Johnson từng phục vụ trong Phi đoàn tiêm kích số 213 (VFA-213), góp mặt trong 42 nhiệm vụ chiến đấu tại Afghanistan, Iraq và Syria vào năm 2014.
Cô là một trong những nữ phi công đầu tiên tham gia chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq với vai trò xác định mục tiêu và triển khai vũ khí.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ năm 2009, Johnson bắt đầu quá trình đào tạo phi công tại căn cứ không quân hải quân Pensacola ở bang Florida.
Cô luôn đạt thành tích học tập tốt, thuộc nhóm dẫn đầu khóa học trong nhiều khoa mục huấn luyện.
Hai năm sau, Johnson muốn trở thành phi công tiêm kích Super Hornet. Một trong những giáo viên tại Pensacola đã hướng dẫn cô theo con đường này.
Đầu năm 2014, đại úy Johnson được biên chế về VFA-213 và rời quân cảng Norfolk trên tàu sân bay USS George H.W. Bush.
Nhiệm vụ của cô và các đồng đội là hỗ trợ chiến dịch đối phó phiến quân Taliban ở Afghanistan, nhưng nó được chuyển thành cuộc chiến chống IS chỉ sau đó vài tháng.
Johnson và đồng đội ban đầu chỉ làm nhiệm vụ trinh sát và thu thập dữ liệu tình báo, điều đó khiến cô chứng kiến nhiều tội ác của IS dưới mặt đất. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép quân đội Mỹ tấn công IS sau đó hai tháng. Cuộc không kích đầu tiên diễn ra ngày 8-8-2014, khiến Johnson khao khát trở thành người phụ nữ đầu tiên tấn công lực lượng khủng bố này.
Chỉ vài giờ sau, ước muốn của cô trở thành hiện thực. Từ ghế sau của chiếc F/A-18F, Johnson thả hai quả bom GBU-54 dẫn đường bằng laser nhằm vào hai xe thiết giáp chở quân của IS.
Mục tiêu tiếp theo là một xe thiết giáp Humvee được gia cố và trang bị bệ phóng rocket, nó nhanh chóng bị tiêu diệt bởi một tên lửa đối đất Maverick.
"Chúng tôi không thể ngừng tay, phải duy trì cuộc chiến để bảo vệ mạng sống của những người bị IS đe dọa", Johnson chia sẻ. Cô tiêu diệt tổng cộng 16 phiến quân IS và tích lũy 250 giờ bay chiến đấu.
"Nhiệm vụ chiến đấu đặt ra thử thách về thể chất và tinh thần nhiều hơn những gì tôi tưởng tượng. Bạn không bao giờ nghĩ rằng ngồi trong buồng lái sẽ gây mất sức, nhưng đó là một trong những trải nghiệm đau đớn và vất vả nhất có thể xảy đến với một người", Johnson cho biết.
Nữ phi công cũng phải đối mặt với tình trạng phân biệt giới tính khi phục vụ trong VFA-213. Khoảng 18% số binh sĩ tại ngũ của hải quân Mỹ là nữ giới, nhưng con số này chỉ là 1,7% trong cộng đồng phi công tiêm kích không quân hải quân.
Johnson bị trầm cảm sau khi kết thúc chiến dịch tại Trung Đông và muốn tìm hướng đi mới vì cảm thấy sự cô lập từ chính đồng đội, trước khi rời lực lượng chiến đấu và trở về Học viện Hải quân.
Đây là một trong những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời Johnson, khi cô phải từ bỏ chiến đấu cơ F/A-18 và chuyển sang huấn luyện học viên. Rất ít phi công tiêm kích hải quân Mỹ chọn hướng đi này.
"Đó là điều thật đau lòng, tôi biết một chương đã kết thúc trong sự nghiệp phi công của mình. Tuy nhiên, trở thành giảng viên và chỉ huy hoạt động bay tại nơi từng đào tạo tôi là trải nghiệm tuyệt vời nhất", Johnson nói.
Tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet được đánh giá là một trong những “sát thủ” đáng sợ nhất của Mỹ và thành công nhất thế giới hiện nay.
F/A-18E/F Super Hornet được Hải quân Mỹ đặt mua của hãng McDonnell Douglas vào năm 1992, nó bay lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1995, hạ cánh lần đầu tiên trên tàu sân bay vào năm 1997 và đi vào hoạt động chính thức vào năm 1999, thay thế cho tiêm kích hạm F-14 Tomcat.
F/A-18E/F Super Hornet sở hữu kho vũ khí khổng lồ, với 11 giá treo trên cánh và giữa thân, cho phép A/F-18 mang tải trọng 8 tấn vũ khí bên ngoài, nhiều hơn so với mức gần 7 tấn trên tiêm kích hạm của Nga và Trung Quốc.
F/A-18E/F Super Hornet có thể sử dụng được nhiều loại bom, tên lửa cho đủ các nhiệm vụ đối không, đối hải và đối đất, tác chiến điện tử…