Bác sĩ người Việt tại Mỹ "tiết lộ" 3 bí quyết vượt qua nỗi lo sợ ung thư

BS Phạm Lương Giang (từ Massachusetts, Mỹ) |

Có hai tình huống lo sợ bị ung thư: Người chưa bị ung thư và người đã mắc căn bệnh này. Những việc cần làm khi lo sợ bị ung thư là gì?

Chỉ cần nắm 3 bí quyết sau bạn sẽ vượt qua nỗi lo sợ dễ dàng.

1. Hiểu rằng lo sợ là một cảm giác, hay một trạng thái tâm lý có thể không đúng, không cần thiết, nảy sinh tiêu cực làm hại sức khoẻ.

2. Bình tĩnh tham khảo những ý kiến trình bày bên dưới.

3. Đến nói chuyện với bác sĩ để họ xác minh thực hư và giúp bạn xóa bỏ mối lo tận gốc.

Cần tinh thần cảnh giác chứ không phải ám ảnh hoảng sợ

Tinh thần cảnh giác và ám ảnh hoảng sợ là hai trạng thái tâm lý hoàn toàn khác nhau. Cũng như việc sống trong mái nhà tranh thì cần cảnh giác thận trọng phòng ngừa cháy nhà, chứ không phải cứ chui vào nhà là la toáng lên hoặc rên rỉ "Cháy nhà! Tôi sợ quá! Cháy nhà là chết!". Nỗi sợ hãi triền miên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày; tự làm loạn bản thân và loạn cả gia đình.

Hiện nay, ám ảnh lo lắng vì ung thư đã trở nên phổ biến trong xã hội. Nó đã thực sự trở thành một dạng bệnh dịch. Nguyên nhân phần nhiều đến từ việc tuyên truyền về bệnh ung thư và chẩn đoán điều trị bệnh ung thư không đúng. Việc truyền thông quá mức góp phần làm nhiều người hiểu sai rằng rất dễ bị mắc ung thư và mắc bệnh là chết.

Mặt khác, sự quá mức cũng làm mọi người lo sợ, đổ xô đi mua thực phẩm chức năng, đổ xô đi làm xét nghiệm. Đằng sau những phong trào tự phát đó có thể có bóng dáng của một vài đơn vị kinh doanh muốn thu hồi vốn đã đầu tư vào máy móc, thuốc men và các phòng xét nghiệm.

Cần tư vấn kỹ để chữa bệnh tại tâm

 Related image

Các bác sĩ ung thư có nhiều kinh nghiệm về người bình thường mắc chứng ám ảnh lo sợ như vậy. Nhiều người không bệnh ung thư gì nhưng bị stress nặng, hay BỆNH TẠI TÂM.

Kể chuyện thường thấy ở phòng khám của tôi ngày nào. Rất nhiều người đến, chưa kịp chào hỏi gì, chỉ nhìn sơ nét mặt dáng người của họ, tôi đã nói "Chị ngồi yên đấy, tôi kể diễn tiến bệnh của chị từ trước đến nay cho vợ chồng chị nghe nha".

Nhiều người ngạc nhiên sao bác sĩ nói trúng bóc cứ như người trong nhà vậy. Rồi tôi thường nói tiếp: "Như vậy, chị nên tin tưởng rằng tôi là bác sĩ đã hiểu rõ và hiểu đúng tình trạng bệnh của chị. Bây giờ tôi chứng minh thêm. Chị hãy đưa tất cả các xét nghiệm máu, chụp X quang, siêu âm đây, tôi chỉ cho chị thấy kết quả là bình thường".

Tiếp theo, tôi đề nghị khám lại bệnh nhân để chứng tỏ tôi nắm rất cẩn thận, rất rõ từ diễn biến triệu chứng cùng những điều trị trước đó của họ, thấy trên cơ thể họ và các xét nghiệm cận lâm sàng của họ.

Họ tin tôi hoàn toàn và tôi dễ dàng gỡ stress cho họ không cần thuốc gì cả. Có những người bị stress nặng, đi khắp nơi khám bệnh khiến kinh tế gia đình kiệt quệ mà vẫn không hết. Khi đó tôi thường nói "Tôi lấy trách nhiệm và uy tín của mình khẳng định hiện nay chị không bị ung thư. Nếu chị không tin thì hãy đến phòng mạch của ông thầy tôi. Nếu nơi nào khác phát hiện ra hiện nay chị bị ung thư thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chị có thể xách dao đến hỏi tội tôi".

Tập trung làm những việc hữu ích trước mắt

Bác sĩ người Việt tại Mỹ tiết lộ 3 bí quyết vượt qua nỗi lo sợ ung thư - Ảnh 5.

 Những bệnh nhân như vậy bị chứng ám ảnh, bị stress. Họ cần được điều trị stress chứ không phải lặp lại lặp đi các xét nghiệm. Đời có nhiều mối nguy hiểm đáng lo lắm, đâu chỉ có bệnh ung thư mới là đáng lo đâu.

Vấn đề là nhiều người biết mình bị stress rồi, không bị ung thư rồi, nhưng cứ bị ám ảnh lo lắng hoài không tài nào thoát ra được. Bác sĩ tâm lý sẽ có chuyên môn kỹ thuật điều trị stress "gỡ xoắn" cho bạn. Ở đây tôi xin chỉ ra hai trải nghiệm cụ thể cho mọi người vừa đọc bài vừa thực hành ngay bây giờ:

Câu chuyện số 1: Ông trời sinh ra con người khả năng nhớ và khả năng quên. Hai thứ này quan trọng như nhau. Nhớ hoài cái không cần thiết nhớ, là bị ám ảnh nguy hại.

Đọc đến đây, bạn hãy nhắm mắt lại. Nghĩ đến cái lưỡi của mình. Sẽ thấy cái lưỡi có cảm giác bị những cái răng đụng vào.

Sự thật là từ lúc sinh ra đến giờ, cái lưỡi của ta luôn có cảm giác đụng vào cái răng, nhưng đầu óc ta bỏ qua không ghi nhận những cảm giác đó làm cho cảm giác đó không có trên đời này, cho đến khi tôi nhắc bạn nhớ đến nó.

Câu chuyện số 2: Bạn đang ngồi. Da mông của bạn có cảm giác bị đè nặng lên, cảm giác ê ê. Nhưng bạn không thấy cảm giác đó khi chưa đọc những dòng chữ này và không hướng đầu óc về cái mông.

Trong đầu, trong vú, trong cơ, trong bụng, trong cột sống… của ta trong ngày thỉnh thoảng có đau nhói, đó là những tín hiệu thần kinh bình thường mà đầu óc ta lờ bỏ qua không ghi nhớ nên hầu như sự đau không hiện diện. Nếu ta cứ lưu tâm đến ngực của ta, sẽ thấy sao mà núm vú hay thành ngực cứ bị đau hoài. Những người nhạy cảm còn có thể thấy cảm giác hụt hơi hoặc khó thở.

Vì vậy, muốn bớt ám ảnh lo lắng, hãy làm những việc hữu ích, những việc cần tập trung tâm trí để không còn đầu óc nghĩ đến cái đang ám ảnh. Hãy tránh ăn không ngồi rồi, vì rảnh và lười sẽ làm tăng suy nghĩ lộn xộn, tăng lo lắng, tăng đau nhức, tăng mệt mỏi.

Người bệnh ung thư thường lo lắng hoảng sợ. Tôi rất thông cảm cho điều này, vì bệnh nhân thường có nhiều bất an như không biết có hết bệnh không, có đủ sức để chịu điều trị không… Hãy cố gắng hiểu rằng lo lắng không làm hết bệnh mà chỉ có làm bệnh nặng hơn. Hãy chú tâm vào việc điều trị.

Điều trị xong rồi thì cần cảnh giác bệnh tái phát bằng cách nhớ lịch tái khám kiểm tra, chứ không cần nhớ căn bệnh nữa. Sống ngày nào biết ngày đó. Quẳng gánh lo đi mà vui sống là phương châm quan trọng. Nếu lo lắng hoảng sợ thì hãy đến gặp bác sĩ của bạn. Bác sĩ ung thư cũng có kiến thức hỗ trợ điều trị tâm lý cho bệnh nhân. Nếu quá tầm của họ, họ sẽ giới thiệu bạn đến bác sĩ tâm lý.

Ý kiến từ nhiều nguồn chỉ là để tham khảo

Ý kiến của bác sĩ này hay bất cứ ai khác, kể cả sách vở tài liệu y học của các cơ sở có uy tín…chỉ là tham khảo, không thay thế được bác sĩ của bạn.

Chúng ta nên tham khảo các tài liệu để trang bị kiến thức giúp việc gặp bác sĩ được hiệu quả, chứ không nên tham khảo để tìm cách tự xử trí vấn đề hay điều trị bệnh. Hướng tới việc chống lo lắng, nên lưu ý tham khảo những thông tin tích cực hơn là tiêu cực, xem những chuyện vui hơn là buồn.

Chọn người làm bác sĩ gia đình

Khi được hỏi phụ nữ lớn tuổi phải làm gì nếu bị đau nhũ bộ, sờ thấy cái này cái nọ trong đó. Gia đình lại có người thân như mẹ hay chị em gái từng bị ung bướu ở vú, tôi có thể tư vấn cho người hỏi đi thực hiện các bước đúng bài bản của một bác sĩ ung thư. Nhưng trả lời như thế là không đúng.

Vì người hỏi sẽ phải loay mày mò tìm đường thực hiện, kiếm bác sĩ khám và xử lý kết quả xét nghiệm. Câu trả lời là dẹp cái lo đi và bình tĩnh đến gặp bác sĩ của bạn. Chỉ dẫn bài bản có tính chuyên môn chỉ nên gửi cho bác sĩ chưa có kinh nghiệm nếu họ hỏi để giúp họ giải quyết các ca bệnh của họ chứ không phải để hướng dẫn bệnh nhân "tự đi chẩn đoán".

Người ở Mỹ hay các nước có quy chế bác sĩ gia đình thì rất dễ thực hiện lời khuyên "Hãy đến gặp bác sĩ của bạn". Đối với người ở Việt Nam, xin có vài lời khuyên cho bạn như sau:

Nếu người bình thường lo lắng bị ung thư, hãy đến với bác sĩ để được chứng minh là mình không bị ung thư. Khi biết không bị ung thư thì mới thực sự hết lo lắng.

Nếu phát hiện ra ung thư thì phát hiện được sớm, kết quả điều trị sẽ tốt hơn. Từ đó, chiến lược chống lo lắng khu trú phù hợp hơn, giúp điều trị lo lắng hiệu quả hơn.

Cũng như những bệnh phổ biến khác như tim mạch, tiểu đường… nền y tế của quốc gia nào cũng có chương trình phòng chống bệnh ung thư. Các bác sĩ gia đình có vai trò quan trọng trong phát hiện và chẩn đoán sớm cho người dân và quản lý bệnh nhân.

Ở Việt Nam, chuyên khoa bác sĩ gia đình mới được thiết lập gần đây, nên nhiều nơi chưa có bác sĩ gia đình. Tuy nhiên, bù lại là có đội ngũ y bác sĩ phường xã. Hãy tin tưởng và đến với họ, coi họ như một bác sĩ gia đình, để họ quản lý theo dõi sức khoẻ cho mình.

Chất lượng sinh viên y khoa đã ngày càng được nâng cao, trang thiết bị y tế khá hơn, kết nối thông tin dễ dàng giữa các tuyến phường xã – quận huyện – bệnh viện chuyên khoa, trong nước – ngoài nước…có thể giúp bệnh nhân có tư vấn đúng và kịp thời.

Những bệnh nhân thông minh là những người biết gắn kết với các bác sĩ trẻ mới ra trường. Đó là các bác sĩ còn ít bệnh nhân, còn trẻ nên giàu nhiệt tình và chăm học. Họ dư sức tìm hiểu những câu trả lời về sức khoẻ để giúp bạn.

Không chỉ vì phía sau họ có những người đàn anh, người thầy mà bản thân họ có thể truy cập các thông tin y khoa trên toàn thế giới. Vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu nên được đẩy mạnh và đưa về bác sĩ gia đình, y tế phường xã để tránh dồn ứ ở các bệnh viện lớn hay bệnh viện chuyên khoa. Không có bác sĩ gia đình của mình, bạn sẽ chỉ được chăm sóc sức khỏe một cách chắp vá, không toàn diện, không chặt chẽ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại