân quân ủy nhiệm" của Tehran là hung thủ.

Vụ việc phòng không Iran bắn rơi UAV RQ-4A Global Hawk ngày 20/6/2019 và cuộc tập kích vào các cơ sở dầu mỏ Arab Saudi vào ngày 14/9/2019 đã đẩy căng thẳng lên tới "đỉnh điểm" khiến nguy cơ một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ vào Iran có thể diễn ra bất kỳ lúc nào.

Nhưng vụ cháy tàu chở dầu thuộc Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) trên Biển Đỏ ngoài khơi Arab Saudi (được cho là do trúng 2 trái tên lửa) vào ngày 11/10/2019 đã khiến "quả bóng xung đột" xì hơi.

Với vị thế "nạn nhân" trong vụ việc nói trên, Iran được cho là đã đảo ngược "một cách ngoạn mục" các cáo buộc cho rằng họ là hung thủ của các vụ cháy nổ ở Vịnh Oman và vụ tập kích vào các cơ sở dầu mỏ Arab Saudi.

Bất ngờ thuyết âm mưu về 12 vụ cháy nổ liên tiếp ở Iran: Chịu đấm ăn xôi là có thật? - Ảnh 4.

Hình ảnh tàu chở dầu của NIOC bốc cháy trên Biển Đỏ ngày 11/10/2019.

Nếu suy luận về cách mà Tehran đã "thoát hiểm" vào năm 2019 là đúng thì câu hỏi được đặt ra vào thời điểm hiện tại - mùa hè năm 2020 là lý do gì khiến Iran lại một lần nữa tự đặt mình vào vị thế "nạn nhân"?

Ngày 14/6/2020, căn cứ vào kết quả cuộc điều tra liên quan tới các mảnh vỡ vũ khí còn sót lại trong vụ tập kích cơ sở dầu mỏ Arab Saudi ngày 14/9/2019, Liên Hiệp Quốc ra kết luận rằng Iran đã sản xuất các tên lửa hành trình được sử dụng trong vụ tập kích .

Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres: "Vũ khí dùng trong hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào cơ sở dầu khí của Arab Saudi năm ngoái có nguồn gốc từ Iran. Chúng có thể được chuyển giao theo phương thức trái với nghị quyết của LHQ (liên quan tới cấm vận vũ khí đối với Iran)".

Đây được đánh giá là một tình thế khá khó khăn đối với Tehran trong bối cảnh Mỹ và một số đồng minh đang cố gắng "vận động" để gia hạn lệnh cấm vận vũ khí Iran (dự kiến kết thúc vào tháng 10/2020).

Mặc dù được "chống lưng" bởi Nga và Trung Quốc, Iran vẫn cần một "lý do" để chứng minh rằng họ cần các loại vũ khí mới để phòng thủ trước các mối đe dọa.

Có lẽ khi phân tích tới đây, chúng ta có thể thấy "lờ mờ" bóng dáng của thuyết âm mưu về việc Tehran cố "chịu đấm ăn xôi", đóng vai "nạn nhân" đang từng ngày phải đối mặt với các vụ tấn công do những "hung thủ" giấu mặt thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu nhất định.

Đoạn phim về vụ nổ đường ống dẫn dầu tại Khuzestan, Iran được đăng tải trên mạng xã hội Twitter vào cuối ngày 18/7 (giờ Việt Nam).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại