“Đổ tội” lên đầu bác sĩ?!
Cuối tháng 5.2017, tai biến trong vụ chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 8 người tử vong là sự cố y khoa rất nghiêm trọng, vô cùng đáng tiếc trong ngành y tế. Sự cố y khoa này đã gây xôn xao dư luận xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế trong việc cung cấp cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân.
Đây là điều mà ngành y tế nói chung và các bác sĩ BV đa khoa tỉnh Hòa Bình nói riêng không hề mong muốn.
Tại thời điểm đó, trong số những người liên quan bị bắt tạm giam có BS Hoàng Công Lương . Tuy nhiên, sau đó các ngành, các cấp vào cuộc cùng dư luận, BS Lương đã được tại ngoại. BS Hoàng Công Lương trở về với công việc cứu người bệnh của mình.
Tháng 3/2018, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ra cáo trạng truy tố 3 bị can trong vụ án chạy thận làm 8 bệnh nhân tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo đó, 3 bị can bị truy tố về các tội danh: “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Bùi Mạnh Quốc (34 tuổi, giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh); Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng Vật tư, trang thiết bị y tế - BV đa khoa tỉnh Hòa Bình); Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo - BV đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Cơ quan tố tụng xác định bị can Hoàng Công Lương được trưởng khoa giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo. Ngày 20.4.2017, bị can Lương thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và biết rõ việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28.5.
Cơ quan tố tụng cho rằng với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bị can Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của trưởng khoa.
Nhưng sáng 29.5.2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì bị can Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.
Chua xót, hoang mang
BS Hoàng Công Lương sắp ra toà. Nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người thân và dư luận xã hội sốc khi đón nhận thông tin của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Một đồng nghiệp của BS Lương chua chát: BS Lương, vị bác sĩ trẻ giỏi giang, vẫn đang làm việc tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình. Lương hôm nay khoác blouse trắng đi trực, mai thay đồ đến toà án để chờ phán quyết của hội đồng xét xử về tội danh “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
BS Lương là người ít nói, có chuyên môn được đánh giá rất cao. Mới năm 2016 thôi, BS Lương còn được Giám đốc Sở Y tế Hoà Bình ký khen thưởng chiến sĩ Thi đua. Tháng 5.2017, sự cố y khoa xảy ra tại khoa Thận của bệnh viện này khiến 8 người tử vong.
Hôm ấy, BS Lương trực. Khi sự cố xảy ra, BS Lương đã làm hết sức để cứu được 10 bệnh nhân trong tổng số 18 bệnh nhân đang chạy thận hôm đó. Nếu không có BS Lương, nạn nhân tử vong chắc chắn không dừng lại ở con số 8.
Dư luận cho rằng, BS Hoàng Công Lương là nạn nhân. TS.BS Võ Xuân Sơn, nguyên bác sĩ BV Chợ Rẫy, TPHCM bày tỏ quan điểm về việc truy tố BS Hoàng Công Lương: Đây là điều đau đớn cho ngành y và là một đòn mạnh giáng vào sự phát triển của ngành y. TS.BS Sơn phân tích:
Cơ quan điều tra cho rằng BS Lương đã được huấn luyện, nên biết rõ là chạy thận cần phải có nước được xử lý tiêu chuẩn. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng BS Lương có thể xác định nước có thể dùng được bằng cách nào? Ngửi, nếm, uống thử...?
Từ phân tích này, TS.BS Võ Xuân Sơn cho rằng: BS Lương không có trách nhiệm thử xem nước đó có dùng được hay không.
Nhiệm vụ của BS Lương chỉ là chữa bệnh, là xem bệnh nhân có chỉ định chạy thận hay không, và thực hiện các quy trình chuyên môn để chạy thận cho bệnh nhân. Việc xét nghiệm nước, kiểm tra nước... là do bộ phận khác, được giám đốc bệnh viện chỉ định hoặc đã có quy định của luật, hoặc văn bản dưới luật nào đó.
Còn nếu nói BS Lương phải có trách nhiệm kiểm tra nguồn nước thì cơ quan điều tra phải đưa ra được, điều đó quy định ở đâu, và giám đốc, trưởng khoa đã có văn bản nào quy định cụ thể nhiệm vụ đó cho BS Lương chưa? Khi nói BS Lương vi phạm quy trình chuyên môn để chạy thận cho bệnh nhân thì phải xét xem BV đa khoa Hòa Bình đã có quy trình hay chưa?
Bộ Y tế đã ban hành quy trình này ở thời điểm vụ việc diễn ra chưa? Nếu BV đa khoa Hòa Bình ban hành quy trình chuyên môn để chạy thận rồi mà BS Lương vi phạm thì mới nói là BS Lương có tội.
GS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc BV Nhi Trung ương lo lắng: “Vụ việc này một lần nữa dấy lên lo lắng và hoang mang trong y giới. Nhiều đồng nghiệp lên tiếng bênh vực BS Lương và cho rằng BS Lương vô tội.
Có lẽ các cơ quan tố tụng cũng có lý riêng của họ. Dư luận của cộng đồng y tế nói riêng và cộng đồng nói chung có thể là yếu tố để tòa tham khảo nhưng không phải là yếu tố quyết định.
Một lần nữa chúng ta rất cần sự vào cuộc của Tổng hội Y học - tổ chức mà BS Lương là một hội viên. Hội cần đứng ra bảo vệ quyền lợi hội viên bằng cách liên hệ mời các luật sư giỏi bảo vệ cho BS Lương tại phiên tòa. Rất mong BS Lương không đơn độc trong vụ việc phức tạp này”.
Quay lại với tai biến chạy thận vào tháng 5.2017, một tháng sau khi xảy ra tai biến, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã xác định nguyên nhân gây ra cái chết cho 8 bệnh nhân trong quá trình lọc máu là do có tồn dư hoá chất khử khuẩn Flouride cao quá mức an toàn cho chạy thận nhân tạo hàng trăm lần trong hệ thống nước RO.
Như vậy, có thể xác định rõ sai sót không nằm trong quá trình điều trị, chữa bệnh.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (số 40/2009/QH12) quy định: “Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh”.
Quy định này cho thấy rõ, bác sĩ là người chịu trách nhiệm việc chữa bệnh bao gồm “cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh. BS Lương với chuyên môn về thận nhân tạo sẽ chịu trách nhiệm xem bệnh nhân có được chỉ định lọc máu hay không và thực hiện các quy trình chuyên môn để tiến hành lọc máu cho bệnh nhân.
Hơn nữa, BS Lương không chịu trách nhiệm về chất lượng thiết bị y tế. Bởi theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó quy định: Đơn vị sở hữu số đăng ký lưu hành sản phẩm là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhập khẩu và lưu thông trên thị trường;
Đơn vị sử dụng có trách nhiệm sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng theo hướng dẫn của người sản xuất.
Đối chiếu với trường hợp sự cố chạy thận nhân tạo BS Lương là người đại diện cho đơn vị sử dụng có trách nhiệm sử dụng thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và ra quyết định bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị khi cần thiết theo hướng dẫn của nhà sản xuất chứ không phải là người chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thiết bị y tế.