Diễn biến trận đánh
Chiều qua, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã bắn hạ 1 máy bay ném bom Su-22 của Không quân Syria khi chiến đấu cơ này được cho là xâm phạm vùng trời cao nguyên Golan bị chiếm đóng.
Trước đó, lực lượng radar cảnh giới của phòng không Israel đã theo dõi rất sát đường bay của chiếc Su-22 (phiên bản Su-22M4) của Không quân Syria này, ngay khi có dấu hiệu bất thường, IDF đã phát đi lệnh báo động khẩn cấp, tiếng còi phòng không rú lên từng chặp ở khắp cao nguyên Golan và một số thị trấn, thành phố lân cận.
Ngay khi chiếc Su-22M4 trên vượt qua đường biên giới với cao nguyên Golan bị chiếm đóng, lệnh tiêu diệt được hạ xuống, ngay lập tức 2 quả đạn từ một tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Israel bố trí ngay gần đó đã rời bệ.
Mục tiêu bị trúng đạn trong nháy mắt, chiếc Su-22M4 xấu số đã biến thành một quả cầu lửa và đâm thẳng xuống khu vực lòng chảo Yarmouk bên trong lãnh thổ Syria.
Khu vực được cho là nơi chiếc Su-22M4 của Syria đâm xuống đất sau khi bị Patriot bắn trúng.
Đại tá phi công Umran Mare người điều khiển máy bay ném bom Sukhoi của Không quân Syria đã thiệt mạng khi chiếc Su-22M4 của ông rơi xuống khu vực do lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) kiểm soát. Theo tờ Times of Israel, khủng bố ISIS tuyên bố đang giữ xác của phi công Syria.
Chân dung được cho là của Đại tá phi công Umran Mare.
Mất một chiếc Su-22M4 không là gì đối với Không quân Syria nhưng thiệt hại lớn nhất của họ chính là một phi công giàu kinh nghiệm có cả nghìn giờ bay tích lũy.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao Đại tá Umran Mare dày dạn trận mạc lại điều khiển chiếc máy bay ném bom của mình bay lạc vào vùng trời cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng?
Phía IDF tuyên bố rằng họ đã cảnh báo phi công Syria bằng mọi cách, bằng mọi thứ tiếng nhưng Su-22 vẫn xâm phạm vùng trời và buộc họ phải bắn hạ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố "Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ sự xâm phạm trên toàn lãnh thổ, bất kể trên mặt đất hay trên không".
Israel rửa hận cho hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot "thần thánh"
Ở Trung Đông, các hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất liên tục phải canh trực và tham gia chiến đấu diệt các mục tiêu trên không, hết ở Saudi Arbia lại tới Israel.
Tuy nhiên, chỉ có Israel mới không khiến các nhà chế tạo Patriot của Mỹ "xấu mặt" bởi họ liên tiếp sử dụng hiệu quả hệ thống tên lửa phòng không này. Nếu tính cả vụ bắn rơi máy bay ném bom Su-22M4 của Không quân Syria chiều qua, thì đây đã là lần thứ 3 liên tiếp tên lửa Patriot Israel lập công chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần.
Xác chiếc UAV từ Syria bị tên lửa Patriot Israel bắn hạ hôm 13/07/2018.
Trước đó, vào các ngày 11 và 13 tháng 7 năm 2018, tên lửa Patriot của Israel đã khai hỏa, bắn hạ 2 máy bay không người lái (UAV) xâm phạm không phận Israel từ phía Syria. Trong đó, ngày 11/07 bắn hạ 1 UAV ở khu vực hồ Kinneret và ngày 13/07 bắn hạ tiếp 1 UAV khác ở thành phố Safed phía Bắc Israel.
Trong khi đó, Saudi Arbia cũng được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Patriot nhưng hiệu suất chiến đấu kém hơn, mặc dù có bắn hạ một số tên lửa của phiến quân Houthi phóng đi từ lãnh thổ Yemen nhưng nhiều lần cũng để lọt lưới.
Thậm chí có đạn Patriot "phản chủ" phóng lên nhưng thay vì tìm diệt mục tiêu ở trên trời thì lại bị mất điều khiển tự lao đầu xuống đất, gây ra vụ nổ kinh hoàng ngay ở khu đông dân cư.
Đây là tình huống hy hữu, khiến phòng không Saudi Arabia và hệ thống Patriot "thần thánh" phải xâu hổ.
Khách quan nhận định thì mặc dù Patriot Israel đánh tốt nhưng mục tiêu của họ chỉ là máy bay không người lái hoặc chiến đấu cơ Su-22 cổ lỗ sĩ, bay chậm và không quá khó để tiêu diệt, trong khi Patriot của Saudi Arabia phải đối mặt với đối thủ "cứng cựa" - tên lửa đạn đạo bay ở tốc độ siêu âm nên cũng khó có thể đưa ra nhận định quốc gia nào bắn giỏi hơn.
Nhưng nói gì thì nói, rõ ràng các kíp chiến đấu của Israel dường như giàu kinh nghiệm trận mạc và bản lĩnh hơn nhiều so với của Saudi Arabia.
Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ chế tạo và sản xuất với cấu hình cơ bản gồm có:
- Trạm chỉ huy AN/MSQ-104;
- Radar đa chức năng AN/MPQ-53;
- Bệ phóng M901 cùng tên lửa phòng không MIM104 (tầm bắn xa nhất có thể đạt từ 96-160km, tùy loại đạn);
- Trạm nguồn điện AN/MSQ-26 cùng các khí tài tác chiến điện tử và thiết bị kết nối thông tin.
Xe chỉ huy AN/MSQ-104 được bố trí trên khung xe M814, là nơi điều khiển, kiểm soát toàn bộ khả năng tác chiến của tổ hợp Patriot.
Patriot được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới với ít nhất 16 quốc gia đang sở hữu hệ thống này trong biên chế, chỉ đứng sau tên lửa S-300 của Nga.
PAC-3 là biến thể mới nhất sử dụng kiểu đạn đánh chặn độc đáo với phương thức Hit to Kill (chạm nổ), đây là phương thức có độ chính xác cực cao, và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng thay vì bằng sóng xung kích và mảnh văng. Đạn MIM-140F của tổ hợp có khả năng diệt tên lửa đạn đạo ở cự ly tới 35km.
Tên lửa Patriot của Israel tấn công máy bay Syria ngày 24/7