Vào ngày 21/1, Iran, Syria và Israel đã phóng một loạt tên lửa vào nhau, làm dấy lên một đợt bạo lực bùng phát dọc biên giới Syria-Israel.
Sau đó, Lực lượng Phòng vệ Israel đã tung ra một đoạn video cho thấy các loại tên lửa nhắm bắn vào 2 hoặc 3 hệ thống lá chắn tầm ngắn ở Syria, có khả năng bao gồm cả Pantsir-S2 của Nga.
Trên thực tế, các cuộc tấn công gần đây có thể tiết lộ những cải tiến của lực lượng phòng không Syria nhờ sự đào tạo và hỗ trợ thiết bị từ phía Nga. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy khả năng ngày càng tiến bộ của lực lượng Israel, trong đó đáng chú ý là máy bay không người lái kamikaze.
Theo National Interest, loạt tấn công ăn miếng trả miếng bắt đầu khi Iran bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh 110 nhằm vào khu trượt tuyết của Israel ở vùng núi Hebron thuộc Cao nguyên Golan. Tên lửa này đã bị đánh chặn bởi 2 tên lửa từ hệ thống phòng không "Vòm Sắt" (Iron Dome) của Israel.
Trước khi Nga đưa quân tới vào năm 2015, Iran đóng vai trò quan trọng trong quá trình hỗ trợ Syria. Ngoài việc chống lại các phiến quân đối lập, Iran thiết lập một mạng lưới căn cứ rộng khắp trên Syria để gây áp lực với Israel và hỗ trợ lực lượng Hezbollah.
Để đáp trả, máy bay chiến đấu Israel đã khởi động hàng trăm cuộc không kích nhằm vào Syria từ năm 2011, nhằm gián đoạn quá trình vận chuyển vũ khí cho Hezbollah và ngăn chặn Iran xây dựng lực lượng.
Mặc dù thường xuyên phải đối đầu với tên lửa của Syria song tới nay chỉ có một chiếc F-16 của Israel bị bắn hạ vào tháng 2/2018 bởi hệ thống phòng không S-200. Chỉ trong năm đó, Israel đã tấn công Syria bằng hơn 2.000 tên lửa.
Vài giờ sau khi Iran tấn công, Israel đáp trả bằng cuộc tấn công lớn nhất từ trước tới nay, nhưng không nhằm vào khẩu đội tên lửa của Iran mà bắn vào sân bay quốc tế Damascus và những nơi mà Tel Aviv cho là kho chứa vũ khí của Tehran tại Syria.
Các lực lượng phòng không Syria sau đó phóng hàng chục tên lửa phản công, chủ yếu là tên lửa tầm trung từ lá chắn Buk (SA-17) và S5E6 từ hệ thống tầm thấp Pantsir-S1 (SA-22).
Hãng thông tấn Nhà nước SANA của Syria sau đó xác nhận đã phá hủy 30 tên lửa Israel .
IDF sau đó đã tung ra một làn sóng tấn công thứ hai nhắm vào khẩu đội pháo phòng không Syria và tung ra một đoạn video làm chứng cứ.
Trong phần đầu video có thể thấy một hệ thống không xác định phóng 2 tên lửa nhằm bảo vệ chính mình từ loạt mưa tên lửa đang bay tới. Liệu hai khẩu đội này có bắn trúng mục tiêu nào hay không vẫn chưa rõ, vì hai hệ thống này sau đó bắt đầu bốc cháy.
Trong phần thứ hai của video, một khẩu đội Pantsir dường như không hoạt động khi tên lửa Israel lao về phía nó. Nhà bình luận quân sự Syria Mohammed Salah Alftayeh cho rằng đây là Pantsir-S2 – một biến thể cải tiến của Pantsir-S1 được sử dụng bởi cả Nga và Syria.
Pantsir-S2 được quân đội Nga sử dụng vào năm 2015, khả dụng với tên lửa 57E6-E với tầm hoạt động lên tới 30km, radar phát hiện mục tiêu cách 40km. Dù Nga không công bố việc thử nghiệm hệ thống lá chắn này tại Syria nhưng nó vẫn xuất hiện trong các video do quân Chính phủ Syria đăng tải.
Tại sao Pantsir không phản ứng với cuộc tấn công khi đó? Trang web tình báo mở T-Intelligence cho biết khi đó đội ngũ vận hành nghỉ giữa ca, và hệ thống không có người kiểm soát do thiếu nhân sự.
Theo một số báo cáo của Syria, vũ khí mà phía Israel đã sử dụng để tấn công khả năng là máy bay không người lái kamikaze Harop (Harpy 2) do Israel chế tạo, có thể điều khiển được từ xa hoặc tự động kích nổ khi va chạm. Tốc độ tối đa của Harop là 185km/h, và có khả năng bay trên chiến trường 6 tiếng liên tục.
Israel cũng có thể đã dùng các loại vũ khí khác, gồm cả tên lửa hành trình Delilah dẫn đường bằng GPS, cũng có thể do con người điều khiển và được trang bị trên chiến đấu cơ F-16, được trang bị bộ công nghệ cao SPICE gồm GPS kép và dẫn đường bằng quang điện.
Trong những tháng tới, Syria có thể kích hoạt các hệ thống tên lửa đất đối không S-300 tầm xa, có khả năng thách thức cao đối với các cuộc tấn công của Israel. Tuy nhiên, điều này dường như không thể ngăn cản cuộc đua dài lâu nay của các lực lượng Israel, Iran và Syria.