5 dấu hiệu khi "đi ngoài" cảnh báo sức khoẻ bạn đang có vấn đề nghiêm trọng

Hoài Thảo |

Phân lẫn máu đỏ tươi có thể là dấu hiệu của polyp, viêm hay thậm chí là ung thư đại tràng. Phân xanh có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng... Đây là những dấu hiệu nên quan tâm sớm.

Vậy phân như thế nào thì được gọi là bình thường?

Thực sự không có một quy chuẩn nào cho vấn đề này mà khái niệm "Bình thường" là khác nhau ở từng cá thể. Tần suất "đi ngoài", kết cấu, mùi của phân mà mỗi người có (một cách đều đặn nhất) chính là trạng thái bình thường của người đó.

Quan điểm "đi ngoài" hằng ngày là một trong những biểu hiện của sức khỏe tốt mà ta vẫn thường nghe là không chính xác. Có thể với người này đi vệ sinh 3 lần trong một ngày là bình thường, tuy nhiên với người khác nhu cầu chỉ là 3 đến 4 lần trong một tuần (trong trường hợp bản thân không mắc các vấn đề về đường tiêu hóa).

Chế độ ăn đóng một vai trò lớn không chỉ đối với tần suất đi đại tiện mà còn đối với hình dáng, kích cỡ, kết cấu và mùi của phân. Bên cạnh những gì bạn ăn, việc tập thể dục, tình trạng giấc ngủ, uống nước, hormone, thời kỳ mãn kinh và thuốc bạn đang dùng đều có thể ảnh hưởng đến trạng thái của phân.

Để thuận tiện trong việc đánh giá, các chuyên gia y tế sử dụng Bảng phân loại Bristol và chia phân ra làm 7 nhóm.

Trong đó:

- Loại 1: Phân cứng, dạng cục và rời rạc, giống các hạt đậu (khó đi ngoài)

- Loại 2: Phân giống xúc xích nhưng có dạng cục dính

- Loại 3: Phân giống xúc xích nhưng có nhiều vết nứt trên bề mặt

- Loại 4: Phân giống xúc xích hoặc dạng con rắn, trơn và mềm

- Loại 5: Phân có dạng viên tròn mềm với các góc cạnh rõ (dễ đại tiện)

- Loại 6: Các mẫu phân nhuyễn mịn, đường rìa rách nhiều chỗ, phân mềm xốp

- Loại 7: Dạng lỏng hoàn toàn

Trong đó, loại 1 và 2 chỉ ra tình trạng táo bón, loại 3 và 4 là phân lý tưởng, dễ đại tiện và loại 5, 6,7 có xu hướng phân lỏng hay ỉa chảy.

5 dấu hiệu khi đi ngoài cảnh báo sức khoẻ bạn đang có vấn đề nghiêm trọng - Ảnh 1.

Hình dáng của phân có thể chẩn đoán tình trạng bệnh (Ảnh minh họa)

Tình trạng táo bón xảy ra do ruột già tái hấp thu nước từ phân khi chúng di chuyển trong lòng ruột. Sự giảm tính vận động - do cơ vòng hậu môn có vấn đề hoặc do chế độ ăn nghèo chất xơ - khiến phân ở lại trong lòng ruột già lâu hơn, bị mất nước nhiều hơn làm phân cứng lại và gây ra táo bón.

Chế độ ăn giàu chất xơ có tác dụng chống táo bón bởi, với cơ chế hoạt động như xốp, chất xơ giúp giữ nước khiến phân không bị rời rạc mà kết lại, mềm hơn và do đó dễ ra ngoài hơn.

Bên cạnh đó, việc cơ thể bị thiếu nước, không dung nạp thực phẩm, sự phát triển quá mức của hệ vi khuẩn và nấm men đường ruột hay tiêu thụ quá mức thịt đỏ và rượu cũng là nguyên nhân gây nên táo bón.

Trái lại có những người lại bị tiêu chảy thường xuyên đến mức họ không nhận ra. Nếu tối thiểu 75% số lần đại tiện ra phân lỏng mềm, bạn đã bị tiêu chảy mạn.

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này như sự phát triển quá mức của hệ vi khuẩn và nấm men ruột già, không dung nạp thực phẩm, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng kém.

5 dấu hiệu khi đi ngoài cảnh báo sức khoẻ bạn đang có vấn đề nghiêm trọng - Ảnh 2.

Màu sắc của phân cũng là chỉ điểm của các vấn đề về sức khỏe

Màu sắc của phân (nếu không phải là nâu) thường được đặc trưng bởi những gì bạn vừa ăn gần đó. Tuy nhiên, phân có màu sắc bất thường còn có thể báo hiệu nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, hãy cùng tham khảo các thông tin mà màu phân tiết lộ sau đây:

Phân đen

Nếu bạn không sử dụng Pepto Bismol (loại thuốc hầu như lúc nào cũng biến phân thành màu đen), phân đen có thể báo hiệu bạn đang bị xuất huyết phần trên của ống tiêu hóa, làm phân biến màu khi di chuyển trong lòng ruột. Ngoài Bismuth, phân đen còn là biểu hiện của loét dạ dày hoặc sự hiện diện của sắt với nồng độ cao.

Phân trắng

Một số loại thuốc như Kaopectate đôi khi khiến phân bạc màu hoặc có màu đất sét. Phân trắng còn có thể do gan không tạo ra đủ mật hoặc do ống mật bị tắc nghẽn do sỏi hay u, lúc này mật sẽ không vào được ruột non và kết quả là phân sẽ chuyển sang màu trắng. Hiện tượng này là khá phổ biến ở bệnh nhân viêm gan và xơ gan.

Phân đỏ

Nếu thấy phân có màu đỏ, đừng vội hoảng sợ mà trước tiên nhớ lại những gì bạn vừa ăn gần đây. Bạn có biết, màu đỏ thẫm của củ cải đường (bắt nguồn từ hợp chất betacyanin) có thể nhuộm màu nước tiểu và phân đến 2 ngày sau khi ăn. Thủ phạm gây ra tình trạng này còn có thể là cà chua, quả nam việt quất hay phẩm nhuộm thực phẩm.

Nếu đã loại trừ được nguyên nhân từ thực phẩm thì rất có thể ruột đã bị xuất huyết dẫn đến việc phân có lẫn máu. Trong trường hợp này, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, phân lẫn máu đỏ tươi còn có thể là dấu hiệu của polyp, viêm hay thậm chí là ung thư đại tràng.

Phân vàng

Nếu bạn để ý thấy phân có màu vàng và nổi lềnh phềnh, rất có thể việc tiêu hóa chất béo của bạn có vấn đề. Đây cũng có thể là hậu quả của việc cắt túi mật, uống thuốc giảm cân hay di chứng của một loạt phẫu thuật. Phân vàng, trơn nhờn lẫn mỡ còn có thể là chỉ điểm của viêm tụy mạn hoặc bệnh Celiac (không dung nạp gluten).

Phân xanh

Nếu phân có màu xanh lá nhạt, hãy xem bạn có ăn bất cứ loại rau gì trong vòng 24 giờ không bởi đó có thể là nguyên nhân. Phân xanh còn có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Do đó, nếu đã loại trừ được nguyên nhân do thực phẩm, hãy đến ngay cơ sở y tế để có thể phát hiện đúng bệnh một cách kịp thời.

Ngoài màu sắc, nếu thấy phân có mùi khó chịu bất thường thì rất có thể bạn đã bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, viêm ruột, chứng kém hấp thu, viêm tụy mạn, bệnh xơ nang hoặc không dung nạp lactose cũng có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.

*Theo Self

Xem thêm:

Cơ chế hoạt động của đường ruột

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại