Vừa đình chỉ INF, Nga tung ảnh 'tố' nhà máy Mỹ chuẩn bị sản xuất tên lửa cấm

Thu Hằng |

Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Washington đã bắt đầu chuẩn bị sản xuất các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bị cấm theo Hiệp ước INF từ 2 năm trước khi cáo buộc Moskva vi phạm hiệp ước này.

Động thái trên diễn ra sau khi ngày 2/2, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của Mỹ theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân chiến lược tầm trung (INF), và đáp lại Nga cũng tuyên bố đình chỉ hiệp ước này.

Theo Đài Sputnik (Nga), cùng ngày Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những hình ảnh vệ tinh chụp nhà máy của tập đoàn vũ khí Raytheon, nơi các hoạt động chuẩn bị cho việc sản xuất những loại tên lửa bị cấm theo Hiệp ước INF đã diễn ra trong 2 năm qua.

Bức ảnh, ghi ngày chụp là 3/12/2018, cho thấy nhà máy trên có kích thước 4,15 km - 2,3km. Khu tổ hợp này bao gồm 4 đơn vị sản xuất đã đi vào hoạt động và một đang được xây dựng. Ngoài ra là một khu vực thử nghiệm, một trạm điện và các kho chứa bán ngầm.

Ngày 1/2 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) do Moskva đã vi phạm hiệp ước này. Ông Trump nêu rõ Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF.

Ông nhấn mạnh tiến trình này sẽ được hoàn tất trong 6 tháng trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan.

Vừa đình chỉ INF, Nga tung ảnh tố nhà máy Mỹ chuẩn bị sản xuất tên lửa cấm  - Ảnh 1.

Tổng thống Trump tuyên bố Nga vi phạm INF, trong khi Mỹ tuân thủ hơn 30 năm qua. Ảnh: Getty Images

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Washington đã tuân thủ hiệp ước trong hơn 30 năm và sẽ không tiếp tục chịu hạn chế bởi điều khoản của INF, trong khi Nga lại có hành động vi phạm. Ông khẳng định một khi các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí với Nga được hoàn tất, Washington sẽ sẵn sàng cho mối quan hệ nổi bật về kinh tế, thương mại và chính trị và các cấp quân sự với Moskva.

Đáp lại, ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva cũng đình chỉ Hiệp ước INF ký với Mỹ. Tổng thống Putin nêu rõ “Moskva sẽ ngừng tham gia hiệp ước INF có từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi Mỹ quyết định đình chỉ hiệp ước này. Nga sẽ phát triển các tên trước đây vốn bị cấm theo các điều khoản của INF”.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh quyết định trên là hành động "đáp trả tương xứng" quyết định của Mỹ rút khỏi INF. Theo ông Putin, Nga cũng sẽ hoàn tất rút khỏi Hiệp ước INF trong vòng 6 tháng. Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ vi phạm hiệp ước INF và kêu gọi một cuộc điều tra về kho vũ khí của Washington.

Ông Putin cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga về việc bắt đầu chế tạo các tên lửa siêu thanh tầm trung, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không bắt đầu các cuộc đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.

Vừa đình chỉ INF, Nga tung ảnh tố nhà máy Mỹ chuẩn bị sản xuất tên lửa cấm  - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trao đổi văn bản Hiệp ước INF đã ký.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.

Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, INF vẫn còn hiệu lực và là một nhân tố quan trọng thúc đẩy an ninh hậu Chiến tranh Lạnh.

Tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Đến tháng 12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là 2/2 tới.

Tuy nhiên, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ dựng cớ để rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại