Tiêm kích Sukhoi Không quân Việt Nam vừa gặp nạn hiện đại như thế nào?

Ban Quân sự |

Trưa nay một chiếc máy bay tiêm kích Sukhoi của Không quân Việt Nam đã gặp nạn trong khi huấn luyện.

Trưa 26/7, một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An xác nhận với PV về việc có sự việc một máy bay quân sự rơi trên núi tại xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn, Nghệ An).

Thông tin ban đầu có được, khoảng 12h ngày 26/7, chiếc máy bay quân sự Su-22 đang bay qua khu vực làng Dừa (xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An) thì bất ngờ rơi xuống quả đồi gần khu vực dân cư.

Thượng tướng Trương Trọng Nghĩa cho hay, các lực lượng chức năng báo cáo về xác định 2 phi công đã hy sinh. Theo tướng Nghĩa, 2 phi công này đều là sỹ quan, 1 tên Nam và 1 tên Trí.

Như vậy, nhiều khả năng đây là một chiếc máy bay huấn luyện Su-22UM hoặc Su-22UM3 có 2 chỗ ngồi, còn các máy bay Su-22 khác (Su-22M, Su-22M4) chỉ có 1 chỗ ngồi.

Chiến đấu cơ tiêm kích – bom cánh cụp cánh xòe Su-22 do Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970.

Việt Nam bắt đầu nhận được số lượng nhỏ Su-22M/UM trong năm 1979. Từ 1989 tới nay, những chiếc Su-22M4 đảm nhiệm vai trò chính trong nhiệm vụ bay tuần tra, bảo vệ Trường Sa.

Mặc dù đã qua nhiều năm sử dụng nhưng hiện nay các máy bay Su-22 vẫn là một trong những dòng máy bay chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Việt Nam, bên cạnh các dòng tiêm kích hiện đại hơn như Su-27SK và Su-30MK2.

Theo số liệu của Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí quốc tế của Trung tâm nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) và Báo cáo Không quân Thế giới 2018 của Flight Global, trong biên chế Không quân Việt Nam hiện còn đang vận hành khoảng 36 chiếc máy bay Su-22 các loại.

Tiêm kích Sukhoi Không quân Việt Nam vừa gặp nạn hiện đại như thế nào? - Ảnh 1.

Trong số đó, có nhiều chiếc mới mua lại từ Không quân Ba Lan và một số nước Đông Âu khác. Như vậy, lực lượng Su-22 trong biên chế Không quân Việt Nam hiện nay còn tương đối hùng hậu.

Theo giới thiệu của Nhà sản chế tạo Sukhoi, máy bay tiêm kích bom Su-22 được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Lyuka AL-21F3 cho phép đạt tốc độ tối đa 1.860km/h ở trên độ cao lớn, bán kính chiến đấu hơn 500km, trần bay hơn 14km, vận tốc leo cao 230m/s.

Trên máy bay cường kích Su-22M4 – biến thể hiện đại nhất dòng Su-22 trang bị cho Không quân Nhân dân Việt Nam, có thể mang được 2 đạn tên lửa không đối đất Kh-29 có thể dùng để tấn công các mục tiêu trên biển. Theo quảng cáo của nhà sản xuất, Kh-29 có khả năng gây hư hỏng nặng tàu chiến có lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn.

Ngoài tên lửa Kh-29, Su-22 cũng có thể mang tên lửa chống radar Kh-28 có tầm bắn lên đến 110km sử dụng phương pháp dẫn bắt kết hợp giữa dẫn hướng quán tính và radar thụ động pha cuối để tiêu diệt các trạm radar bằng khối lượng đầu nổ nặng tới 140kg.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại