Ấn Độ rút khỏi dự án tiêm kích tàng hình FGFA: Đừng có đùa với "Gấu Nga"?

Ngọc Huy |

Việc Ấn Độ mới đây tuyên bố rút khỏi dự án tiêm kích tàng hình FGFA với Nga đã tạo ra sự hoài nghi về tính hiệu quả và thực tế của chương trình phát triển chiến đấu cơ Su-57.

Phải chăng New Delhi đã không đạt được kỳ vọng của mình với tiêm kích tàng hình FGFA hay chỉ là con bài chính trị muốn ép Moscow chia sẻ sâu hơn nữa công nghệ của máy bay Su-57 cho Ấn Độ.

Rõ ràng, trong lịch sử hợp tác quân sự với nước ngoài, chỉ có các dự án phát triển vũ khí hợp tác với Nga của Ấn Độ mới đạt được hiệu quả cao như tiêm kích Su-30MKI, xe tăng T-90 Bhisma và tên lửa hành trình BrahMos…

Rời bỏ FGFA, liệu Ấn Độ có tìm được đối tác mới sẵn sàng chia sẻ công nghệ cao như máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5? Hay đây chỉ là động thái "làm mình làm mẩy" để Nga nhượng bộ cho phép Ấn Độ tiếp cận sâu hơn với công nghệ lõi của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5?

Quả đắng, quả ngọt

Tại Ấn Độ, không khó để tìm ra những ví dụ về các chương trình hợp tác phát triển vũ khí thành công và thất bại. Và điều đáng ngạc nhiên là phần lớn các chương trình hợp tác phát triển với phương Tây đều chỉ dừng ở… nhập khẩu nguyên chiếc.

Các hợp đồng vũ khí với Mỹ hay gói thầu MMRCA với "quả đắng" mang tên tiêm kích Rafale có thể coi là minh chứng rõ ràng.

Ấn Độ rút khỏi dự án tiêm kích tàng hình FGFA: Đừng có đùa với Gấu Nga? - Ảnh 1.

Ấn Độ đang đặt mua tiêm kích Rafale của Pháp.

Trong khi đó, với truyền thống hợp tác bền chặt có từ thời Liên Xô, nhiều chương trình vũ khí hợp tác với Nga đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nếu không tìm tới Nga, Ấn Độ chắc sẽ không được tiếp cận và chuyển giao công nghệ của máy bay chiến đấu Su-30MKI, tên lửa hành trình BrahMos hay xe tăng nội địa hóa T-90S Bhisma… Đây liệu có thể được coi là quả ngọt trong hợp tác giữa hai bên.

Rõ ràng, Ấn Độ với tham vọng trở thành siêu cường đang rất khao khát vũ khí hiện đại, đặc biệt là việc chuyển giao các công nghệ vũ khí tân tiến. Điều này thấy rõ qua các hợp đồng vũ khí Ấn Độ ký trong vài thập niên trở lại đây.

New Delhi sẵn sàng trả giá cao, nhưng điều kiện bắt buộc là phải tái đầu tư một phần giá trị hợp đồng và lập cơ sở lắp ráp tại Ấn Độ.

Việc thiết lập các các liên doanh lắp ráp và chế tạo tại Ấn Độ sẽ là cơ hội tốt cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa có cơ hội được tiếp cận và tham gia vào quy trình sản xuất các loại vũ khí hiện đại.

Hiện rất khó có thể xác định rõ ràng nguyên nhân Ấn Độ rút khỏi dự án tiêm kích tàng hình FGFA do vấn đề bảo mật thông tin giữa hai bên.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ vấn đề New Delhi cảm thấy không hài lòng khi phải bỏ hàng tỷ USD trong khi lại không được tiếp cận sâu với chương trình PAK FA hay Su-57. Thậm chí, đã có nguồn tin cho biết, phi công Ấn Độ không được bay thử trên các mẫu T-50 của Nga.

Về phía Nga, Su-57 rõ ràng là một máy bay còn quá mới, mang nhiều công nghệ gia bảo, thậm chí còn chưa có phác thảo chiến thuật và khả năng tác chiến. Moscow có nhiều lý do để chưa muốn Ấn Độ được tiếp cận sâu vào công nghệ hàng không quân sự tương lai này.

Trong khi đó, động thái của Nga dẫn tới sự hoài nghi của Ấn Độ về tính năng chiến đấu của Su-57.

Mặt khác, bản thân trong nội bộ giới chức quân sự Ấn Độ cũng có nhiều quan điểm khác nhau về việc mua sắm vũ khí từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ từ Nga. Điều này giống như "vắng cô thì chợ vẫn đông". Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ của FGFA.

Liệu hành động này có phải là sai lầm? Cũng giống như lời một quan chức Không quân Ấn Độ, sự do dự trong nhiều thập kỷ qua đã làm cho Quân đội và Không quân Ấn Độ thiếu máy bay chiến đấu trầm trọng trong tương lai gần!

Ấn Độ rút khỏi dự án tiêm kích tàng hình FGFA: Đừng có đùa với Gấu Nga? - Ảnh 3.

Ảnh đồ họa giả định tiêm kích tàng hình FGFA của Ấn Độ.

Khó có đối tác nào có thể thay thế Nga

Có một điều chắc chắn, Nga cũng giống như phương Tây đều là con buôn vũ khí trên thế giới. Tuy nhiên, Moscow lại có quan điểm khác biệt là sẵn sàng chuyển giao công nghệ và xuất khẩu những công nghệ vũ khí tiên tiến cho đối tác chiến lược. Tất nhiên, công nghệ xuất khẩu không phải là "đồ gia bảo".

Mới đây nhất, Nga-Ấn đang dần đi đến thỏa thuận cung cấp tên lửa phòng không S-400 Triumf, vũ khí được cho là sẽ thay đổi cán cân quân sự tại Nam Á.

S-400 sẽ đóng vai trò như xương sống của phòng không Ấn Độ trong vài thập niên tới hay việc thuê tàu ngầm hạt nhân lớp Shuka-B….

Những vấn đề trên cho thấy Ấn Độ còn rất cần Nga. Moscow chính là nguồn vũ khí công nghệ cao đáp ứng các tiêu chí "ngon, bổ, rẻ" cho New Delhi.

Ấn Độ rút khỏi dự án tiêm kích tàng hình FGFA: Đừng có đùa với Gấu Nga? - Ảnh 5.

Tiêm kích Su-30MKI do Ấn Độ tự sản xuất theo chuyển giao công nghệ của Nga.

Trái ngược với Nga, có lẽ chưa quốc gia nào trên thế giới chia sẻ sâu công nghệ quân sự với Ấn Độ. New Delhi từng tính hợp tác với châu Âu, Mỹ, nhưng đều thất bại.

Nguyên nhân có thể do sự bạo chi cho quốc phòng của Ấn Độ, họ sẵn sàng mua vũ khí phương Tây với giá cực cao. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ để Ấn Độ "moi" được công nghệ.

Bởi lẽ, các nhà thầu vũ khí phương Tây rất thực dụng, họ sẽ tìm đủ chiêu trò để vừa không đánh mất "gà đẻ trứng vàng" như Ấn Độ khi mua các sản phẩm nguyên chiếc trong khi ngăn New Delhi tự chủ được về công nghiệp quốc phòng.

Hiện rất khó có thể nói Ấn Độ có sớm quay lại hợp tác với Nga phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hay không?

Nhưng rõ ràng, không bám vào Nga, chắc chắn trong tương lai gần, không một quốc gia nào sẵn sàng chia sẻ công nghệ tối tân này cho Ấn Độ. Do vậy, Ấn Độ đừng có đùa với "Gấu Nga", già néo thì chỉ tổ đứt dây mà thôi và họ sẽ là bên chịu thiệt hại lớn hơn.

Xét về nhiều mặt, rõ ràng cả hai bên đều cần nhau khi Ấn Độ sẵn sàng móc hầu bao, còn Nga thì có sẵn nền tảng công nghệ và cơ sở nghiên cứu, tuy nhiên Nga mới là bên giữ thế chủ động chứ không phải Ấn Độ.

Có thể không phải là FGFA, Nga - Ấn sẽ khởi động một chương trình hoàn toàn mới.

Nếu thành công, máy bay chiến đấu mới của Ấn Độ có thể coi là phiên bản xuất khẩu của Su-57 vừa để đáp ứng "cơn khát" máy bay chiến đấu hiện đại của Không quân Ấn Độ và có tiềm năng rất lớn xuất khẩu sang nước thứ 3.

Có lẽ sau khi cân nhắc lợi hại, Nga-Ấn sẽ nhượng bộ để quay lại hợp tác với nhau. Vấn đề còn lại sẽ chỉ là thời gian…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại