Những câu hỏi đặt ra về án tử dành cho "kẻ chỉ điểm"
Ngày 9/6, Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Esmaili tuyên bố một người Iran bị cáo buộc là điệp viên có liên kết với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Viện Nghiên cứu Tình báo và Đặc nhiệm Israel (Mossad) đã bị kết án tử hình.
Theo Mehr News, nhân vật có tên Seyyed Mahmoud Mousavi Majd đã thu thập và cung cấp thông tin về vị trí của Tướng Qassem Soleimani, người đã bị máy bay không người lái (UAV) của Mỹ ám sát tháng 1/2020 tại Baghdad, Iraq.
Việc một người Iran bị kết án liên quan tới cái chết của Tướng Soleimani, tư lệnh của Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở thời điểm hiện tại, tức là 6 tháng sau vụ ám sát đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Esmaili trong tuyên bố ngày 9/6.
Đầu tiên có lẽ là vai trò của Seyyed Mahmoud Mousavi Majd trong Lực lượng Quds. Một số nguồn tin chưa xác thực cho rằng nhân vật này đã hoạt động ở bên ngoài Iran từ nhiều năm, chủ yếu trên chiến trường Syria và sau này là Iraq và cũng là người thân cận với các chỉ huy IRGC.
Thứ hai, Mousavi Majd là "điệp viên đơn tuyến" hay chỉ là mắt xích cuối cùng trong chuỗi gián điệp mà CIA và Mossad đã dày công xây dựng "trong lòng địch".
Theo France 24, Mousavi Majd đã cung cấp thông tin tình báo để đổi lấy một khoản tiền lớn, và có lẽ khi truy dấu "luồng tiền" này, Tehran có thể có một bức tranh tổng thể về những "kẻ chỉ điểm" trong hàng ngũ của mình.
Thứ ba, theo nguồn tin chưa xác thực của trang Newsroom có trụ sở tại Tehran, Mousavi Majd có thể đã bị bắt trước khi vụ ám sát Tướng Soleimani diễn ra, vậy tại sau sau hơn nửa năm Iran mới đưa vụ việc này ra ánh sáng, và họ tính sử dụng vụ việc này với mục đích gì?
Camera giám sát ghi lại cảnh tên lửa bắn trúng xe hơi chở Tướng Qassem Soleimani và phó chỉ huy dân quân Iraq hôm 3/1/2020.
Tehran muốn gửi "thông điệp kép" gì tới Mỹ - Israel?
Cùng ngày với thông tin về "kẻ chỉ điểm", tờ Daily Mail của Anh đưa tin IRGC đã hoàn tất việc phục chế "hàng không mẫu hạm" có ngoại hình tương tự (được cho là bản sao nhỏ hơn một chút) tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ tại cảng Bandar Abbas.
Được thiết kế cho các cuộc tập trận, "hàng không mẫu hạm" nói trên và các "máy bay tiêm kích" mà nó mang theo neo đậu tại cảng Bandar Abbas chỉ là một mục tiêu tập bắn không hơn không kém.
Vào năm 2014, mục tiêu này đã bị các tàu cao tốc của Iran khai hỏa súng phòng không và rocket "tan nát" trong cuộc tập trận "Nhà tiên tri vĩ đại 9" trước khi bị các tên lửa đối hải "nhấn chìm".
"Hàng không mẫu hạm" của Iran tại cảng Bandar Abbas.
Rõ ràng, việc IRGC tiến hành phục chế mục tiêu này là để chuẩn bị cho một cuộc tập trận mới.
Tuy nhiên hoạt động này có thể sẽ kết hợp với việc "trình làng" kết quả của nỗ lực tình báo Iran nhằm khai thác công nghệ nước ngoài để nghiên cứu phát triển tên lửa "bản địa" giúp vô hiệu hóa các mối đe dọa từ hướng biển.
Theo một bài viết được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đăng tải vào tháng 3/2020, nhiều khả năng IRGC đang chuẩn bị đưa vào trang bị tên lửa chống hạm mới dựa trên động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) RJ-HP1.
Đường kính của vỏ động cơ của RJ-HP1 được cho là không lớn hơn 360 mm, cho thấy tên lửa chống hạm mới của Iran có thể sẽ có nhiều điểm tương đồng với tên lửa chống hạm Kh-31A (Iran được cho là đã nhiều năm thu thập công nghệ tên lửa Kh-31A và chủ yếu từ Ukraine).
Theo IISS, tên lửa chống hạm nói trên nhiều khả năng được Cục thiết kế hệ thống động lực Farzanegan của Iran nghiên cứu và phát triển. Với động cơ RJ-HP1, nó có khả năng di chuyển trên mặt biển với tốc độ Mach 2, tương đương 2.447 km/giờ.
Hiện Hải quân Mỹ đang duy trì tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower lớp Nimitz tại Biển Arab và tàu đổ bộ tấn công USS Bataan lớp Wasp gần eo biển Hormuz.
Việc công bố mối liên quan giữa CIA và cái chết của Tướng Soleimani và việc thử tên lửa chống hạm sẽ là "tối hậu thư" mới nhất của Tehran nếu Mỹ muốn tái diễn kịch bản đối đầu trên biển với Iran.
Hải quân Nga tập trận bằng tên lửa Kh-31.
Israel sẽ là nạn nhân của "đòn thù" nào của Iran?
6 tháng sau cái chết của Tướng Soleimani, một mục tiêu khác mà Tehran muốn gửi thông điệp tới sau sự kiện tuyên án ngày 9/6 là một "kẻ đồng phạm" của Mỹ, đó là Israel.
Mặc dù máy bay Israel vẫn tiếp tục chuỗi không kích tại Syria và Iraq nhằm vào các "mục tiêu Iran" gây thương vong cho dân quân Hồi giáo Shia do Tehran hậu thuẫn nhưng phản ứng đáp trả của Iran kể từ đầu năm tới nay được đánh giá là chưa tương xứng.
Tờ Haaretz của Israel nhận xét rằng Mỹ, Israel và Iran đang chiến đấu trên hai mặt trận, một cuộc khẩu chiến công khai và một "cuộc chiến tranh bí mật", với việc một công dân Israel đã bị kết án làm gián điệp cho Iran vào tháng 1/2020.
Rõ ràng, đối mặt với những ảnh hưởng kinh tế do giá dầu thấp, trừng phạt của Mỹ và sự bùng phát của dịch Covid-19, Iran đã phải áp dụng lập trường ngày càng cứng rắn hơn.
Chính trị Iran dường như đang nghiêng về phe "diều hâu" và một "hành động" nhằm vào Israel có thể sẽ giúp công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2021 trở nên suôn sẻ với Tehran.
Căng thẳng diễn ra ở "tuyến xanh" miền nam Lebanon sau các cuộc tập trận của Hezbollah là tín hiệu cho thấy Iran có thể sẽ sớm quyết định thời gian và cách thức tiến hành "hành động".
Cuộc đối đầu diễn ra ngày 2/6 giữa xe tăng và đặc nhiệm Israel với binh sĩ Lebanon gần "tuyến xanh".