Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Vì sao Việt Nam mua tàu Trung Quốc?

Nguyễn Đức |

Đại diện Bộ GTVT cho biết, trong điều kiện hợp đồng tín dụng ưu đãi và hợp đồng EPC quy định, các thiết bị và đoàn tàu do Tổng thầu chịu trách nhiệm thực hiện và phải mua sắm sản phẩm của Trung Quốc.

Ngày 10.6, Bộ GTVT đã thông tin về việc mua sắm đoàn tàu Trung Quốc cho Dự án Đường sắt Đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Ông Vũ Đức Thuận, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, Dự án được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định ký ngày 30.5.2008, giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.

Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Tổng thầu EPC sẽ thực hiện các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình.

Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát do bên tài trợ chỉ định.

Ngoài ra, trong điều kiện hợp đồng tín dụng ưu đãi và hợp đồng EPC quy định, các thiết bị và đoàn tàu do Tổng thầu chịu trách nhiệm thực hiện và phải mua sắm sản phẩm của Trung Quốc.

Ông Thuận cho biết thêm, các đoàn tàu Việt Nam chọn mua là loại tàu B1 tuân thủ theo quy phạm thiết kế Metro của Trung Quốc đã và đang khai thác ở Trung Quốc.

Tuy nhiên trong quá trình thiết kế để phù hợp với điều kiện Việt Nam, Tổng thầu EPC đã đề xuất đưa ra 5 mẫu hình dáng đoàn tàu với cách thiết kế khoang hành khách đầu máy khác nhau để xin ý kiến phía Việt Nam.

Dự án có gói thầu tư vấn để kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các hạng mục thiết bị, đầu máy toa xe… bao gồm cả việc chế tạo và chạy thử để cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống trước khi đưa vào khai thác phù hợp về chứng nhận an toàn hệ thông đường sắt đô thị.

“Hiện tại Bộ GTVT đang cho làm đoàn tàu mẫu để xin ý kiến đóng góp của chuyên gia và nhân dân cả nước”, ông Thuận cho hay.

Theo ông Thuận, hiện công nghệ tàu của Trung Quốc đang rất phát triển, dần bắt kịp với công nghệ tàu của các nước phát triển trên thế giới như Đức, Pháp, Nhật Bản.

Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông đường sắt đô thị từ năm 1969 (tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại Bắc Kinh); tuyến tàu điện ngầm tiếp theo được xây dựng ở thành phố Thiên Tân năm 1984.

Từ năm 2000, hệ thống vận tải nhanh trên các thành phố của Trung Quốc được tăng tốc đầu tư. Thủ đô Bắc Kinh hiện đã có 18 tuyến Đường sắt đô thị, 319 nhà ga, 527km vận hành, với năng lực vận tải tới khoảng 9 triệu hành khách/ngày.

Điều đó cho thấy, công nghệ đường sắt đô thị của Trung Quốc cũng rất phát triển.

Dự án đường sắt có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông.

Bộ GTVT đã phê duyệt dự toán chi phí hạng mục mua sắm 13 đoàn tàu với giá trị hơn 63,2 triệu USD.

Vận tốc thiết kế tối đa 80km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại