Tổng thống Putin tuyên bố Nga đình chỉ Hiệp ước hạt nhân INF

Thanh Tuấn |

Ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đình chỉ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Mỹ.

Đài Sputnik dẫn tuyên bố của Tổng thống Putin nêu rõ “Moskva sẽ ngừng tham gia hiệp ước INF có từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi Mỹ quyết định đình chỉ hiệp ước này. Nga sẽ phát triển các tên trước đây vốn bị cấm theo các điều khoản của INF”.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh quyết định trên là hành động "đáp trả tương xứng" quyết định của Mỹ rút khỏi INF. Theo ông Putin, Nga cũng sẽ hoàn tất rút khỏi Hiệp ước INF trong vòng 6 tháng.

Tổng thống Putin tuyên bố Nga đình chỉ Hiệp ước hạt nhân INF - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ vi phạm hiệp ước INF và kêu gọi một cuộc điều tra về kho vũ khí của Washington. Ông Putin cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga về việc bắt đầu chế tạo các tên lửa siêu thanh tầm trung. Tổng thống Putin đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không bắt đầu các cuộc đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.

Động thái trên diễn ra 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước INF với cáo buộc Moskva vi phạm hiệp ước.

Trong một tuyên bố, ông Trump nêu rõ Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ông cho hay tiến trình này dự kiến được hoàn tất trong 6 tháng, trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Washington đã tuân thủ hiệp ước trong hơn 30 năm và sẽ không tiếp tục chịu hạn chế bởi điều khoản của INF, trong khi Nga lại có hành động vi phạm. Ông khẳng định một khi các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí với Nga được hoàn tất, Washington sẽ sẵn sàng cho mối quan hệ nổi bật về kinh tế, thương mại và chính trị và các cấp quân sự với Moskva.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ Mỹ sẽ gửi thông báo chính thức cho Nga về việc Washington sẽ rút khỏi hiệp ước INF trong vòng 6 tháng.

Theo ông Pompeo, Mỹ mong muốn thỏa thuận này có thể kiểm chứng và áp dụng được với các hệ thống vũ khí. Bên cạnh đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho hay Washington đã sẵn sàng tham gia thảo luận về các hiệp ước kiểm soát vũ khí khác trên khắp thế giới.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau đó tuyên bố hoàn toàn ủng hộ thông báo rút khỏi INF của Mỹ do những nguy cơ an ninh từ việc Nga thử nghiệm, chế tạo hệ thống tên lửa “Novator 9M729".

Nguy cơ Hiệp ước INF, một thỏa thuận kiểm soát vũ khí có ý nghĩa quan trọng, đổ vỡ đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Mới đây, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Mỹ và Nga tiếp tục tuân thủ INF và thảo luận vào thời gian thích hợp việc tiếp tục thực hiện Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) giữa hai nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York, ông Guterres nói rằng quan điểm của ông rất rõ ràng rằng giữ lại Hiệp ước INF là việc rất quan trọng. Theo ông, việc tiếp tục thực hiện Hiệp ước new START cũng quan trọng không kém.

Ngày 18/1, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã kêu gọi cứu vãn Hiệp ước INF nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Đức bày tỏ tin tưởng INF "thoát hiểm" và cho rằng hiệp ước này ảnh hưởng cơ bản tới lợi ích an ninh của các bên.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, việc bảo toàn INF là cách duy nhất để thế giới tránh một cuộc chạy đua vũ trang và đồng thời kêu gọi Mỹ và Nga tránh triển khai những loại tên lửa tầm trung vốn bị cấm trong INF.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại