Theo y học cổ truyền rau muống có vị ngọt nhạt, tính mát có tác dụng giải nhiệt, thông đại tiểu tiện, chữa táo bón, đái rắt… là loại rau được nhiều người ưa thích vì dễ ăn, chế biến thành nhiều món.
Rau muống là loại cây mọc bò, ở mặt nước hoặc trên cạn. Thân rỗng, dày, có rễ mắt, không lông. Lá hình ba cạnh, đầu nhọn, đôi khi hẹp và dài hay hình mũi tên, hoa trắng hoặc tím. Rau muống là cây ngắn ngày được bà con trồng làm rau ăn.
Theo nghiên cứu, trong 100g rau muống có 78,2g nước; 2,7g Protein; 85mg canxi; 31,5mg photpho; 1,2mg sắt và 20mg vitamin C. Ngoài ra còn có caroten, vitamin B1, vitamin PP, vitamin B2. Đặc biệt trong giống rau muống đỏ chứa một chất giống như insulin nên đối với người mắc bệnh đái tháo đường ăn thường xuyên rau muống đỏ là rất tốt...
Một số bài thuốc thường dùng
- Chữa nóng ruột, ợ chua: Rau muống 20g, rau má 20g, rau sam 16g, cỏ mực 20g, vỏ quýt khô 12g. Tất cả rửa sạch, cắt khúc sao qua cho vào ấm đổ 750ml nước sắc còn 250ml chia 2 lần uống lúc đói. Dùng liền 1 tuần.
- Trị bí tiểu do nhiệt: Rau muống một nắm, râu ngô 12g, rễ chanh 12g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm đổ 550ml nước sắc còn 200ml chia 2 lần. Dùng liền 10 ngày. Hoặc có thể rau muống tươi rửa sạch, giã nát lấy nước thêm chút mật ong cho dễ uống, mỗi lần 30 - 50ml.
- Hỗ trợ trị kiết lỵ do thấp nhiệt: Rau muống 400g bỏ lá, rửa sạch thêm một ít vỏ quýt khô để lâu (trần bì) cho 3 bát nước vào ấm, đun nhỏ lửa, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 3 ngày.
- Tốt cho người đái tháo đường (giảm tiêu khát): Rau muống 60g, râu ngô 30g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm đổ 700ml nước sắc còn 300ml chia 3 lần. Dùng liền 10 ngày. Hoặc có thể lấy rau muống đỏ luộc ăn hàng ngày.
- Trị rôm sảy, mẩn ngứa do nóng: Rau muống rửa sạch nấu nước tắm, rửa rất hiệu nghiệm. Hoặc rau muống 30g, râu ngô 15g, mã thầy 10 củ. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 250ml nước uống hằng ngày.
- Trị say sắn (thể nhẹ): Lấy một nắm rau muống rửa sạch giã nát vắt lấy nước để uống.
Theo kinh nghiệm, rau muống có tác dụng thanh nhiệt giải độc và nhuận tràng nên mùa hè luộc ăn thường xuyên rất tốt nhất là đối với người thiếu sắt, bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, người táo bón,...
Lưu ý: Những trường hợp suy nhược cơ thể nặng, hư hàn, vết thương trên da nên kiêng dùng... Ngoài ra, do rau muống trồng ở ruộng nước dễ nhiễm ký sinh trùng nên không ăn sống. Chưa kể rau bị nhiễm thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, thu hoạch rau không đúng hạn đem bán ra thị trường.