Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế

Dược sĩ Phạm Trần Thu Trang (Canada) |

Ở Việt Nam hiện nay những kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản chưa được đào tạo một cách bài bản. Việc chia sẻ các kỹ năng sơ cứu không đúng rất tai hại.

Sơ cứu sai rất nguy hiểm, chia sẻ cách sơ cứu không đúng rất tai hại

DS Pham Tran Thu Trang

Tác giả: Dược sỹ Phạm Trần Thu Trang được cấp phép hành nghề lâm sàng (Registed Pharmacist - RPh), tại thành phố Calgary, tỉnh Alberta, Canada.

Cô có 5 năm làm việc trong ngành dược tại Việt Nam trước khi chuyển sang sinh sống và làm việc tại Canada.

Sơ cấp cứu là kỹ năng sống còn, có tới 8/10 nạn nhân bị ngưng tim ngoài bệnh viện (Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ - CDC) trong khi chỉ có 5 phút để cứu. Rất nhiều trong số đó đã có thể sống sót nếu được hô hấp nhân tạo đúng cách.

Rất tiếc ở Việt Nam hiện nay những kỹ năng này lại chưa được đào tạo một cách bài bản. Việc chia sẻ các kỹ năng sơ cứu không đúng rất tai hại.

Cụ thể, trên mạng đang chia sẻ hướng dẫn sơ cứu nghẹn ở trẻ nhỏ bằng cách nắm chân dốc lên và vỗ lưng. Hướng dẫn này rất nguy hiểm vì những lý do sau:

- Bé nặng, ba mẹ hốt hoảng có thể tuột tay gây chấn thương sọ não.

- Vỗ mạnh vào lưng khi không có điểm tựa, có thể gây hội chứng rung lắc ở trẻ gây tổn thương não (Baby Shaking Syndrome).

- Dùng tay móc họng bé lấy dị vật làm bé nghẹt thở và dị vật chui sâu hơn.

Đã có quá nhiều trường hợp bé tử vong khi người nhà cố gắng làm như vậy.

Tôi xin chia sẻ hướng dẫn sơ cứu đúng chuẩn và cập nhật nhất hiện nay, với vai trò là dược sĩ có chứng nhận sơ cấp cứu mức C của Canada (Standard First-Aid/AED level C) của hội Chữ Thập Đỏ có giá trị ba năm, đến ngày 26/9/2022. Có thể vào trang myrc.redcross.ca để xác thực hiệu lực của chứng nhận.

Nguyên tắc chung khi sơ cấp cứu 3C

CHECK: Quan sát, kiểm tra hiện trường đầu tiên xem có an toàn không. Chuyện gì đã xảy ra? Đừng theo bản năng lao vội vào trong khi xung quanh có điện giật. Đừng lay lắc, xốc vác nạn nhân lên mà không để ý kế bên có một cái thang. Đó có thể là dấu hiệu nạn nhân mới trượt té và có thể chấn thương sọ não. 

Hãy luôn kiểm tra, quan sát hiện trường, đảm bảo an toàn cho bản thân đã. Sau đó bình tĩnh kiểm tra nạn nhân: xem còn thở không (hiện không còn khuyên thử bắt mạch, vì đôi khi khó bắt), rà soát thân mình nạn nhân xem vết thương ở đâu.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 5.

CALL: Gọi ngay cho cấp cứu hay hỗ trợ Bước này rất hay quên vì mải lo cứu người, hoặc nghĩ ai đó khác đã gọi.

CARE: Cấp cứu. Không làm các thủ thuật mình không được đào tạo, hoặc không rõ tình trạng nạn nhân (rạch lể, cạo gió). Nếu không tự tin, tốt nhất không làm gì ngoài gọi cấp cứu.

1. Sơ cấp cứu nghẹn, hóc:

Với trẻ em trên 1 tuổi hoặc người lớn

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 7.
Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 8.

- Không có sự khác biệt khi sơ cứu nghẹn hóc cho trẻ > 1 tuổi và người lớn.

- Đứng phía sau, 1 tay đỡ ngực, ngả người nạn nhân về trước. Dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái ở lưng, phần ngang nách.

- Nếu vẫn còn nghẹn, làm thao tác xốc bụng: một tay nắm lại, tay kia đặt lên trên. Vị trí dưới xương ức. Xốc mạnh nạn nhân lên như thể muốn bế. Làm 5 lần.

- Nếu phụ nữ có thai: đặt tay ở phần ngực và xốc lên thay vì bụng.

- Nếu nạn nhân quá cao: bảo nạn nhân quỳ xuống. Ngược lại, nạn nhân quá thấp thì mình khuỵu gối xuống.

- Nếu bản thân bị nghẹn khi ở một mình: đè tựa bụng vào cạnh bàn, cạnh ghế và tự xốc.

Với trẻ dưới 1 tuổi

- Đặt bé nằm trên đùi, đầu dốc xuống. Kéo hàm bé xuống nhưng tránh bịt miệng bé. Vỗ vào lưng 5 cái.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 9.

- Lật bé nằm ngửa trên đùi, đầu dốc xuống. Dùng hai ngón trỏ + giữa, ấn 5 lần vào ức bé, vị trí giữa ngực. Tránh thấp quá gây tổn thương nội tạng.

- Đảm bảo tư thế chắc chắn, nâng đỡ đầu bé.

- Liên tục làm 5 vỗ lưng - 5 nhấn ngực tới khi dị vật văng ra.

Nên:

- Trẻ lớn, người lớn: liên tục lặp lại xốc bụng tới khi dị vật văng ra. Nếu nạn nhân bất tỉnh, ngưng thở: gọi ngay 115 và thực hiện hô hấp nhân tạo.

- Nếu thấy dị vật gần miệng, chỉ nhẹ nhàng gạt ra nếu có thể. Đưa nạn nhân đi bệnh viện ngay cả khi lấy được dị vật. Vì tổn thương có thể gây phản xạ đóng nắp thanh môn và vẫn tiếp tục ngạt thở.

- KHÔNG thực hiện xốc bụng trước khi vỗ lưng.

- KHÔNG cố móc họng lấy dị vật, sẽ gây hoảng loạn, gây ngạt hoặc dị vật lọt sâu hơn.

- KHÔNG đan tay, xiết tay khi làm thao tác xốc bụng.

- KHÔNG nắm chân dốc ngược trẻ lên và vỗ lưng như hướng dẫn trên mạng.

- KHÔNG hoảng loạn, bế xốc, lay lắc bé vì không giúp ích gì được, có thể làm nặng hơn.

- KHÔNG cho trẻ ăn: nho nguyên trái, bỏng ngô, đầu xúc xích, rau câu dẻo, hút trân châu: các thực phẩm hàng đầu gây nghẹn.

2. Kỹ thuật hô hấp nhân tạo đúng (Cardio Pulmonary Resuscitation - CPR):

Kỹ thuật này giúp tăng tới gấp đôi, gấp ba cơ hội sống cho nạn nhân nếu được thực hiện đúng cách. Thực hiện cho mọi trường hợp nạn nhân ngừng thở.

- Kiểm tra: Vỗ vai, nâng cằm nghe hơi thở: Nạn nhân ngưng thở mới thực hiện.

- Nạn nhân nằm ngửa trên bề mặt CỨNG

- Đầu ngả ra sau, cằm nâng lên (Head tilt - Chin lift): RẤT QUAN TRỌNG vì như vậy đường thở mới mở.

- Hai tay chồng lên nhau. Đặt giữa lồng ngực. Vị trí dưới nách 1 chút (ngang đường núm vú). - Nguyên tắc 30 - 2: 30 một chu kỳ = 30 lần nhấn ngực và 2 lần thổi miệng. Để dễ hình dung hãy mở bài Baby Shark doo doo, cỡ 2 nhịp/giây theo bài.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 11.

- Khi nhấn: để ngực phồng lên lại sau mỗi lần nhấn.

- Khi thổi hơi: thổi đầy hơi, thấy lồng ngực phồng lên là đúng.

- Với trẻ nhỏ, sơ sinh: lượng hơi thổi miệng chỉ bằng một bụm phồng má. Thay bàn tay bằng hai ngón tay.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 12.

- Nếu nạn nhân nôn ói: có thể đặt tay quá thấp và ép dạ dày thay vì tim phổi.

Nếu nạn nhân thở lại: để nằm nghiêng sang tư thế phục hồi ở mục 3.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 13.

Nên:

- Tiếp tục lặp lại chu kỳ 30-2 tới khi thở lại hoặc cấp cứu tới.

- Sai lầm thường gặp là chỉ làm một lúc rồi ngưng vì nghĩ không hiệu quả. Thực tế, có trường hợp người chồng 75 tuổi đã hô hấp nhân tạo cho vợ mình suốt 1 tiếng rưỡi khi gặp nạn, và nhờ vậy cả hai đều sống.

- Có thể không cần thổi miệng, chỉ cần nhấn ngực liên tục. Chỉ với trẻ nhỏ, thổi miệng mới quan trọng.

- Nhờ người khác tiếp sức vì có thể rất lâu và rất mất sức.

- KHÔNG quên ngửa đầu - nâng cằm.

- KHÔNG thực hiện khi nạn nhân còn thở (do quên kiểm tra.)

- KHÔNG lay lắc đầu mà chỉ kiểm tra bằng cách vỗ vai. -KHÔNG đặt tay quá cao gây chẹn đường thở.

- KHÔNG quên để ngực phồng lại sau mỗi nhịp nhấn.

- KHÔNG thổi quá mức với trẻ nhỏ. 1 bụm miệng là đủ.

- KHÔNG ưu tiên thổi miệng mà cần tập trung nhấn ngực.

- KHÔNG lo ngại gãy xương sườn khi nhấn ngực, vì nếu đã ngưng thở thì chỉ sau 4-5 phút là não bắt đầu chết. Nhưng cũng tránh bạo lực không cần thiết mà tuỳ thể tạng nạn nhân.

3. Phát hiện nạn nhân nằm dưới đất, không rõ lý do

- Vỗ vai, nâng cằm ngả đầu, kiểm tra 5-10 giây nếu còn thở: kiểm tra toàn thân tìm tổn thương, đẩy nạn nhân nằm nghiêng vào tư thế hồi phục, dễ thở, tránh sặc.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 15.
Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 16.

- Nếu không còn thở: gọi 115 và thực hiện hô hấp nhân tạo.

- Lưu ý nạn nhân có thể chấn thương đầu - cổ - cột sống. Xem mục 6.

- Nếu nạn nhân có thể nói chuyện: hỏi SAMPLE

+ Signs/symptoms: triệu chứng là gì?

+ Allergies: có dị ứng gì không?

+ Medications: có dùng thuốc gì không?

+ Past medical history: có tiền sử bệnh lý gì?

+ Last meal: Mới ăn hay uống gì không?

+ Events: chuyện gì đã xảy ra?

- KHÔNG lay lắc đầu, nguy hiểm lỡ nạn nhân đang chấn thương đầu cổ hoặc đột quỵ.

- KHÔNG bế xốc vác, chở xe máy. Trừ phi buộc phải tự đưa nạn nhân cấp cứu.

- KHÔNG kê gối dưới đầu khiến cổ nạn nhân gập lại, khó thở hơn. Có thể kê dưới cổ để giúp ngửa đầu - nâng cằm, mở đường thở.

- KHÔNG tìm cách cho uống nước nếu nạn nhân không tỉnh táo, mơ hồ dễ sặc.

- KHÔNG cạo gió, châm lể vì nếu nạn nhân bị tăng huyết áp sẽ càng nguy hiểm hơn.

- KHÔNG cố dìu nạn nhân đứng lên vì có thể té gây chấn thương.

4. Nạn nhân đột quỵ

- Dấu hiệu đột quỵ NCG:

+ NÓI: nói ngọng, khó nói, líu chữ bất thường, lú lẫn đột ngột. Không thể hiểu hoặc diễn đạt câu đơn giản.

+ CƯỜI: mặt bị méo một bên.

+ GIƠ HAI TAY LÊN: không thể giơ đều hai tay, dấu hiệu liệt nửa người.

CẦN: Gọi ngay 115 đưa đến trung tâm quỵ gần nhất. Trong vòng 4.5-6 tiếng khả năng hồi phục rất cao.

- Giúp nạn nhân tương tự mục 3 (đặt tư thế dễ thở và hô hấp nhân tạo nếu ngừng thở) và chờ cấp cứu.

- KHÔNG cố gắng làm thêm bất cứ gì khác chỉ càng hại thêm.

- KHÔNG chở xe máy hoặc phương tiện rung lắc nhiều. Cố gắng cố định đầu nạn nhân tốt nhất.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 18.

5. Nạn nhân nhồi máu cơ tim/ Đau tim

- Dấu hiệu: Cơn đau ngực thường ở giữa xương ức như có lực ép lên ngực, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở. Có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Có thể đi kèm toát mồ hôi, nôn hoặc đau đầu nhẹ. Nếu cơn đau xuất hiện bất ngờ dù đang nghỉ, kéo dài trên 30 phút thì gọi là hội chứng mạch vành cấp, tức cơn nhồi máu cơ tim nguy hiểm.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 20.

- Gọi ngay 115.

- Cho dùng nitroglycerin viên đặt lưỡi/xịt dưới lưỡi. Nhai ngay hai viên aspirin 81mg (thường người có tiền sử bệnh đau ngực sẽ có sẵn thuốc).

- Giúp nạn nhân tương tự mục 3 (đặt tư thế dễ thở và hô hấp nhân tạo nếu ngừng thở) và chờ cấp cứu.

- KHÔNG cố gắng làm thêm bất cứ gì khác chỉ càng hại thêm.

- KHÔNG thay aspirin bằng các thuốc hạ sốt giảm đau như paracetamol (Panadol), ibuprofen.

6. Động kinh, co giật

- Giúp nạn nhân nằm trên bề mặt êm, an toàn.

- Lót khăn êm dưới đầu để bảo vệ đầu.

- Cho nằm tư thế hồi phục ở mục 3, tránh bị sặc khi nôn ói.

- Tránh xa các vật dụng nguy hiểm, đổ vỡ (tủ, bàn ghế, dụng cụ...).

- Gọi cấp cứu 115 và làm hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân ngưng thở.

- KHÔNG nhét bất cứ vật gì vào miệng nạn nhân, gây nguy cơ nghẹt thở hoặc rớt dị vật vào họng.

Đây là sai lầm thường thấy nhất. Nạn nhân khó tự cắn lưỡi, và dù có cắn lưỡi thì cũng không ảnh hưởng tính mạng như việc bị nghẹt thở.

- KHÔNG gồng giữ, ghì chặt nạn nhân. Các cơ đang co giật dữ dội, cố gắng kìm lại chỉ gây nguy cơ gãy xương, rách cơ.

- KHÔNG làm thêm gì khác.. Vì một khi đã co giật thì chỉ có thể để nó xảy ra, giữ cho nạn nhân ở vị trí an toàn là điều tốt nhất bạn có thể làm. Đừng cố làm thêm bất cứ gì khác sẽ chỉ gây hại hơn.

7. Chấn thương Đầu - Cổ - Cột sống

Nếu rơi vào 5 tình huống sau đây thì cần nghi ngờ ngay có chấn thương đầu - cổ - cột sống dù không nhìn thấy bên ngoài:

- Té ngã từ vị trí cao trên chiều cao cơ thể.

- Nhảy từ trên cao xuống nước.

- Điện giật hoặc sét đánh.

 - Bị đấm, va đập mạnh vào hàm, đầu hoặc lưng.

- Thấy nạn nhân nằm bất động không rõ nguyên do.

- Gọi ngay cấp cứu 115

- Hạn chế tối đa di chuyển nạn nhân

- Đi từ phía chân nạn nhân lên, tránh đi từ phía đầu khiến nạn nhân cố gắng ngoái lên

- KHÔNG quay đầu, cố gắng gật đầu. Chỉ trả lời bằng cách nói hoặc nháy mắt.

- KHÔNG bế xốc vác, chở xe máy. Trừ phi buộc phải tự đưa nạn nhân cấp cứu.

- KHÔNG bế ẵm nạn nhân lên. Phản xạ này hay gặp nhất khi con nhỏ bị té, ba mẹ thường hoảng hốt vội vã bế lên, lay lắc con.

- KHÔNG cố gắng lau hoặc bít dịch, máu chảy ra từ tai hoặc mũi. Dịch trong suốt chảy từ tai có thể là dịch từ não bị chèn ép do chấn thương. Bịt máu, dịch lại sẽ làm tăng áp lực trong não.

8. Vết thương chảy máu nhiều

- Dùng gạc, khăn sạch ép mạnh lên trên vết thương cho tới khi ngừng chảy máu.

- KHÔNG tìm cách rút vật cắm vào như dao, mảnh thuỷ tinh.

- KHÔNG thay băng gạc mới, mà chỉ chồng thêm gạc nếu thấm đẫm máu, vì cần duy trì áp lực liên tục lên vết thương tới khi máu ngừng chảy.

- NGOẠI LỆ duy nhất là vết thương ở ngực gây thủng phổi (thấy bọt sùi từ vết thương, nạn nhân khó thở, tiếng hút phát ra từ vết thương): khi gạc đẫm máu thì thay ngay gạc khác. Vì gạc đẫm máu khiến không khí không thoát ra được sẽ gây xẹp phổi.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 24.

- KHÔNG dùng dây buộc chặt phía trên vết thương. Đây là thực hành cũ hiện nay không khuyến khích nữa, vì nguy cơ làm tắc máu tới nuôi chi có thể gây đoạn chi.

- CHỈ BUỘC DÂY trên vết thương khi đã làm mọi cách mà máu không ngừng chảy, mất máu quá nhiều, hoặc cần di chuyển mà không có ai hỗ trợ, ở gần cơ sở y tế.

Nhớ ghi thời gian bắt đầu thắt trên trán nạn nhân.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 25.

- Nếu chảy máu trong (vết bầm/sưng lớn, đặc biệt ở phần thân mình; nôn ói ra máu; choáng váng xây xẩm): nạn nhân có thể rất khát nhưng TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHO BẤT CỨ GÌ VÀO MIỆNG KỂ CẢ NƯỚC vì sẽ gây nguy hiểm.

9. Nạn nhân tụt đường huyết

Dấu hiệu: vã mồ hôi lạnh, chóng mặt, mệt mỏi kiệt sức, run rẩy, đói, bồn chồn lo lắng, xỉu

Nên:

- Quy tắc 15 - 15: ăn hoặc uống 15 g đường, tương đương: 1/2 - 1/3 cốc nước trái cây, hoặc 1 muỗng canh (3 muỗng cafe) đường/mật ong hoặc 3 - 5 viên kẹo.

- Nghỉ 15 phút.

- Nếu không đỡ: lặp lại 15g đường và đưa đi bệnh viện ngay.

- Trẻ nhỏ cần lượng đường ít hơn từ 6-10g.

- KHÔNG dùng đường có kèm chất béo (ví dụ: sô cô la), tinh bột (ví dụ: bánh, bánh mỳ, cơm) vì hấp thu đường chậm, đường/nước uống ăn kiêng.

- KHÔNG ăn quá nhiều vì sẽ gây tăng đường quá mức. Tuân thủ nguyên tắc 15-15.

- KHÔNG cố nhét đường vào miệng nếu nạn nhân bất tỉnh hay lơ mơ, dễ gây sặc.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 27.

10. Sơ cứu bỏng nhiệt, bỏng điện

Nên:

- Nếu bỏng điện: Đảm bảo đã ngắt điện. Bỏng điện có thể ảnh hưởng đến tim phổi: Kiểm tra hô hấp, thực hiện hô hấp nhân tạo và gọi cấp cứu.

- Kiểm tra quanh miệng nếu có tổn thương, vết bỏng: có khả năng bỏng hô hấp, nhất là trong đám cháy.

- Rửa ngay dưới vòi nước lạnh ÍT NHẤT 10-20 PHÚT. Sai lầm hay gặp là thời gian rửa quá ngắn. Cẩn thận hiện tượng tụt thân nhiệt khi ngâm nước lạnh trên diện tích lớn cơ thể ở trẻ nhỏ.

- Bôi - Đắp gạc ướt chuyên dụng (dressing).

- Bỏng nhẹ bề mặt có thể bôi thuốc kháng sinh để ngăn nhiễm trùng và gel lô hội làm dịu da. - Gỡ bỏ quần áo, trang sức khỏi vùng bỏng.

- KHÔNG cố gắng gỡ quần áo, trang sức, vật thể... nếu dính vào da.

- KHÔNG bôi kem đánh răng, nước tương, nước mắm hay bất cứ dung dịch không phải y tế, gây nguy cơ nhiễm trùng.

- KHÔNG chọc vỡ bóng nước dễ gây nhiễm trùng, sẹo xấu và chậm lành vết thương.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 29.

11. Ngộ độc

Đường uống (thuốc, thuốc trừ sâu, hoá chất, thực phẩm, nấm độc vv...):

- Tìm nguyên nhân gây ngộ độc và mang theo bao bì nếu có tới bệnh viện.

- KHÔNG tìm cách làm cho nôn nếu không biết ngộ độc gì, nhất là ngộ độc hoá chất vì sẽ gây trào ngược lên tổn thương đường tiêu hoá nặng hơn. Chỉ cho nôn khi được chuyên gia cấp cứu hướng dẫn.

Đường tiếp xúc (hoá chất, nhựa cây cỏ độc...):

- Lau phủi sạch, cẩn thận tránh dính vào người.

- Cởi bỏ quần áo dính chất độc.

- Rửa sạch dưới nước 15-20 phút theo chiều ra xa; tránh để nước hoà tan chất độc lan ra vùng khác cơ thể.

- Nếu nổi mẩn, ngứa, mề đay: ra tiệm thuốc hỏi thuốc dị ứng antihistamin đường uống, hạn chế antihistamin dạng bôi vì dễ kích ứng. Có thể bôi kem chứa chất làm dịu da (calamin, yến mạch, lô hội). Lưu ý triệu chứng sốc phản vệ: khó thở, mạch tụt, tiêu chảy, chóng mặt, nôn ói, sưng phù: gọi cấp cứu ngay lập tức.

Đường hô hấp (đám cháy; bụi hoá chất; khí gas ...):

Cố gắng đưa nạn nhân ra vùng khí sạch, nhưng cẩn thận không tự đi vào nếu không trang bị đủ bảo vệ bản thân.

12. Gãy răng

- Cầm lên ở phần thân trên răng.

- Bỏ vào dung dịch có protein như: lòng trắng trứng, sữa nguyên kem (tránh sữa có chất bảo quản), nước dừa, nước bọt của chính nạn nhân.

- Đưa đi nha sĩ ngay lập tức vì có khả năng cứu được răng.

- KHÔNG cầm vào phần chân răng vì sẽ làm giảm khả năng cứu răng.

- KHÔNG rửa nước (có chất tiệt trùng).

- KHÔNG cố gắng lau chùi bụi bẩn vì có thể ảnh hưởng mô sống ở chân răng.

- KHÔNG cho nạn nhân ngậm răng trong miệng. Vì miệng bị tê và có thể nuốt răng vào bụng.

- KHÔNG cho người khác ngậm răng của nạn nhân.

Rất nhiều người có thể được cứu sống nếu nắm vững 12 kiến thức sơ cấp cứu cơ bản - chuẩn quốc tế - Ảnh 32.

Khi gặp người bị nạn, chúng ta có xu hướng không làm gì cả. Hoặc nếu là người thân thì lại quá lo lắng và cố làm quá nhiều thành ra gây hại.

Nhưng chúng ta chỉ cần làm ĐỦ và ĐÚNG. Đôi khi kê thêm cái gối, cho uống ngụm nước cũng gây hại nếu không hiểu về sơ cấp cứu. Trong mọi trường hợp: bình tĩnh + gọi cấp cứu + hô hấp nhân tạo là BA điều tốt nhất để cứu nạn nhân/người nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại