Washington Post: Trung Quốc bí mật xây căn cứ hải quân ở Campuchia

Bình Giang |

Các quan chức phương Tây nói rằng Trung Quốc đang bí mật xây dựng hạ tầng hải quân ở Campuchia để sử dụng độc quyền, nhưng cả hai nước đều phủ nhận thông tin này.

Washington Post: Trung Quốc bí mật xây căn cứ hải quân ở Campuchia - Ảnh 1.

Trước căn cứ hải quân Ream của Campuchia vào tháng 7/2019. (Ảnh: AP)

Báo Washington Post dẫn lời các quan chức giấu tên nói rằng cơ sở quân sự của Trung Quốc sẽ nằm ở phần phía bắc của quân cảng Ream thuộc vịnh Thái Lan. Đó sẽ là nơi diễn ra một lễ động thổ trong tuần này.

Các quan chức giấu tên nói rằng việc xây dựng cơ sở hải quân Trung Quốc ở Campuchia là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm tạo nên một hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự trên khắp thế giới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu thực sự.

Cho đến nay, cơ sở hải quân duy nhất ở nước ngoài mà Trung Quốc đang sở hữu là tại Djibouti, một quốc gia thuộc vùng Đông Phi. Có được một cơ sở đủ khả năng đón các tàu hải quân cỡ lớn ở phía tây Biển Đông sẽ là một nhân tố quan trọng trong tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực và sẽ đẩy mạnh hiện diện của Bắc Kinh ở gần các tuyến đường vận tải biển quan trọng của Đông Nam Á, các quan chức và chuyên gia phân tích nhận định.

“Chúng tôi đánh giá rằng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một mảnh ghép quan trọng đối với các lãnh đạo Trung Quốc, khi họ coi khu vực này là vùng ảnh hưởng của mình. Họ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc ở đó là một phần trong xu thế toàn cầu nhằm tiến tới một thế giới đa cực, nơi các cường quốc lớn khẳng định lợi ích của mình ở những nơi mà họ cho là vùng ảnh hưởng”, một quan chức phương Tây nói.

Năm 2019, báo chí dẫn thông tin từ giới chức phương Tây đưa tin Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật để quân đội của họ sử dụng quân cảng Ream. Bắc Kinh và Phnom Penh phủ nhận điều này. Thủ tướng Campuchia Hun Sen gọi đó là “tin giả”. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng gọi đó là “tin đồn” và khẳng định Trung Quốc chỉ giúp Campuchia huấn luyện quân sự và trang bị hậu cần.

Tuy nhiên, cuối tuần qua, một quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh xác nhận với Washington Post rằng “một phần của căn cứ” sẽ được “quân đội Trung Quốc” sử dụng. Quan chức này phủ nhận quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng “độc quyền”, nói rằng các nhà khoa học cũng được tiếp cận. Vị quan chức cho biết người Trung Quốc không tham gia bất kỳ hoạt động nào ở phần của Campuchia.

Vị quan chức cho biết lễ động thổ dự kiến vào ngày 9/6, sẽ có sự tham dự của các quan chức Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia dự kiến sẽ có mặt.

Khi được đề nghị bình luận, Đại sứ quán Campuchia tại Washington nói trong một tuyên bố rằng họ “hoàn toàn không đồng ý với nội dung và ý nghĩa của bài báo vì đưa ra cáo buộc vô căn cứ nhằm tạo nên hình ảnh tiêu cực về Campuchia”.

Tuyên bố nói rằng Campuchia “tuân thủ nghiêm ngặt” hiến pháp của đất nước, trong đó quy định không cho quân đội nước ngoài hiện diện trên đất Campuchia.

“Việc cải tạo căn cứ chỉ để nâng cao năng lực hải quân của Campuchia nhằm bảo vệ sự toàn vẹn trên biển và phòng chống tội phạm trên biển, bao gồm hoạt động đánh bắt trái phép”, tuyên bố nêu rõ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về vấn đề này.

Các quan chức phương Tây đoán rằng tại lễ động thổ, sẽ có sự thừa nhận về việc Trung Quốc tham gia cấp vốn và mở rộng quân cảng Ream, nhưng sẽ không xác nhận việc quân đội Trung Quốc sử dụng. Một quan chức phương Tây nói rằng Campuchia và Trung Quốc đã thống nhất kế hoạch này từ năm 2020, trong đó nhất trí về việc quân đội Trung Quốc có “đặc quyền sử dụng phần phía bắc của căn cứ, nhưng sự hiện diện sẽ vẫn được giấu kín”.

Vị quan chức nói rằng Trung Quốc và Campuchia có biện pháp để giấu sự hiện diện Trung Quốc ở Ream. Ví dụ, các đoàn nước ngoài đến thăm căn cứ chỉ được vào những nơi đã được chấp thuận trước. Khi đó, quân nhân Trung Quốc ở căn cứ sẽ mặc đồng phục giống như người Campuchia hoặc không mặc đồng phục để tránh bị người ngoài nghi ngờ.

Khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến thăm căn cứ này hồi năm ngoái, việc di chuyển của bà bị hạn chế nghiêm ngặt, vị quan chức nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại