Bài học từ những sai lầm của Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980 đã được Nga đúc kết khi quyết định can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria năm 2015 theo đề nghị chính thức từ Tổng thống Bashar al-Assad.
Cái giá mà Liên Xô phải trả ở Afghanistan là quá đắt khi để mất hơn 15.000 binh sĩ cùng với 35.000 người khác bị thương. Vì vậy, nếu kịch bản này lặp lại, Nga chắc chắn sẽ không thực hiện chiến dịch phiêu lưu quân sự ở Syria như hiện nay.
Chiến lược 2 mũi nhọn
Để đạt được hai mục tiêu chính là giúp ổn định chế độ Syria tại một khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Moscow và ngăn chặn ý đồ lật đổ chính quyền Damascus của Mỹ, các nhà lãnh đạo Nga đã lựa chọn áp dụng chiến lược hạn chế tối sự can thiệp trực tiếp bằng cách kết hợp giữa sức mạnh không quân và sử dụng các đơn vị chiến đấu không phải người Nga.
Chiến lược này cho phép Moscow tận dụng được những ưu thế của không quân và hải quân trong việc đánh chiếm các vị trí của khủng bố và phiến quân nổi dậy, đồng thời lại hạn chế được tối đa thương vong.
Để chuẩn bị cho kế hoạch can thiệp quân sự, mùa Hè năm 2015, các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Syria đã cùng ngồi lại thảo luận về cách thức triển khai hoạt động tại Syria và kịch bản phối hợp giữa các bên.
Các quan chức Syria và Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Hồi giáo (IRGC-QF), khi đó là tướng Qasem Soleimani, đã cùng bay tới Moscow để lên phương án phối hợp hành động.
Nga và Syria đã ký một thỏa thuận vào năm 2015 đưa ra các điều khoản về việc cho phép Nga sử dụng căn cứ không quân Hmeimim ở phía đông nam thành phố Latakia. Đến năm 2017, Nga đã ký hợp đồng thuê Hmeimim và cơ sở hải quân Tartus trong khoảng thời gian 49 năm. Moscow cũng đã đàm phán với Baghdad và Tehran cho phép máy bay Nga qua không phận hai nước này.
Để chuẩn bị cho chiến dịch, Nga đã bố trí trước các phương tiện không quân, hải quân và lục quân ở bên trong hoặc gần lãnh thổ Syria, gồm các máy bay chiến đấu, xe quân sự, binh lính và các thiết bị hậu cần kỹ thuật. Vấn đề hậu cần là một thách thức lớn đối với Nga bởi nước này có rất ít kinh nghiệm trong việc bí mật vận chuyển số lượng lớn binh lính ra khỏi đất nước.
Để giải quyết vấn đề này, Nga đã thành lập các điểm cầu vận tải phục vụ tác chiến ngay bên trong căn cứ đầu não không quân Hmeimim. Mặc dù một số hoạt động tiếp viện được thực hiện qua đường hàng không nhưng đa phần hàng hóa quân sự được Nga tiếp tế qua đường biển bằng chiến dịch mang tên “Tốc hành Syria”.
Hàng hóa tiếp viện được Nga chở bằng tàu biển từ cảng Novorossiysk hoặc Sevastopol, di chuyển qua Biển Đen và tháo dỡ tại Tartus. Để hỗ trợ hoạt động vận tải quy mô lớn, Nga đã tăng cường điều động tàu hậu cần tới Tartus và xây dựng thêm các cầu cảng và cơ sở hạ tầng tại đây.
Su-34 Không quân Nga tại Căn cứ Hmeymim, gần Latakia, Syria. Ảnh: Sputnik
Sức mạnh không quân
Nga đã lên kế hoạch sử dụng lực lượng không quân trực tiếp để hỗ trợ cho các đơn vị mặt đất và tấn công áp đảo các vị trí của phiến quân. Tại Syria, Nga quyết định triển khai cả nhân viên quân sự và dân sự (gồm binh lính, sĩ quan tham mưu, chuyên gia phân tích tình báo và công binh), trang thiết bị cùng nhiều phương tiện khác bằng đường hàng không và đường biển.
Điểm trung chuyển không quân quan trọng nhất chính là tại căn cứ Hmeimim. Thời điểm bắt đầu chiến dịch, các lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga (VKS) đã huy động tới Syria: 12 máy bay ném bom tiền tuyến Su-24M và Su-24M2; 12 máy bay cường kích Su-25SM và Su-25UBM; 4 máy bay ném bom tiền tuyến Su-34; 4 máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM; 1 máy bay trinh sát tín hiệu Il-20M1; 12 máy bay trực thăng tấn công Mi-24P; 5 máy bay trực thăng vận tải Mi-8AMTSh.
Hoạt động yểm trợ trên không đặc biệt hiệu quả đối với các cuộc tấn công trên mặt đất ở các thành phố như Aleppo, Homs, Dayr az Zawr, Daraa, Damascus, Palmyra cùng nhiều địa điểm khác. Nga cũng đạt được thỏa thuận cho phép các máy bay ném bom tầm xa bay qua lãnh thổ Iran và Iraq.
Để điều phối chiến dịch không - bộ, Nga đã phối hợp các hoạt động quân sự với chính phủ Syria và Iran, trong đó có việc thành lập Trung tâm tái Hòa giải các phe đối lập (CCROS) đặt trụ sở tại căn cứ không quân Hmeimim. Nga cũng hỗ trợ thành lập một trung tâm điều phối ở Baghdad, gồm các nhân viên liên lạc đến từ Syria, Iran, Iraq và Israel.
Trung tâm này tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chia sẻ thông tin tình báo và các hoạt động phối hợp không quân chung. Tại Moscow, Nga sử dụng Trung tâm Quản lý Quốc phòng để tổ chức và điều phối các hoạt động chiến tranh, gồm cả phân tích tình báo. Nhờ đó, Nga có thể theo dõi các lực lượng không quân, tên lửa và vũ khí chính xác tầm xa trên màn hình theo thời gian thực.
Su-30SM hộ tống Tu-160 tấn công khủng bố ở Syria. Ảnh: Sputnik
Điều hành lực lượng cơ động dưới mặt đất
Nhánh thứ hai trong chiến lược của Moscow khi can thiệp vào cuộc chiến ở Syria là sử dụng các đơn vị cơ động chiến đấu trên mặt đất không phải người Nga.
Chính các đơn vị Quân đội Syria, chứ không phải Quân đội Nga mới đóng vai trò là lực lượng cơ động chủ yếu trong các chiến dịch chiếm lĩnh lại lãnh thổ. Họ được hỗ trợ bởi các lực lượng dân quân như phong trào vũ trang Hezbollah ở Lebanon (với sự hậu thuẫn từ Iran) và các nhà thầu quân sự tư nhân như Công ty Wagner Group.
Những lực lượng này sẽ tiến hành hầu hết các chiến dịch cơ động và chiếm giữ lãnh thổ một khi được giải phóng, với sự giúp đỡ của các lực lượng đặc nhiệm Nga trên mặt đất.
Các nhà lãnh đạo Nga không hề ảo tưởng họ sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, chỉ huy Quân đội Nga tin rằng một số đơn vị Syria như Sư đoàn đặc nhiệm Số 25 (trước đây là Lực lượng đặc nhiệm Tiger Forces) có khả năng và đủ sức chiến đấu hiệu quả với phiến quân.
Tất nhiên, để hỗ trợ cho các đơn vị mặt đất này, Nga cần phải triển khai đội ngũ cố vấn, gồm cả các lực lượng hoạt động đặc biệt. Vì vậy, luôn có một nhóm cố vấn quân sự Nga được triển khai trong mỗi đơn vị quân sự Syria ở tất cả các cấp: tiểu đoàn, lữ đoàn, trung đoàn hoặc sư đoàn. Họ đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng kế hoạch tác chiến ở Syria.
KQ Nga tấn công một loạt mục tiêu khủng bố ở Idlib, Syria