4 người tử vong do ăn tiết canh, 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn

Linh Chi |

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm, cả nước đã ghi nhận 69 ca mắc liên cầu lợn trong đó 4 ca tử vong do ăn tiết canh lợn và ăn thịt lợn sống.

Những nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 22:

• 4 người tử vong do tiết canh và ăn thịt lợn tái

5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn

• Bạch tuộc đốm xanh nghi gây chết người ở Thừa Thiên Huế

• Tử vong, nhập viện vì uống rượu pha rượu từ cồn y tế, rượu ngâm "củ" lạ

• Con số biết nói về ATTP 6 tháng đầu năm 2017

• Tiếp tục phanh phui các vụ vi phạm ATTP tuần qua

Dân nhậu còn dám ăn tiết canh, thịt lợn tái nếu biết có thể mắc phải căn bệnh kinh khủng này?

Tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh mùa hè 2017 diễn ra sáng 13/7, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm, cả nước đã ghi nhận 69 ca mắc liên cầu lợn trong đó 4 ca tử vong do ăn tiết canh lợn và ăn thịt lợn sống.

Trong 69 trường hợp mắc liên cầu lợn, số ca mắc tập trung nhiều nhất ở Hà Nội (8 ca) và Bến Tre (8 ca). Tiếp đó là số ca mắc cũng ghi nhận rải rác ở TP HCM, Huế, Lào Cao...

4 người tử vong do ăn tiết canh, 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn - Ảnh 2.

Bệnh nhân ăn tiết canh bị nhiễm liên cầu lợn điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Dân Việt)

"Số tử vong cũng không tăng hơn nhiều nhưng rõ ràng phải cảnh báo về việc ngày càng có nhiều bệnh "con heo" đang đe dọa con người", ông Phu cho hay.

Ông Phu cũng cho biết, thời điểm này, dịch bệnh liên cầu khuẩn heo dễ phát tán bởi người dân ăn tiệc tùng dễ ăn phải heo "bẩn" mang mầm bệnh. Bệnh liên cầu khuẩn heo có thể gây biến chứng nguy hiểm trong vòng 12-24 giờ.

5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn

Bên cạnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn đe dọa tính mạng dân nhậu, thời điểm này, khi thời tiết chuyển sang mùa hè, trời oi nóng, người mệt mỏi, sức đề kháng giảm trong khi thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất là điều kiện rất lý tưởng cho vi sinh vật phát triển, dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm có thể do nguyên nhân sinh học, hóa học và lý học, trong đó nguyên nhân sinh học mà cụ thể vi khuẩn gây bệnh là chủ yếu.

Việc bảo quản đúng để ngừa nhiễm chéo cần được thực hiện không chỉ bếp ăn tập thể mà ngay trong tủ lạnh của gia đình. Cục ATTP khuyến cáo 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn:

- Giữ vệ sinh để ngăn ngừa thực phẩm bị ô nhiễm

- Bảo quản riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn chín để tránh ô nhiễm chéo

- Nấu kỹ thức ăn để diệt hết các vi sinh vật

- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn

- Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn để tránh thức ăn bị ô nhiễm

Tìm ra thủ phạm trong bạch tuộc đốm xanh nghi gây chết người ở Thừa Thiên Huế

Liên quan tới vụ bạch tuộc đốm xanh cắn chết người phụ nữ ở Huế lúc đi đánh bắt hải sản ngày 7/7 vừa qua, các chuyên gia cho biết, chất độc trong bạch tuộc có là maculotoxin và tetrodotoxin có thể tồn tại ở nhiệt độ cao khi đã đun nấu hoặc sau khi chết.

Tetrodotoxin có chủ yếu trong tuyến nước bọt của bạch tuộc, ngoài ra còn có trên các phần mềm khác của thân bạch tuộc. Tetrodotoxin là một độc tố thần kinh có độc tính rất cao. Độc tố của một con bạch tuộc 25g có thể giết chết 10 người nặng 75kg.

4 người tử vong do ăn tiết canh, 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn - Ảnh 4.

Ăn bạch tuộc đốm xanh rất dễ bị ngộ độc nặng và có thể dẫn tới tử vong.

Bệnh nhân bị ngộ độc có thể qua đường ăn uống và đường da (do bạch tuộc cắn). Thời kỳ nung bệnh qua đường ăn uống có thể từ 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn. Qua đường da, sau 1-5 phút có thể xuất hiện triệu chứng nhiễm độc và có thể tử vong trong vòng 10-20 phút.

Thường thì bạch tuộc đốm xanh lẩn trốn, né tránh hơn là tấn công, tuy nhiên trong trường hợp bắt buộc phải tự vệ, nó phóng ra nọc độc có chứa maculotoxin và tetrodotoxin gây tê liệt đối phương. Thường người bị trúng độc là do vô ý giẫm phải con vật và bị nó tấn công lại.

Vết cắn rất nhỏ, khó có thể nhận biết, nhưng nọc độc thường ngấm rất nhanh vào máu gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh cơ, rối loạn hoạt động của tế bào, dẫn tới tử vong.

Ăn bạch tuộc đốm xanh rất dễ bị ngộ độc nặng và có thể dẫn tới tử vong. Khi bị ngộ độc, nạn nhân có triệu chứng tương tự như ngộ độc cá nóc: lúc đầu là cảm giác khó chịu, mặt đỏ và xị ra, đồng tử co rồi giãn ra, có thể buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tay chân mỏi rũ, có khi rét run, đầu ngón tay ngón chân tê dại.

Trường hợp nhiễm độc nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, sau cùng là liệt cơ hô hấp, ngừng thở, trụy tim mạch và chết.

Tử vong, nhập viện vì uống rượu pha rượu từ cồn y tế, rượu ngâm "củ" lạ

Trưa ngày 9/7, Trung tâm Y tế TP.Pleiku xác nhận, đã có 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chóng mặt, nôn mửa và đi ngoài liên tục.

Theo lời bác sĩ Trung tâm y tế TP.Pleiku cho biết, 3 bệnh nhân được chuyển đến trung tâm đều có chung biểu hiện là nôn mửa, chóng mặt và đi ngoài phân lỏng. Cũng theo bác sĩ cho biết thêm, với những biểu hiện trên và những người nhập viện là đàn ông nên bước đầu nghi ngờ là bị ngộc độc do rượu.

4 người tử vong do ăn tiết canh, 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn - Ảnh 5.

Mẫu chai cồn bệnh nhân Đ.N.H đã dùng để pha thành rượu uống.

Tại Hà Nội, Bệnh nhân Đ.N.H (45 tuổi, ở Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai ngày 20-6 do ngộ độc methanol. Theo người nhà, bệnh nhân nghiện rượu và đã mua cồn y tế về để pha thành rượu uống.

Bệnh nhân đến viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, tổn thương não, sốc, toan chuyển hóa nặng. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ methanol là 321,76mg/dL (cao gấp 16 lần mức cho phép).

Hàng nghìn người nhập viện, 16 người tử vong vì ngộ độc ATTP 6 tháng đầu năm 2017


Phanh phui các vụ vi phạm ATTP tuần qua

Tình trạng ngộ độc thực phẩm khó mà kiểm soát được, cũng như những con số biết nói trên về tình trạng an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2017 chắc chắn sẽ còn tăng thêm nữa nếu cơ quan chức năng tiếp tục vụ phanh phui thực phẩm bẩn như dưới đây:

Tiêu hủy hơn 4 tấn thịt lợn "bẩn". Ngày 7/7, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện cơ sở chế biến An Phát, xã Hữu Khánh hơn 4 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, trong kho lạnh của cơ sở chứa 7 tấn lòng non, trên 4,4 tấn thịt thủ lợn đã bốc mùi hôi thối. (đọc tin chính)

4 người tử vong do ăn tiết canh, 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn - Ảnh 6.

Tiêu hủy thịt lợn bốc mùi hôi thối. Ảnh: Dân Trí

Thu giữ hơn nửa tấn bì lợn, lòng lợn đang bốc mùi hôi, thối. Qua quá trình kiểm tra một cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc, chế biến lòng, bì, mỡ lợn, Công an huyện Duy Tiên (Hà Nam) đã phát hiện và thu giữ giữ 569 kg bì lợn, lòng lợn đang bốc mùi hôi, thối. (Đọc tin chính)

Phía sau món đồ nướng ăn vặt khoái khẩu giá "hạt rẻ" ở vỉa hè là "lưỡi hái tử thần". Chỉ với 30.000 đồng, bạn dễ dàng chọn cho mình những món ăn yêu thích, từ thịt lợn tới nầm, lòng...Tuy nhiên, khi rửa sạch món ăn đã được nướng này, người ta không khỏi giật mình khi phát hiện phía sau cái vỏ "ngon mắt" ấy là thịt mốc xanh, bốc mùi phân hủy. (Đọc tin chính)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại