Báo động đột quỵ não ở người trẻ tuổi

P.V |

Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ đột quỵ não ở người trẻ tuổi có xu hướng ngày càng tăng.


Báo động đột quỵ não ở người trẻ tuổi - Ảnh 1.

Bệnh nhân được chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Đột quỵ não là bệnh lý cấp tính đe dọa đến tính mạng của mỗi người. Rất nhiều người trẻ khá chủ quan, không hề quan tâm tiền sử bệnh lý cho đến khi bị đột quỵ phải nhập viện.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận một ca bệnh đột quỵ não ở độ tuổi còn khá trẻ là bệnh nhân P.T.A.N (35 tuổi, trú tại Tích Sơn, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, liệt nửa người bên phải, mất ngôn ngữ, cơ lực tay trái là 2/5, cơ lực chân trái là 3/5.

Ngay khi tiếp nhận cấp cứu, người bệnh được chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT); cộng hưởng từ (MRI) sọ não; qua hình ảnh chụp, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc động mạch não giữa trái.

Người nhà bệnh nhân chia sẻ, bệnh nhân có tiền sử tăng áp lực động mạch phổi, tiền sản giật cách đây 6 tháng và bị ngất trước khi nhập viện cấp cứu.

Sau 72 giờ điều trị tích cực theo phác đồ của các bác sĩ, bệnh nhân đã nói chuyện lại được, phục hồi vận động, không còn tình trạng liệt nửa người. Vì bệnh nhân nhập viện cấp cứu kịp thời nên việc điều trị cũng diễn ra thuận lợi, bệnh nhân khi tỉnh lại cũng không gặp các biến chứng quá nặng nề.

Tuy nhiên, quá trình hồi phục của bệnh nhân còn cần thêm thời gian và di chứng sau đột quỵ sẽ ít nhiều vẫn ảnh hưởng cuộc sống.

Theo ThS.BS Trần Giáp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, đột quỵ não là một bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề, là nguyên nhân gây liệt và tử vong hàng đầu thế giới. Có rất nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ não ở người trẻ như: bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường; những người có lối sống ít vận động, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia; ngoài ra, còn có thể liên quan đến yếu tố di truyền, bất thường về mạch máu hoặc tình trạng đông máu.

Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, bác sĩ Giáp khuyến cáo: Mọi người nên khám sức khỏe định kì 6 tháng/lần, tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ để điều trị kịp thời. Có thời gian nghỉ ngơi hợp lí, tránh tình trạng stress, mất ngủ kéo dài, tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh. Nếu trong gia đình có người từng có bất thường về mạch máu, tăng đông máu nên được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.

Người trẻ không nên chủ quan cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế. Tất cả mọi người, kể cả những người trẻ tuổi, khi có các dấu hiệu: đau đầu, chóng mặt, nôn, mất ngôn ngữ, méo miệng, yếu chân tay… hãy đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại