Kể từ khi Nga bắt đầu tiến trình chuyển giao các hệ thống phòng không S-400 cho Trung Quốc theo hợp đồng trị giá 3 tỷ USD ký năm 2014, cộng đồng bình luận các vấn đề quốc phòng - quân sự thế giới đã đưa ra nhiều đồn đoán về loại đạn tên lửa mà Moscow cung cấp cho Bắc Kinh.
Các tổ hợp tên lửa đất đối không tầm xa S-400 trang bị nhiều loại đạn khác nhau như 48N6DM/48N6E3 với tầm bắn 250 km hay 48N6E2 tầm bắn 200 km và tất cả đều có thể tấn công mục tiêu ở vận tốc Mach 6, tức gấp 6 lần vận tốc âm thanh.
Nhưng đặc biệt, S-400 còn được biên chế loại đạn tên lửa siêu thanh 40N6 với những tính năng độc nhất mà không một hệ thống tên lửa đất đối không nào trên thế giới có được. Đây chính là câu hỏi lớn nhất mà giới quan sát đặt ra khi đề cập tới thương vụ mua bán S-400 giữa Trung Quốc và Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400. Ảnh: TASS
40N6 có tầm bắn 400 km và có thể tấn công các mục tiêu ở trần bay dao động từ 30 km đến 5 m với độ chính xác rất cao. Trong khi phần lớn các hệ thống tên lửa đất đối không khác đều phải đối diện với không ít giới hạn khi tấn công các mục tiêu bay thấp do ảnh hưởng của đường cong Trái Đất thì 40N6 lại có ưu thế nổi trội về khả năng này.
Khi được khai hỏa, tên lửa 40N6 sẽ bay lên cao và được dẫn hướng bởi một radar chủ động trước khi chuyển sang chế độ tìm kiếm - phá hủy mục tiêu và dẫn đường bán tự động thực hiện khả năng tấn công ngoài đường chân trời.
40N6 được thiết kế để bắn hạ các phương tiện do thám, trinh sát cũng như các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không như E-3 AWACS được Mỹ và NATO sử dụng.
Theo các phương tiện truyền thông Nga, tên lửa có thể đạt vận tốc Mach 3,42 nhưng một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Lục quân Mỹ năm 2015 cho rằng tốc độ tối đa của 40N6 phải là Mach 14.
Ngày 18/2, Giám đốc điều hành Tập đoàn Xuất khẩu Vũ khí Nhà nước Nga Rostec, ông Sergei Chemezov chính thức lên tiếng khẳng định Nga đã bán các tên lửa 40N6 cho Trung Quốc trong khuôn khổ hợp đồng S-400.
Ông Sergei Chemezov cũng thừa nhận, việc chuyển giao các tên lửa này cho phía đối tác Trung Quốc đã gặp phải sự cố trong quá trình vận chuyển: "Con tàu chở các tên lửa đó đã bị cuốn vào một cơn bão. Vì thế, thủy thủ đoàn buộc phải phá hủy toàn bộ số tên lửa có trên tàu và hiện giờ chúng tôi đang sản xuất các tên lửa mới để thay thế".
S-400 tham gia lễ diễu binh mừng Ngày Chiến Thắng tại Moscow tháng 5/2018. Ảnh: RT
Dựa vào dữ liệu ghi nhận hành trình di chuyển của các tàu vận tải Nga, giới phân tích cho rằng vụ tai nạn rất có thể đã xảy ra ở Eo biển Manche (English Channel) hoặc trên biển Baltic, cả hai đều dẫn tới khả năng số tên lửa nếu bị đánh chìm sẽ rơi vào phạm vi lãnh thổ của các nước thành viên NATO.
Vì vậy, việc trục vớt được số tên lửa 40N6 bị chìm, dù chỉ một quả cũng sẽ trở thành "món quà" đặc biệt có giá trị với các lực lượng NATO. Kịch bản này hoàn toàn có khả năng xảy ra khi Mỹ vẫn thường xuyên duy trì tại các vùng biển trên một hạm đội tàu chuyên dụng cho nhiệm vụ trục vớt, chẳng hạn như tàu ngầm USS Jimmy Carter lớp Seawolf cải tiến.
Nếu Mỹ và các đồng minh NATO sở hữu được vũ khí này của Nga, họ có thể tìm được các giải pháp khắc chế một trong những dòng tên lửa đất đối không tầm xa uy lực nhất thế giới và nhất là khi S-400 đã từng được Moscow triển khai ở Syria hay Crimea đối phó với các máy bay chiến đấu phương Tây.
Do đó, khi Nga thông báo đã phá hủy toàn bộ số tên lửa định chuyển cho Trung Quốc, với mỗi quả trị giá hàng triệu USD, cũng là điều không quá khó giải thích. Có lẽ, Moscow thà tự tay phá hủy còn hơn để chúng rơi vào tay NATO với những rủi ro khó lường trước!
Hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga thực chiến