Từ lâu, các bác sĩ, chuyên gia y tế và các chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến cáo mọi người nên cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn hàng ngày vì nó có thể gây tăng cân, sâu răng và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, đường vẫn lẩn trốn trong các món ăn hàng ngày như nước có ga, bánh mì, cà phê… Theo số liệu của Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), trung bình người Anh hấp thụ 700g đường – tương đương 140 thìa cà phê - mỗi tuần, nhiều hơn 3 lần so với mức khuyến nghị.
Ăn nhiều ngọt có thể tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, chế độ ăn nhiều đồ ngọt có thể tăng nhiều dạng ung thư khác nhau. Các nghiên cứu trước đây phát hiện ra rằng, khối u phát triển mạnh hơn khi cơ thể nạp nhiều đồ ngọt, các khối u này sẽ sử dụng đường làm năng lượng để đột biến và lây lan khắp cơ thể.
Bên cạnh đó, mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học cũng phát hiện ra một loại ung thư có thể phát bệnh ở các vị trí như phổi, đầu, cổ, thực quản và cổ tử cung nếu ăn quá nhiều đồ ngọt.
Ung thư biểu mô tế bào vảy (SqCC) cũng là một trong những dạng ung thư có mối liên hệ với chế độ ăn nhiều đường, theo nghiên cứu mới đây nhất của các chuyên gia đến từ Đại học Texas, Dallas.
Ở bệnh nhân SqCC, protein vận chuyển glucose 1 hay còn gọi là GLUT1 hoạt động mạnh mẽ chịu trách nhiệm vận chuyển glucose vào tế bào, đường là nguồn cung cấp năng lượng và nhiên liệu cơ bản chuyển hóa tế bào.
Ăn nhiều đường không chỉ dẫn đến các biến chứng như tiểu đường, mà còn dẫn đến một số loại ung thư phụ thuộc nhiều vào đường.
Chuyên gia chỉ dấu hiệu chế độ ăn của bạn đang chứa quá nhiều đồ ngọt
Đa số chúng ta đều không biết rằng mình "nghiện" đường cho đến khi xuất hiện một số dấu hiệu bất thường dưới đây:
1. Da xạm, nổi mụn trứng cá liên tục. Chuyên gia y tế Natalie Lamb người Anh cho biết, tình trạng mụn trứng cá nổi liên tục có thể là dấu hiệu cảnh báo chế độ ăn của bạn đang có quá nhiều đồ ngọt.
Nhà dinh dưỡng học Lepicol Lighter của Anh cũng cho biết, tiêu thụ đường quá mức có thể góp phần làm mất cân bằng hormone nữ, gây tình trạng mọc mụn trứng cá.
2. Ăn đồ ngọt vẫn cảm giác thiếu ngọt. Nhà dinh dưỡng học người Mỹ, Lorraine Kearney - người sáng lập chương trình Challenge Day Detox 21 Sugar cho rằng, vị giác có khả năng thích nghi với lượng đường mà cơ thể tiêu thụ theo thời gian. Giống như cảm giác lúc đầu bạn cảm thấy chiêc bánh rán này ngọt, nhưng càng về sau bạn càng cảm thấy nó bình thường.
Nhà dinh dưỡng học Lorraine Kearney.
3. Hỏng men răng. Theo Viện nghiên cứu Nha khoa và Hàm mặt (NICDR), các loại vi khuẩn trong miệng khi tiếp xúc với các loại đường có thể tạo ra axit độc hại.
Những axit này sau đó phá hủy men răng, gây ra các vết nứt trên răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn ăn sâu, mòn răng.
4. Cảm thấy thiếu năng lượng. Chuyên gia y tế Natalie Lamb cho biết, glucose rất cần trong việc sản xuất năng lượng cho cơ thể, tuy nhiên, điều kiện là phải giữ cho lượng đường trong máy cân bằng".
Sau khi tiêu thụ đường, tuyến tụy phóng thích insulin để chuyển glucose vào tế bào, lúc này chúng ta cảm thấy cơ thể đầy năng lượng. Tuy nhiên, khi lượng đường đã hết, chúng ta lại phải phụ thuộc vào lượng đường nạp vào cơ thể để lặp lại chu kỳ nói trên. Càng nhiều đường, cơ thể chúng ta càng phụ thuộc nhiều hơn.
5. Đầy hơi. Loại đường thông thường là fructose có thể gây ra hiện tượng đầy hơi. Chuyên gia y tế Lamb cho hay, thông thường các vi khuẩn và nấm men sẽ sản sinh ra khí dư thừa khi thức ăn không được tiêu hóa trong đại tràng. Những vi khuẩn xấu sẽ tương tác với đường gây ra chứng đầy hơi.
6. Đời sống tình dục đi xuống. Nhà dinh dưỡng học Kearney cũng cho biết, lượng đường trong máu cao có thể ngăn chặn các gen sản sinh hormone giới tính, làm giảm ham muốn tình dục.
Theo một nghiên cứu năm 2005 của trường Y John Hopkins, những người đàn ông dư đường trong máu có thể bị rối loạn chức năng cương dương.
7. Suy yếu hệ miễn dịch. Theo WebMD, tiêu thụ quá nhiều đường cũng làm suy yếu các tế bào miễn dịch kháng vi khuẩn. Nguyên nhân là do glucose can thiệp vào hoạt động của bạch cầu, giảm khả năng chống lại mầm bệnh và virut.
Ăn quá nhiều đường làm cho bạn dễ bị nhiễm trùng, cơ thể của bạn không có khả năng để bảo vệ chống lại các bệnh truyền nhiễm.
8. Tăng cân. Chuyên gia dinh dưỡng Kearney cho biết, tăng cân là một trong những dấu hiệu rõ rang nhất cho thấy bạn đang ăn quá nhiều đồ ngọt. Khi cơ thể nạp quá nhiều đường, nó sẽ được lưu trữ để chuyển đổi thành năng lượng.
Tuy nhiên, nếu không được chuyển đổi thành năng lượng nó sẽ chuyển hóa thành chất béo, dẫn đến tăng cân.
9. Mất ngủ. Nếu bạn gặp một số vấn đề về giấc ngủ, hãy xem lại chế độ ăn uống có quá nhiều đường hay không. Các chuyên gia cho biết, ăn hoặc uống đồ ngọt trước khi ngủ có thể khiến bạn khó ngủ.
Liệu trình cai nghiện đường 21 ngày của nhà dinh dưỡng học Lorraine Kearney
Chuyên gia dinh dưỡng Kearney cho biết, nếu nhận thấy các dấu hiệu trên nghĩa là đã đến lúc bạn phải cai nghiện đường. Các nhà dinh dưỡng khuyên bạn nên cai đường trong liệu trình 21 ngày để loại bỏ hoàn toàn những tác hại của đường đối với cơ thể.
Trong thời gian cai nghiện đường, bạn cũng phải kiêng thực phẩm chế biến, ăn các thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cao, ăn ít tinh bột. Tuyệt đối không ăn mì ống, gạo, trái cây chứa lượng đường cao.
Chuyên gia dinh dưỡng Kearney cho biết, trong vài ngày đầu, bạn có thể thêm trái cây vào chế độ ăn. Nhưng tuyệt đối tránh các thực phẩm như củ cải đường, nước dừa, các loại đỗ.
*Theo Dailymail