Tình hình chính trị châu Á đầy sóng gió trong năm Mậu Tuất: Kẻ cười người khóc

Minh Đức |

Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, chúng ta hãy cùng nhìn lại về những người chiến thắng và kẻ chiến bại trong một năm Mậu Tuất sóng gió.

Năm Mậu Tuất đã chứng kiến rất nhiều biến động chính trị và kinh tế trên thế giới nói chung và ở châu Á nói riêng, đặc trưng trong số đó là sự leo thang của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thị trường tài chính khó khăn và nền kinh tế toàn cầu sụt giảm.

Tờ The Diplomat đã có những tổng kết về các nhà lãnh đạo châu Á trong năm vừa qua.

Giải "chính trường nguy hiểm": Ông Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước và mở ra khả năng cho ông Tập giữ chức lãnh đọn trọn đời tại quốc gia gần 1,4 tỷ dân. Nhưng chính trường Trung Quốc vẫn đang biến động lớn và ông Tập đang phải đối mặt với việc bị đẩy lùi trên một số mặt trận.

Về đối nội, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bị chậm lại, tăng trưởng 2018 thấp hơn năm trước, điều này sẽ tạo áp lực lên ông Tập trong việc kích thích nền kinh tế và đối mặt với nguy cơ nợ ngày một tăng cao.

Tình hình chính trị châu Á đầy sóng gió trong năm Mậu Tuất: Kẻ cười người khóc - Ảnh 1.

Ảnh: Lintao Zhang / Getty

Trong khi những ngày đình chiến thương mại đang dần trôi qua, bất kỳ sự leo thang nào sắp tới cũng có nguy cơ làm đình trệ năng lực xuất khẩu của Trung Quốc, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm.

Về đối ngoại, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã gặp phải sự phản đối từ các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đi kèm với những lo ngại liên quan đến tính bền vững và các khoản nợ từ Sáng kiến này. Có vẻ ông Tập đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quá trình lãnh đạo của mình.

Giải "người chạy marathon": Ông Shinzo Abe

Ông Shinzo Abe đang trên đường trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản sau khi đảm bảo được uy tín để tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba lịch sử, theo như cuộc thăm dò vào tháng 9 vừa qua.

Kể từ lúc lên nắm quyền từ tháng 12/2012, nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do có thể sẽ kéo dài thời gian nắm quyền của mình đến năm 2021, điều này giúp ông Abe có thêm thời gian để củng cố chiến lược kinh tế Abenomics, đồng thời đạt được tham vọng cải cách Hiến pháp ấp ủ từ lâu.

Tình hình chính trị châu Á đầy sóng gió trong năm Mậu Tuất: Kẻ cười người khóc - Ảnh 2.

Ảnh: Takaki Kashiwabara

Tuy nhiên, một năm 2019 đầy thách thức có thể sẽ đe dọa các kế hoạch của Thủ tướng Abe. Thất bại trong việc duy trì thế đa số trong liên minh cầm quyền ở cuộc bầu cử Thượng viện có thể sẽ cản trở việc cải cách Hiến pháp, cũng như nền kinh tế trì trệ lại phải đối mặt với tác động từ việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10 vừa qua.

Trong quá khứ, ba lần tăng thuế như vậy đều dẫn đến suy thoái, Chính quyền Thủ tướng Abe cần phải làm nhiều việc hơn là trông đợi vào sự may mắn.

Giải "người bận rộn": Ông Narendra Modi

Nhà lãnh đạo cải cách Ấn Độ Narendra Modi cần phải tiếp tục "chiến đấu" để duy trì quyền lực của mình, trong bối cảnh Đảng Nhân dân Ấn Độ của ông vừa thất bại trong ba cuộc thăm dò quan trọng ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử trong vài một tháng tới.

Sự xung đột với Thống đốc ngân hàng Trung ương Urjit Patel, người đã phải từ chức sau đó, đã làm tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư đối với các chính sách kinh tế của ông Modi, trong bối cảnh có những cảnh báo việc đánh giá thấp sự độc lập tương đối của Ngân hàng trung ương với Chính phủ sẽ trở thành "thảm họa".

Tình hình chính trị châu Á đầy sóng gió trong năm Mậu Tuất: Kẻ cười người khóc - Ảnh 3.

Ảnh: Sentinelassam

Với các buộc biểu tình nông dân phản đối Chính phủ, đảng đối lập ở Quốc hội đã nắm những cơ hội này và tạo ra thách thức rõ nét hơn vào năm 2019. Ông Modi cũng phải đối mặt với việc duy trì sự cân bằng, ổn định về mặt đối ngoại, trong đó có những nước láng giềng đối thủ như Trung Quốc hay Pakistan, cũng như nâng cao vị thế của Ấn Độ trong khu vực.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, Ấn Độ vẫn đang vượt trội so với các nền kinh tế khác với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 7,3% trong năm tới, theo OECD.

Và với dự báo Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc trở thành nước có lực lượng lao động lớn nhất thế giới vào năm 2025, Thủ tướng Modi vẫn có thể vượt qua những khó khăn ở trong nước để hướng đến một tương lai tươi sáng.

Giải "hụt hơi": Ông Moon Jae-in

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không thể bị chỉ trích vì lý do thiếu tham vọng. Nhưng sau lời hứa cắt giảm sức mạnh của các tập đoàn chaebol Hàn Quốc và phân phối lại thu nhập trong khi đạt được thành công trong giải quyết vấn đề Triều Tiên, thực tế đã không xảy ra như lời hứa trong năm 2018.

Với tỷ lệ tín nhiệm giảm mạnh, ông Moon đã công bố một kế hoạch kinh tế mới ít liên quan đến thu nhập và liên quan nhiều hơn tới năng lực cạnh tranh, bao gồm cả việc củng cố các tập đoàn chaebol.

Tình hình chính trị châu Á đầy sóng gió trong năm Mậu Tuất: Kẻ cười người khóc - Ảnh 4.

Ảnh: Forbes

Tuy nhiên, với số nợ hộ gia đình cá thể tăng lên, nền kinh tế trì trệ và các mối đe dọa từ bên ngoài, chính quyền Tổng thống Moon đang phải đối mặt với một cuộc chống trả nhằm đảo ngược tiến trình hồi sinh J-nomics (chính sách kinh tế của Tổng thống Moon Jae-in).

Về đối ngoại, các chaebol đã tranh thủ để ủng hộ các động thái thúc đẩy hòa bình hai miền với Triều Tiên, trong khi ông Moon đang nhận sự chỉ trích từ Washington về việc ông đang đưa ra những nhượng bộ kinh tế trước khi đạt được tiến trình phi hạt nhân hóa.

Ông Moon cũng khiến cho mối quan hệ với Nhật Bản trở nên lạnh nhạt khi tuyên bố không tín nhiệm thỏa thuận về vấn đề "phụ nữ mua vui" mà hai nước ký năm 2015. Một sự cố gần đây khi một khu trục hạm của Hàn Quốc khóa radar điều khiển hỏa lực của mình đối với một máy bay Nhật Bản cũng không giúp ích gì cho mối quan hệ giữa hai nước.

Giải "tự vấp ngã": Chính phủ Australia

Australia dường như đang hướng đến sự thay đổi lãnh đạo thứ sáu trong một thập kỷ sau khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nội bộ do cựu bộ trưởng Nội vụ khởi xướng đưa Bộ trưởng Morrison - ứng cử viên đứng cuối bảng trong cuộc thăm dò dân ý vào tháng 8/2018 - lên làm Thủ tướng.

Trong cuộc bầu cử liên bang tiếp theo vào tháng 5/2019, Đảng Lao động trung tả của Bill Shorten có thể sẽ có một chiến thắng tưng bừng.

Tình hình chính trị châu Á đầy sóng gió trong năm Mậu Tuất: Kẻ cười người khóc - Ảnh 5.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái). Ảnh: Getty

Cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull đã từng cảnh báo các đồng minh của mình vào tháng 2/2017, "mất đoàn kết là mất hết". Sau khi đánh bại nhà lãnh đạo Tony Abbott, ông Turnbull đã phải nhận "quả báo" vào tháng 8 năm nay.

Các tỷ phú

Bên cạnh đó, còn có một danh sách dài các tỷ phú châu Á đã mất tổng cộng khoảng 137 tỷ USD (theo thống kê từ Bloomberg). Đây là lần đầu tiên khối tài sản của họ sụt giảm kể từ bảng xếp hạng bắt đầu vào năm 2012.

Tuy nhiên, có một số người vẫn chiến thắng trong lĩnh vực kinh doanh, bao gồm cả người giàu nhất Nhật Bản, Tadashi Yanai - đã bổ sung 6 tỷ USD vào tài sản của mình - cùng với tỷ phú người Ấn Độ, ông Muk Muk Ambani - người đã gặt hái thêm 4 tỷ USD để trở thành người giàu nhất châu Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại