16h30 ngày 29/3, chị T. đang đi làm thì đột ngột mệt, nói khó, yếu tay chân phải. Ngay sau đó, bệnh nhân được Trung tâm cấp cứu 115 chuyển đến bệnh viện Đà Nẵng lúc 17h30 cùng ngày.
Tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng ghi nhận bệnh nhân diễn tiến nặng hơn với rối loạn tri giác, liệt nửa người phải.
Mạch máu bệnh nhân bị tắc chụp trên hình ảnh DSA
Ngay lập tức, quy trình cấp cứu đột quỵ cấp được kích hoạt, các bác sĩ trong e kip cấp cứu, Đột quỵ, Chẩn đoán hình ảnh được báo động.
Bệnh nhân nhanh chóng được chụp CT Scan sọ não và sử dụng thuốc tiêu huyết khối trong vòng chưa đầy 30 phút kể từ lúc nhập viện.
[Đọc thêm: Rượu cư trú bao lâu trong cơ thể? Đáp án có thể lâu hơn bạn nghĩ]
Hình ảnh chụp CT mạch máu não sau đó ghi nhận có tổn thương hẹp nặng gốc động mạch cảnh trong trái và tắc hoàn toàn động mạch não giữa trái.
Bệnh nhân được khẩn trương đưa đến phòng DSA. Tại đây các bác sĩ đã tiến hành can thiệp nội mạch, nong và đặt stent vào gốc động mạch cảnh trong bên trái. Đồng thời lấy thành công huyết khối ở vị trí động mạch não giữa trái.
Sau 4 ngày điều trị bệnh nhân đã hồi phục tốt
BS.CKII Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ - bệnh viện Đà Nẵng cho biết, sau can thiệp, tình trạng tri giác bệnh nhân cải thiện nhanh, sức cơ bệnh nhân phục hồi dần.
Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Đột quỵ và xuất viện sau 5 ngày điều trị trong tình trạng tỉnh táo hoàn toàn, yếu kín đáo nửa người phải.
“Tất cả các công đoạn trong quá trình điều trị được thực hiện trong vòng 2 giờ đồng hồ với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Khoa Cấp cứu, Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Khoa Đột quỵ. Bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần được tái khám định kì để các bác sĩ theo dõi và đánh giá thường xuyên”, bác sĩ Hải nói.
Theo bác sĩ Hải, với chị T., thời gian từ khi khởi phát đến khi khởi trị là 1 tiếng, đó là khoảng thời gian vàng của điều trị đột quỵ não cấp.
Hơn nữa, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong ekip, và áp dụng thực hiện các kỹ thuật cao nên bệnh nhân hồi phục nhanh, thoát khỏi nguy kịch.
Bác sĩ Hải khuyến cáo, khi có các dấu hiệu của đột quỵ cấp như: méo miệng, yếu liệt tay chân, nói khó, mất thăng bằng, người thân nên gọi Trung tâm cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng, không nên vì bất cứ lí do gì làm trì hoãn thời gian bệnh nhân được đưa đến bệnh viện.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đột quỵ có nguy cơ tử vong hoặc tàn phế rất cao.