Lý do tên lửa S-300 Nga không bắn hạ máy bay Israel: Hậu quả quá tàn nhẫn!

Trung Phạm |

Hãy thử tưởng tượng, quốc tế sẽ phản ứng như thế nào nếu Nga hoặc Syria bắn rơi một máy bay dân sự mà Israel vẫn sử dụng làm "lá chắn sống" để tấn công Syria như hiện nay?

Vài tháng gần đây, giới quan sát quân sự Trung Đông không ngừng đặt ra câu hỏi tại sao các hệ thống phòng không S-300 mà Nga cung cấp cho Syria đã không hề động tĩnh gì trước hàng loạt vụ tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria.

Có rất nhiều lý do đã được bàn luận tới, trong đó có việc những tổ hợp S-300 mà Nga chuyển giao cho Syria vẫn đang phải chịu những sức ép rất lớn từ những giới hạn về rào cản chính trị, các toan tính lợi ích đan xen của mỗi bên liên quan.

Tuy nhiên, nếu cho rằng các tên lửa S-300 đang được đề cập tới ở đây chỉ là những "con hổ giấy", không thể phát huy tác dụng trước các đòn tấn công tinh quái của Israel thì e rằng sẽ không thuyết phục. Vậy hãy thử phân tích xem còn những lý do nào khác nữa?

"Lá chắn sống" của Israel

Có một đặc điểm rất dễ nhận ra trong các chiến dịch không kích của Israel thời gian gần đây là họ thường lợi dụng hoạt động lưu thông hàng không dân sự và các chiến dịch của liên quân do Mỹ đứng đầu làm "tấm lá chắn" để tấn công các hệ thống phòng không Syria.

Ở đây cần phải thấy rằng, khi Nga tiến hành không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria bằng tên lửa hành trình thì Moscow luôn phải phát đi thông báo quốc tế từ trước, đồng thời đóng cửa một số không phận có liên quan nhằm tránh xảy ra thảm kịch.

Israel thì không tuân theo quy trình đó. Họ thường xuyên điều các máy bay chiến đấu xâm nhập địa bàn hoạt động của các hãng hàng không dân sự trên biển địa Trung Hải và Lebanon để thực hiện kế hoạch của mình.

Trang mạng Intelli Times từng tiết lộ một thông tin động trời: Chỉ vài giờ trước vụ không kích của Israel đêm 12/1, một máy bay vận tải Boeing 747 của Iran vừa hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Damascus tháo dỡ hàng tại địa điểm từng bị Israel tấn công 3 lần trước đây. Chiếc máy bay sau đó trở về Iran qua không phận Iraq.

Hãy thử tưởng tượng, quốc tế sẽ phản ứng như thế nào nếu như Nga hoặc Syria bắn rơi một máy bay dân sự?

Sự kiện chiếc máy bay trinh sát IL-20 của Nga cùng toàn bộ thủy đoàn bị tên lửa S-200 Syria bắn hạ trong quá trình phản kích các máy bay Israel tấn công Latakia trước đó diễn ra vào tháng 9/2018 đã cho thấy mức độ thiệt hại sẽ còn thảm khốc như thế nào nếu mục tiêu là một máy bay dân sự.

Lý do tên lửa S-300 Nga không bắn hạ máy bay Israel: Hậu quả quá tàn nhẫn! - Ảnh 1.

IL-20M, loại máy bay đã bị bắn rơi ở Syria. Ảnh: Alexander Kopitar

Ngang nhiên hoạt động trên không phận Lebanon

Trong quá trình tấn công Syria, Israel liên tục xâm phạm không phận Lebanon. Điều này là bởi thực tế cả lực lượng vũ trang Hezbollah hay quân đội Lebanon đều không sở hữu bất cứ hệ thống phòng không, không quân nào đủ sức phản kích lại máy bay chiến đấu Israel.

Điểm yếu này đã được Không quân Israel tận dụng triệt để khi triển khai các chiến đấu cơ của họ bay bám địa hình đồi núi gập ghềnh của Lebanon tạo thành tấm lá chắn vòng tránh các hệ thống phòng không tầm xa.

Tiếp đó, họ sẽ sử dụng các vũ khí tấn công từ ngoài ô phòng không của đối phương như bom lượn đường kính nhỏ SDB hoặc tên lửa hành trình Delilah để tiêu diệt mục tiêu mà radar phòng không Syria không thể phát hiện, rồi sau đó an toàn trở về căn cứ.

Nếu muốn chống trả Israel, Syria và Nga cần phải mở rộng mạng lưới phòng không tới tận thung lũng Bekaa hoặc phải điều động máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ tuần tra - một giải pháp chắc chắn sẽ vấp phải "sự lên án của quốc tế" và rất dễ đẩy cuộc xung đột theo thang.

Cũng tương tự như vậy, "cộng đồng quốc tế" đã áp đặt một lệnh cấm vận mặc định việc cung cấp các hệ thống vũ khí hiện đại dưới bất cứ dạng nào cho nhà nước Lebanon, qua đó quốc gia này không thể tự phòng vệ trước các chiến dịch xâm nhập của Israel.

Lý do tên lửa S-300 Nga không bắn hạ máy bay Israel: Hậu quả quá tàn nhẫn! - Ảnh 2.

Tiêm kích F-15 của Không quân Israel. Ảnh: RT

Triệt để tận dụng chính sách ngoại giao của Nga

Một vấn đề khác nữa cũng không kém phần phức tạp là Nga đang cố gắng áp dụng một chính sách ngoại giao vô cùng khó khăn: duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Israel và Iran nhằm vừa đạt được các mục tiêu đối ngoại của mình vừa muốn kết thúc thành công cuộc chiến ở Syria.

Ngoài những mặt tích cực đã thấy rõ thì chính sách này như một vòng cương tỏa khiến Nga khó có thể đáp trả Israel trừ phi các căn cứ hoặc phương tiện của Moscow ở Syria bị tấn công. Về phần mình, Israel đương nhiên biết cách kiềm chế, không đụng đến những mục tiêu có liên quan mật thiết tới lợi ích của Nga, tránh lặp lại thảm kịch như vụ Il-20.

Sau sự cố trên, để cứu vãn mối quan hệ Nga - Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phải nhiều lần đích thân gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin và chưa hề dám sử dụng tới các máy bay chiến đấu tân tiến F-35 của họ đối phó với hệ thống phòng không S-300.

Lý do tên lửa S-300 Nga không bắn hạ máy bay Israel: Hậu quả quá tàn nhẫn! - Ảnh 3.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300. Ảnh: PressTV

Ngoài ra, cũng cần phải đề cập tới một nhân tố nữa không kém phần quan trọng là vai trò của Iran tại Syria và xét trong tương quan mối quan hệ với Nga.

Dường như có một thỏa thuận ngầm nào đó giữa Tehran và Moscow theo cách, Nga "cho phép Iran được tự do làm những gì họ muốn" miễn là đừng kéo Nga vào cuộc phải che chắn cho các hoạt động của họ để Moscow vẫn duy trì được mối quan hệ thiện chí với Israel nhằm đạt mục tiêu kết thúc cuộc chiến ở Syria.

Tất cả những nhân tố chính trị, ngoại giao đề cập ở trên, xét theo nhiều góc độ, phần nào đó đã khiến các tổ hợp tên lửa S-300 duy trì trạng thái "nằm yên tại chỗ".

Tất nhiên, khi tình huống bắt buộc phải dùng đến thì các hệ thống S-300 chắc chắn sẽ vẫn đóng vai trò nhất định để duy trì thế cân bằng của những phép toán không hề dễ dàng một chút nào.

Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh huấn luyện trắc thủ tên lửa S-300 Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại