Trong khi đó, tần suất căn cứ Khmeimim và Tartus bị tấn công thời gian gần đây liên tục diễn ra.
Mới đây nhất, Không quân Israel đã tiến hành vụ tấn công đột kích nhằm vào trung tâm nghiên cứu quân sự của Syria tại thị trấn Masyaf, tỉnh Hama, khu vực được cho là cách nơi triển khai tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga chỉ khoảng 7km. Xâu chuỗi các sự kiện trên một vấn đề đặt ra:
- Liệu việc Nga rút bớt lực lượng quân sự của Syria có tạo cơ hội cho phe đối lập hay các lực lượng nước ngoài tấn công đột kích căn cứ Tartus và Khmeimim?
- Xung quanh việc rút quân của Nga khỏi Syria liệu có ẩn chứa tính toán dài hạn của Moscow với Syria?
Đã đến lúc Syria giải quyết xung đột bằng nội lực
Một vấn đề có thể thấy rõ ràng nhất xung quanh việc Nga rút bớt quân khỏi Syria đó là việc tạo điều kiện cho Damascus tự giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến bằng nội lực. Xét về danh chính ngôn thuận, chính phủ Syria do người dân Syria bầu ra, phải có trách nhiệm với vận mệnh của dân tộc mình.
Việc Nga tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở Syria từ năm 2015 tới 2017 chỉ là giải quyết nút thắt, hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở giai đoạn hiểm nguy nhất. Tới thời điểm hiện tại, khi lực lượng chính phủ Syria đã đủ mạnh, việc Nga rút quân là điều hoàn toàn hợp lý.
Việc Nga rút quân còn đóng vai trò rất lớn thúc đẩy quá trình hòa giải dân tộc của Syria bằng con đường đàm phán hòa bình. Dù có mặt ở Syria danh chính ngôn thuận theo lời mời của Damascus, nhưng lực lượng quân sự Nga vẫn là quân đội nước ngoài.
Lực lượng bảo vệ căn cứ Khmeimim của Không quân Nga ở Syria.
Nhiều phe phái ở Syria chắc chắn không muốn mình ở thế yếu khi đàm phán với chính phủ Syria được phía Nga hỗ trợ. Chính vì thế, Nga rút bớt lực lượng quân sự đã mở ra cơ hội đàm phán giữa các phe phái ở Syria để giải quyết dứt điểm hậu chiến.
Một yếu tố khác cần tính tới là lực lượng quân sự Syria đã đủ mạnh để giải quyết các nhóm phiến quân chống đối. Những chiến thắng ở Aleppo, Đông Ghouta, Palmyra và gần đây nhất là tại Daraa đã chứng minh điều đó.
Vậy khi Damascus đã đủ mạnh, Nga có cần thiết phải duy trì một lực lượng quân sự lớn tại Syria để mang thêm mối lo về thiệt hại nhân mạng và chi phí quân sự.
Vấn đề quan trong khác là liệu khi Nga rút bớt quân, lực lượng quân sự phải dàn mỏng thì liệu các căn cứ quân sự Tartus và Khmeimim liệu có dễ tổn thương do các đòn đột kích của phiến quân?
Nguy cơ này là hiện hữu, nhưng chưa đủ khả năng để xuyên thủng các tuyến phòng thủ nhiều lớp của Quân đội Syria và Nga dàn sẵn xung quanh các căn cứ.
Một điều thấy rõ rằng, phiến quân Syria nhiều lần đột kích căn cứ Nga bằng thiết bị bay không người lái mang vũ khí, nhưng đều bị bắn hạ trước khi kịp tiếp cận mục tiêu.
Không chỉ lực lượng quân sự Nga, mà cả các đơn vị Syria tham gia hàng phòng thủ này đều hiểu chính Nga đã tạo ra cục diện của Syria ngày nay, nên công tác bố phòng và bảo vệ được tiến hành rất chặt chẽ.
Quân cảnh Nga ở Syria.
Kết quả của sự phối hợp này không cần phải bàn cãi khi các căn cứ Nga nằm không xa Idlib, "thủ đô" của phiến quân, nhưng chưa bao giờ bị xuyên thủng.
Vậy liệu nguy cơ bị tấn công có đến từ Israel? Câu trả lời chắc chắn là không! Tel Aviv thừa hiểu hậu quả của việc tấn công căn cứ quân sự Nga. Trong bối cảnh nội chiến Syria đang dần đi tới hồi kết với chiến thắng thuộc về Damascus, Israel sẽ cần Nga để làm cầu nối giải quyết các mối nguy cơ đến từ Syria.
Các vụ tấn công của Israel từ trước tới nay chủ yếu nhằm vào lực lượng Iran và Hezbollah ở Syria. Vụ tấn công mới đây phần nhiều cũng nhằm mục đích tương tự.
Đối với Israel, Syria không phải là mối nguy cơ, mà chính là lực lượng quân sự Iran và Shitte thân Iran mới đáng quan ngại.
Những lý do trên đã giúp giải thích một phần việc Nga rút bớt lực lượng quân sự khỏi Syria mà không lo sợ các căn cứ quân sự triển khai ở quốc gia Cận Đông này bị tấn công. Bên cạnh đó, đây là nước cờ cao tay của Moscow…
Lùi một bước để tiến…nhiều bước
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố kết thúc chiến dịch chống khủng bố tại Syria hồi cuối năm 2017, thì sự hiện diện quân sự của Moscow trong thời chiến ở Syria đã chấm dứt. Tuy nhiên, Nga sẽ vẫn hiện diện ở Syria sau nội chiến, thậm chí là hùng hậu hơn.
Xét về mặt địa chính trị, Syria đóng vai trò chốt chặn quan trọng ngăn đà Đông tiến của NATO áp sát biên giới Nga ở Đông Địa Trung Hải; là cánh cửa quan trọng để Nga củng cố và tăng cường ảnh hưởng ở Cận Đông kết cả về quân sự và chính trị… Những lý do trên đã đủ khẳng định việc Nga sẽ không bao giờ rời bỏ Syria.
Lực lượng Nga ở căn cứ Khmeimim, Syria duyệt binh mừng Ngày chiến thắng 09/05/2018.
Vậy Nga sẽ trở lại Syria khi nào? Nga sẽ trở lại Syria khi cuộc nội chiến đã được giải quyết xong theo lời mời hoặc thỏa thuận với chính phủ dân bầu hậu chiến ở quốc gia Cận Đông này. Đây là chiến lược khá chắc chắn của Nga.
Với những gì đã tạo dựng được ở Syria, bất kỳ phe phái nào ở Syria đều phải tính tới sự hiện diện của Nga thời hậu chiến. Việc Nga rút quân phần nhiều mang tính hình thức để chuẩn bị cho sự trở lại sau này.
Về phía Nga, chiến lược về Syria đã được hoạch định rõ ràng với việc tái lập Hạm đội 5 hay Hạm đội Địa Trung Hải. Các căn cứ Khmeimim và Tartus là lựa chọn hoàn toàn hợp logic làm đại bản doanh cho đơn vị quân sự mới tái lập của Nga.
Từ Syria, hạm đội Nga sẽ đặt toàn bộ căn cứ quân sự NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Cận Đông trong vòng giám sát. Điều này thực sự lợi hại hơn cả một đạo quân lớn. Hạm đội của Nga hoàn toàn có thể đóng căn cứ ở Syria theo thỏa thuận liên chính phủ hoặc cho thuê trong vòng nhiều thập kỷ.
Vậy việc rút quân hiện nay của Nga chỉ là bước trong kế hoạch liên hoàn của Moscow. Với thế thắng hiện có, Nga rút bớt quân khỏi Syria không phải yếu thế, mà cả là "bàn cờ thế" đã được Moscow hoạch định sẵn!