Theo Công an TP. Hà Nội, có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.
Công an TP. Hà Nội nhận thấy hành vi của các đối tượng phạm tội không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để các đối tượng hoạt động phạm tội công khai, lộng hành, trốn tránh sự xử lý của pháp luật.
Liên quan đến quy chế làm bệnh án, Ths Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định:
Quy định về làm hồ sơ bệnh án cho người bệnh hết sức chặt chẽ. Theo quyết định 1895/1997/QĐ-BYT về việc ban hành quy chế bệnh viện có mục "Quy chế chẩn đoán bệnh, làm hồ sơ bệnh án và kê đơn điều trị".
Theo đó, bác sĩ điều trị có nhiệm vụ làm bệnh án cho người bệnh được điều trị nội trú và ngoại trú. Người bệnh cấp cứu phải được làm bệnh án ngay, hoàn chỉnh trước 24 giờ và có đủ các xét nghiệm cần thiết.
Người bệnh không thuộc diện cấp cứu phải hoàn chỉnh bệnh án trước 36 giờ. Phải ghi đầy đủ các mục quy định trong bệnh án, chữ viết rõ ràng, không tẩy xóa: họ và tên người bệnh viết chữ in hoa, có đánh dấu... Người bệnh ra viện bác sĩ điều trị phải hoàn chỉnh và tổng kết hồ sơ bệnh án theo quy định.
Cũng theo Ths. BS Nguyễn Trọng Khoa, bên cạnh đó, quy chế lưu trữ hồ sơ bệnh án cũng được chú trọng.
Việc khai thác sử dụng hồ sơ bệnh án phải theo đúng quy định. Người bệnh ra viện trong 24 giờ, khoa phải hoàn chỉnh các thủ tục hành chính của hồ sơ bệnh án theo quy chế, chuyển đến phòng kế hoạch tổng hợp.
Phòng kế hoạch tổng hợp kiểm tra việc thực hiện quy chế hồ sơ bệnh án của khoa trình giám đốc ký duyệt và chuyển lưu trữ. Hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú lưu trữ ít nhất 10 năm...
Vụ việc "chạy" hồ sơ bệnh án tâm thần đang được cơ quan chức năng làm rõ. Những tập thể, cá nhân liên quan (nếu có) sẽ được xử lý.
Một bác sĩ công tác tại Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cũng khẳng định: Việc làm hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân tâm thần rất chặt chẽ. Cần thiết còn có cả hội đồng chuyên môn tham gia vào hội chẩn, khám lâm sàng để tăng chất lượng của chẩn đoán khi đưa ra cơ sở bệnh nhân có bị tâm thần hay không.
Thậm chí, những bệnh nhân có hồ sơ bệnh án tâm thần còn phải có quá trình điều trị kéo dài chứ không phải ra viện được ngay.
Đặc biệt, với trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự sẽ phải thực hiện giám định điều trị chặt chẽ qua các bước như tiếp nhận hồ sơ, giám định viên tham gia giám định theo dõi sát, ghi chép tỷ mỉ, đầy đủ mọi diễn biến của đối tượng giám định vào bệnh án theo dõi giám định...