Những biểu hiện của mệt mỏi quá mức
1. Về trí nhớ, tâm lý
Nhiều người thường nhanh chóng quên vị trí của một vật ngay khi vừa sử dụng, trí nhớ suy giảm nghiêm trọng. Những điều này có thể do quá mệt mỏi. Nếu não không được nghỉ ngơi trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, không cung cấp đủ oxy và máu dẫn đến suy giảm trí nhớ.
Ở giai đoạn đầu của mệt mỏi, các triệu chứng như chóng mặt, mất ngủ, đánh trống ngực và khó chịu phổ biến. Giai đoạn sau bắt đầu xuất hiện thêm các hiện tượng khác như lo âu, dễ cáu kỉnh, mơ màng, phản ứng chậm, thiếu tập trung hay thậm chí là trầm cảm. Tỷ lệ mắc trầm cảm ở nhóm người mệt mỏi trong thời gian dài là khá cao.
2. Về thể chất
Chân tay yếu, dễ cảm thấy mệt dù không phải vận động nhiều, dễ ốm, quá gầy hoặc trong một số trường hợp có thể là quá béo, đau nhức cơ khớp... có thể là những biểu hiện của việc mệt mỏi quá mức. Bởi tình trạng mệt mỏi trong thời gian dài có thể dẫn đến suy giảm trao đổi chất cũng như khả năng miễn dịch.
Ngoài ra, cũng do rối loạn chức năng miễn dịch, những người mệt mỏi trong thời gian dài thường có khả năng dễ mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, hội chứng Sjögren... Cùng với đó, các đặc điểm trên gương mặt cũng sẽ xuất hiện những biểu hiện của lão hoá sớm như da xỉn màu, nhiều nếp nhăn hoặc đốm đồi mồi.
3. Về hệ tiêu hoá
Các triệu chứng chán ăn, táo bón, khó tiêu, chướng bụng... cũng có thể là biểu hiện của việc mệt mỏi quá mức trong thời gian dài. Bởi nếu cơ thể mệt mỏi, chức năng của các cơ quan cũng sẽ suy giảm, trong đó có nhu động ruột chậm lại, ruột già tiếp tục hút nước khiến phân khô, gây táo bón.
Không chỉ vậy, tình trạng này kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như nứt hậu môn, trĩ...
Những thủ thuật đơn giản giúp giảm tình trạng mệt mỏi
1. Tập thể dục
Một nghiên cứu của Đại học George ở Mỹ cho thấy ngồi trong thời gian dài có thể khiến con người cảm thấy mệt mỏi, nhưng tập thể dục 3 ngày một tuần, mỗi lần chỉ trong 20 phút có thể giúp thoát khỏi mệt mỏi, tăng hormone hạnh phúc cũng như giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn.
2. Đảm bảo ngủ đủ giấc
Chìa khóa để chống mệt mỏi là có lịch trình ngủ đều đặn, cố gắng không thức khuya và đảm bảo ngủ đủ giấc. Một số biện pháp có thể dùng hỗ trợ giấc ngủ là nên tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, tạo không gian ngủ thoải mái, thoáng khí, tránh ăn quá nhiều trước khi ngủ...
3. Chế độ ăn
Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, đầy đủ các loại dưỡng chất, đặc biệt tăng cường bổ sung đạm và chất xơ. Cùng với đó, cũng nên lưu ý bổ sung sắt kịp thời nếu thiếu. Bởi thiếu sắt sẽ làm giảm khả năng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng của máu, khiến con người cảm thấy uể oải, cáu kỉnh và không thể tập trung.
Những thực phẩm giàu chất sắt có thể kể đến như thịt bò, trứng , đậu phụ và các loại rau lá xanh đậm. Đồng thời cũng nên hạn chế đồ ăn vặt bởi chúng chứa nhiều chất béo bão hòa, gạo đánh bóng, bột mì trắng, rượu hoặc caffeine sẽ khiến cơ thể càng cảm thấy mệt mỏi.
Nguồn: Abolouwang