Sáng nay, trả lời trước toà với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan, ông Hoàng Công Tình - phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo BVĐK Hòa Bình cho biết, trước thời điểm xảy ra sự cố, bác sĩ Lương và hai bác sĩ Huyền – Linh đều có quyền ra y lệnh như nhau.
Ông Tình nói bác sĩ Huyền và bác sĩ Linh được đào tạo hồi sức cấp cứu và nội nói chung, không được đào tạo riêng về lọc máu. Theo ông Tình như thế là đã đủ điều kiện để ra y lệnh về lọc máu.
Trả lời câu hỏi tại sao có quyền ra y lệnh ngang nhau nhưng bác sĩ Lương lại phải ký vào y lệnh chạy thận do bác sĩ Phạm Thị Huyền đề nghị ký vào sáng 29/5/2017, ông Hoàng Công Tình cho rằng vì bác sĩ Lương có tuổi đời và tuổi nghề cao hơn hai bác sĩ còn lại nên ký để chia sẻ trách nhiệm.
"Trong ngành y, những người có kinh nghiệm cao hơn thường chia sẻ kinh nghiệm cho các bác sỹ có tuổi nghề ít hơn, có kinh nghiệm ít hơn. Bác sĩ Lương ký như vậy là để chia sẻ với 2 bác sĩ còn lại", ông Hoàng Công Tình nói.
Khi đại diện VKS hỏi lại về việc 2 bác sĩ Huyền, Linh không có ký chia sẻ với BS Lương mà chỉ có BS Lương ký chia sẻ, ông Tình giải thích không có quy định bác sĩ ký kèm vào y lệnh, chẳng qua bác sĩ Lương có kinh nghiệm cao hơn nên bác sĩ Huyền đề nghị ký vào y lệnh như một cách để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn.
Khi cùng ký vào y lệnh, 2 bác sĩ quyền và nghĩa vụ ngang nhau.
Tại phiên sáng nay, VKS còn muốn làm rõ về việc BS Huyền và BS Linh chưa có chứng chỉ lọc thận nhân tạo mà chỉ có chứng chỉ hành nghề hồi sức cấp cứu và nội khoa.
Theo quy định của Bộ Y tế, phải có chứng chỉ lọc máu mới được ra y lệnh chạy thận nhân tạo, nhưng ông Tình cho biết, căn cứ vào hướng dẫn trong quy trình chạy thận nhân tạo, BS chỉ cần có chứng chỉ HSCC và nội khoa và có 200 giờ học việc là có thể ra y lệnh lọc máu. Ông Tình cho biết chiều nay sẽ giao nộp văn bản hướng dẫn này.
Còn lại việc BS Huyền và BS Linh chưa được cấp chứng chỉ chạy thận nhân tạo nên BS Lương ký tên còn có ý nghĩa để thanh toán bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, ông Hoàng Công Tình cho biết: "Sau khi sự cố xảy ra 1 tháng, thì tôi nhận được bản phô tô về quyết định của ông Khiếu (bị cáo Hoàng Đình Khiếu - nguyên PGĐ bệnh viện) về quyết định giao cho quản lý máy móc, tôi không hiểu và quyết định đó và hiện nay tôi cũng chưa được chứng kiến tận mắt quyết định có dấu đỏ.
Tôi không được giao quản lý máy móc và toàn bộ khoa HSTC cũng như ĐN TNT không ai biết việc đó".
"Toàn bộ những lần bảo dưỡng sửa chữa RO không có một ngày nào phải dừng chạy thận để chờ kết quả xét nghiệm", ông Tình khẳng định.
Về Đề án 1816 chuyển giao kỹ thuật Thận nhân tạo giữa Bệnh viện Bạch Mai cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và khẳng định bản thân và bị cáo Khiếu không được đào tạo chạy thận.
"Xin lỗi, luật sư đánh giá tôi hơi thấp"
Luật sư Ngô Thị Thu Hằng hỏi đại diện Công ty Thiên Sơn về con số 315 trên Hợp đồng sửa chữa máy chạy thận mà BVĐK Hòa Bình ký với Công ty Thiên Sơn: con số đó là do Công ty Thiên Sơn cung cấp cho BV hay BV cung cấp?
Đại diện Thiên Sơn cho biết, công ty không biết đến sự việc ghi số 315 trên hợp đồng với BVĐK tỉnh Hòa Bình. Nếu có dùng số 315 hay con số 888 để hợp với phong thủy nếu trao đổi bằng miệng thì hoàn toàn hợp lý.
"Tôi không khẳng định đó là số của Thiên Sơn, nhưng nếu dùng số đẹp để lưu thì cũng hợp lý", đại diện Công ty Thiên Sơn nói.
Tại phiên tòa, ông Trương Quý Dương cũng khẳng định, ông không biết được việc TS giao lại việc sữa chữa máy chạy thận RO2 cho TA và việc TS cho người của công ty TA tới sửa, không báo với BV ông cũng không biết đúng hay sai. Ông Dương chưa từng nghe đến công ty TA, chỉ tới khi sự cố xảy ra mới biết đến Công ty Trâm Anh.
Luật sư Đinh Hương (đại diện Thiên Sơn) hỏi ông Dương rằng tư cách ký hợp đồng 315 là với Công ty Thiên Sơn hay cá nhân ông Tuấn (giám đốc Thiên Sơn), ông Dương nói: "Xin lỗi luật sư đánh giá tôi hơi thấp, tôi ký hợp đồng với tư cách pháp nhân đại diện cho BV. Bởi vì, tôi chỉ ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn chứ không ký với cá nhân ông Tuấn.
Là đại diện lãnh đạo bệnh viện tôi làm đúng theo pháp luật, còn cấp dưới tôi anh nào nhờ bị cáo Tuấn thì tôi không biết".