Ảnh minh họa
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, đang có khoảng 41 triệu người tại quốc gia này phải đối mặt với chứng mất ngủ. Thống kê chứng mất ngủ toàn cầu năm 2022 & 2023 đăng tải trên Sleep Foundation cũng chỉ ra rằng cứ 5 người Mỹ trưởng thành thì có 1 người khó ngủ mỗi đêm và trên 50% số người trưởng thành bị mất ngủ trên 1 lần mỗi tháng.
Ảnh minh họa
Thống kê cũng cho thấy năm 2021 cụm từ “không ngủ được” là một trong những từ được tìm kiếm nhiều nhất trên internet, cụ thể là 54 lượt trên 100.000 người. Hay Na Uy có tỷ lệ tìm kiếm từ khóa thuốc hỗ trợ giấc ngủ “melatonin” cao nhất thế giới vào năm 2021, với tỷ lệ tìm kiếm 520 lần trên 100.000 người.
Chuyên gia dinh dưỡng Lu Yazhen (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, nơi bà sinh sống và làm việc cũng có tỷ lệ người trưởng thành bị rối loạn giấc ngủ cao. Cụ thể, Hiệp hội Thuốc ngủ Đài Loan chỉ ra rằng cứ 5 người ở Đài Loan thì có một người không thể ngủ ngon vào ban đêm và có xu hướng tăng nhanh.
Bác sĩ Lu cho biết, rối loạn giấc ngủ từ lâu đã trở thành vấn đề toàn cầu và càng nghiêm trọng hơn sau những năm dịch bệnh gần đây. Bởi nó kéo theo nhiều thay đổi về trạng thái tinh thần, thói quen ăn uống theo hướng tiêu cực hơn.
Vì vậy, bà khuyên chúng ta nên xây dựng lối sống lành mạnh, nhất là không nên ăn tối muộn hay ăn đêm để đẩy lùi các vấn đề về giấc ngủ. Nếu không thể làm được điều này, ít nhất cũng hãy tránh xa 6 loại thực phẩm gây mất ngủ mà còn hại dạ dày và não bộ sau đây:
1. Thực phẩm nhiều đường
Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, đồ ăn ngọt có thể làm tăng lượng đường trong máu, tăng insulin và kích thích thần kinh. Như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới giấc ngủ, gây khó ngủ hoặc mất ngủ nếu ăn chúng vào ban đêm.
Ảnh minh họa
Chưa kể, ăn đồ ngọt trong khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ còn có thể khiến dẫn đến hiện tượng mất ngủ do dư thừa năng lượng. Đồng thời, nó khiến cho hệ tiêu hóa của bạn phải hoạt động vô cùng vất vả, dạ dày sẽ khó chịu. Lặp lại lâu ngày không chỉ khiến dạ dày suy yếu, mắc bệnh mà cũng dễ hình thành mất ngủ mãn tính.
2. Thực phẩm chứa caffeine
Theo bác sĩ Lu, không có gì đáng bất ngờ khi một tách cà phê vào buổi tối hoặc sát giờ đi ngủ sẽ cản trở giấc ngủ của bạn. Caffeine trong đó sẽ nhanh chóng đi vào mạch máu và làm tăng dẫn truyền thần kinh, kích thích tim, lưu thông mạch máu, đồng thời tác động đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể.
Caffein ngăn sự tích tụ của các hợp chất adenosine - loại chất gây ra các cơn buồn ngủ và khiến cơ thể mệt mỏi. Như vậy, dùng các thực phẩm chứa caffeine gần với giờ đi ngủ không chỉ gây rối loạn giấc ngủ mà còn kích thích não bộ quá mức vào thời điểm chúng cần nghỉ ngơi, lâu ngày dễ sinh bệnh tật, suy giảm chức năng.
Bác sĩ Lu cũng nhắc nhở rằng ngoài cà phê, còn có nhiều thực phẩm khác chứa caffeine mà bạn cần tránh như: chocolate, nước có ga, trà… Tốt nhất là nên xem bảng thành phần của các loại thực phẩm cho thật kỹ để đảm bảo không tiêu thụ caffeine từ 4 - 6 giờ trước khi đi ngủ.
3. Đồ ăn cay
Không thể bỏ qua đồ ăn cay trong danh sách thực phẩm gây mất ngủ, khó ngủ lại hại dạ dày mà bạn không nên ăn trước khi đi ngủ. Bác sĩ Lu chia sẻ, nhiều người trẻ có thói quen ăn khuya và thích chọn các món cay. Tuy nhiên, đồ ăn cay sẽ gây cảm giác nóng rát ở thực quản và dạ dày, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.
Bên cạnh đó, các món cay, đặc biệt là các món nhiều ớt còn chứa các thành phần khiến hệ thần kinh bị tác động, gây hưng phấn. Từ đó dẫn đến mất ngủ, khó ngủ và đầu óc mệt mỏi, khó tập trung vào ngày hôm sau. Nếu thích đồ ăn cay, hãy ăn chúng ít nhất 3 tiếng trước khi đi ngủ và nhớ nghỉ ngơi nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh trong 30 phút trước khi ngủ nhé!
4. Yến mạch hoặc chocolate đen
Hai món ăn này không hề xa lạ với thực đơn ăn đêm của những người phải thức khuya, thích ăn khuya nhưng lại sợ tăng cân. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chúng gây hại cho giấc ngủ như thế nào.
Theo bác sĩ Lu, đúng là yến mạch có chứa melatonin giúp cơ thể nghỉ ngơi, nhưng hàm lượng chất xơ hòa tan cao của nó có thể có ảnh hưởng xấu cho việc ngủ. Khi ăn yến mạch trước khi đi ngủ, dạ dày không có đủ thời gian để tiêu hóa có thể gây khó tiêu, gây ra chứng ợ nóng và ợ hơi làm khó ngủ.
Ngoài caffeine, chocolate đen còn chứa theobromine, phenylethylamine và anadamide gây tỉnh táo, kích thích hệ thần kinh. Từ đó làm khó ngủ và ngủ không sâu giấc.
5. Mì ăn liền
Mì ăn liền vốn đã trở thành món ăn không thể thiếu của chúng ta vì tính chất nhanh, gọn, lẹ và hương vị đa dạng, hấp dẫn. Một số người trẻ còn dùng mì ăn liền như bữa ăn chính và là món không thể thiếu khi ăn khuya, đói bụng lúc nửa đêm.
Tuy nhiên, mì ăn liền cũng như tất cả các loại mì nói chung không nên dùng vào buổi tối, nhất là khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ. Mì chứa nhiều carbohydrate, sau khi ăn sẽ chuyển thành chất béo gây đầy bụng, béo phì. Ngoài ra, hầu hết các loại mì ống khiến cơ thể có chỉ số đường huyết cao, giấc ngủ không ngon, dễ thức giấc giữa chừng.
6. Đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn, điển hình là rượu bia chính là nguyên nhân gây nên tình trạng mất ngủ mà nhiều người đang gặp phải hiện nay.
Bác sĩ Lu giải thích rằng, đồ uống có cồn cũng giống như thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, ban đầu hơi say sẽ khiến người ta buồn ngủ, nhưng khi nồng độ cồn trong cơ thể giảm xuống sẽ làm giảm cả thời gian và chất lượng giấc ngủ.
Khi men gan chuyển hóa chất cồn trong đêm và nồng độ cồn trong máu giảm dẫn đến khả năng bị gián đoạn giấc ngủ và giảm chất lượng giấc ngủ. Chưa kể, việc dùng loại đồ uống này vào ban đêm còn dễ gây bệnh cho dạ dày, gan và kích thích não bộ quá mức nếu uống thường xuyên.