Bạo hành y tế: Đã có những bác sĩ phải bỏ nghề vì sợ hãi

Bs. Trần Văn Phúc |

Liên quan tới vụ việc các bác sĩ bị hành hung gần đây gia tăng đột biến, bác sĩ Trần Văn Phúc đã có phân tích về nguyên nhân cũng như ý kiến của cá nhân mình về vấn nạn này.

Một bác sĩ trẻ đã khóc trước ống kính truyền hình.

Đêm hôm trước, anh bị người nhà "cám ơn" bằng những cú đấm thẳng vào mặt. Phải có sự can thiệp của 1 đồng nghiệp cùng với 3 chiến sĩ công an, thì những cú đấm mới dừng lại. Bác sĩ được cứu sống!

Vừa mới năm ngoái, một bác sĩ trưởng khoa và một nhân viên bảo vệ ở Bv Sản – Nhi tỉnh Nghệ An, bị người nhà bệnh nhân tuyên bố sẽ giết chết.

Nhưng khi thực hiện ý đồ, người nhà bệnh nhân mới chỉ kịp đâm ông bảo vệ thủng ngực, thì đã bị công an bắt ngay sau đó.

Vị bác sĩ trưởng khoa thoát chết. Còn ông bảo vệ già nua theo bản năng, đã cố vươn người lao về phía khoa hồi sức cấp cứu, nhưng vẫn không được cứu sống.

Nhân viên y tế của bệnh viện này đã nói với tôi rằng, họ sẽ không bao giờ hết ám ảnh với giây phút phải thò tay qua vết thương vào lồng ngực để bóp tim. Đã có những bác sĩ phải chuyển công việc vì sợ hãi.

Đúng 7 năm về trước thì bác sĩ Trần Đức Giàu ở Thái Bình cũng bị đâm chết theo đúng cái cách như thế.

Hàng ngày, bạo hành y tế đang diễn ra trên khắp đất nước với nhiều biến thể. Đó là những cú đấm, những nhát dao, những câu chửi bới, hay những lời đe dọa và sỉ nhục nhân phẩm.

Khi hệ thống chăm sóc sức khỏe có phần chắp vá đang phải cố mở rộng, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của cả người dân nghèo và người dân có tiền; thì căng thẳng giữa bệnh nhân và bác sĩ càng ngày càng tăng cao.

Tất cả những vụ việc hành hung bác sĩ được báo cáo, truyền thông đều nhắc đến, nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì con số thật lớn hơn rất nhiều.

Bác sĩ chỉ muốn yên ổn với công việc nên họ sẽ cố xóa đi vết tích của những vụ bạo hành.

Nguyên nhân thì rất phức tạp.

Ví dụ như chính sách BHYT có giới hạn, chất lượng không đảm bảo mà người dân vẫn phải đóng tiền với những dịch vụ tốn kém.

Rất nhiều bệnh nhân đi viện sẽ phải đối mặt với nợ nần, trong khi người có tiền thì lại khó khăn khi tiếp cận với dịch vụ thực sự chất lượng.

Không giống như ở các nước phát triển, bác sĩ ở Việt Nam được coi là viên chức giống như các nhân viên hành chính, họ được nhà nước trả lương theo hình thức của đơn vị hành chính sự nghiệp.

Trung bình lương bác sĩ, khoảng 250 đô la mỗi tháng; có sự chênh lệch lớn so với các ngành nghề khác như quân đội hay công an. Và càng có sự chênh lệch quá lớn so với khu vực y tế tư nhân.

Các bác sĩ phản đối mức lương quá thấp trong khi họ làm việc kiệt sức.

Ở hầu hết các bệnh viện, bác sĩ làm việc tập trung vào số lượng, không nhất thiết phải là chất lượng chăm sóc.

Mỗi ngày một bác sĩ Việt Nam làm việc tại bệnh viện hạng 1 trở lên, họ phải siêu âm khoảng 100 bệnh nhân, giá 49.000 đồng theo Thông tư 37. Thời gian tới giá này sẽ giảm xuống còn 39.000 đồng, tương đương với 1,7 đô la.

Trung tâm Y tế Honor của Mỹ, mỗi kĩ thuật viên làm siêu âm khoảng 6 – 8 ca một ngày. Giá siêu âm bụng là 1618 đô la, gấp khoảng hơn 900 lần so với ở Việt Nam.

Và như thế, nhân viên y tế ở Mỹ sẽ có rất nhiều thời gian tương tác và giải thích cho bệnh nhân. Thu nhập nửa ngày của một kĩ thuật viên siêu âm bằng lương cả tháng của bác sĩ Việt.

Đã có thời, để sống được với nghề mà phục vụ, một vài bác sĩ phải chọn cách nhận tiền dưới ngăn bàn.

Hệ lụy là cho đến tận hôm nay, số bác sĩ nhận được tiền chỉ đếm trên đầu ngón tay ở mỗi bệnh viện, nhưng bệnh nhân thì vẫn đang bị ám thị, rằng đến bác sĩ là phải có cái phong bì nhồi đầy tiền mặt.

Đào tạo nhân viên y tế cũng đang có quá nhiều điều bất cập.

Số lượng bác sĩ và điều dưỡng đào tạo đạt chuẩn không theo kịp nhu cầu về số lượng ở các tuyến, khiến cho các bệnh viện cơ sở có đội ngũ nhân lực chuyên môn tốt là khá mỏng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và miền núi.

Khi mọi thứ đều diễn ra sai, thì bạo lực y tế sẽ nổi lên và gia tăng, tinh thần của bác sĩ sẽ bị chìm xuống thấp.

Rất nhiều bác sĩ đã hối hận khi chọn nghề này, rồi họ tìm cách ngăn cản những giấc mơ của chính con họ.

Chị gái tôi lấy chồng làm bác sĩ, con đầu lòng nhất quyết đòi học ĐH Y Hà Nội, liền bị bố đe dọa.

“Nếu con cứ nhất quyết đi theo nghề y, bố sẽ đánh gãy chân. Hãy chọn làm những ngành nghề khác an toàn và đỡ vất vả hơn” – anh rể tôi đã từng tuyên bố như thế.

Ngày cháu nhập học, anh ép xuống Trường ĐH Tài chính rồi đi đóng hết tiền học phí và tiền nhà ở cho cả năm.

Nhưng cháu không nghe bố, vẫn tìm mọi cách bỏ sang ĐHY Hà Nội. Hai vợ chồng chị gái đã khóc với tôi, khóc vì sự bất lực cho tương lai của con.

Đã rất nhiều lần tôi nói trên các tờ báo, trên đài và trên truyền hình, nói nhiều khía cạnh về chủ đề này. Nhưng tác dụng để thay đổi thì vẫn chưa được nhiều như những gì tôi kì vọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại