Phần bụng dưới của chiếc F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ bị hư hại nặng nề khi đạn bắn ra từ bệ pháo 25mm phát nổ ngay sau khi rời khỏi họng pháo gắn bên trong. Ảnh minh họa
Theo Drive, phần bụng dưới của chiếc F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ bị hư hại nặng nề khi đạn bắn ra từ bệ pháo 25mm phát nổ ngay sau khi rời khỏi họng pháo gắn bên trong. Vụ tai nạn xảy ra trên khu phức hợp dãy Yuma ở Arizona vào đầu tháng này. Tuy nhiên, phi công lái máy bay không những không bị thương mà còn có thể đưa máy bay trở về căn cứ an toàn.
Thông tin từ Military.com cho hay vụ việc xảy ra vào ngày 12/3, trong một cuộc huấn luyện hỗ trợ cận chiến trong đêm.
Hiện chưa xác định được chính xác chiếc F-35B này thuộc đơn vị nào nhưng có thể khẳng định vũ khí này thuộc đơn vị đóng tại Trạm không quân Yuma của Thủy quân lục chiến. Đây là nơi đóng quân của nhiều phi đội được trang bị F-35B, cũng như các máy bay khác.
"Vụ việc không gây thương tích tới quân nhân và một cuộc điều tra đang được tiến hành", đại diện thủy quân lục chiến cho hay. Quân đội Mỹ đồng thời phân loại sự cố mà F-35B gặp phải là thuộc "Loại A".
"Loại A" thường chỉ cấp độ nghiêm trọng nhất trong thang sự cố của quân đội Mỹ. Với các sự cố trên không, khái niệm này được định nghĩa là những vụ việc dẫn đến thiệt hại tài sản ít nhất 2,5 triệu USD, hoặc tổn thất toàn bộ của máy bay, hoặc 1 hay nhiều cá nhân thiệt mạng hoặc thương tật vĩnh viễn.
Chi tiết vụ việc như cách sự cố xảy ra, lỗi gây nên vụ việc hiện chưa được làm rõ. Có điều, biến thể F-35B thường mang pháo tự động loại GAU-22/A Gatling ở dưới bụng. Trong khi đó, ở F-35A vũ khí này thường được cài đặt nội bộ.
Cụm pháo GAU-22/A do tập đoàn General Dynamics phát triển, được bọc lớp vỏ bằng vật liệu composite và có hình dáng đặc biệt, nhằm giảm tối đa diện tích phản xạ radar (RCS), mang lại khả năng tàng hình giới hạn cho loại vũ khí này trước các hệ thống cảnh giới của đối phương.
Tuy nhiên, nó vẫn làm tăng đáng kể RCS của chiếc F-35B và chỉ được triển khai sau khi hệ thống phòng không đối phương đã bị vô hiệu hóa.
Các cuộc thử nghiệm bắn đạn thật đầu tiên của pháo đã diễn ra vào năm 2016.
Military.com đưa tin, loại đạn đặc biệt phát nổ bên dưới F-35B trong vụ việc này là PGU-32/B SAPHEI-T. Loại đạn phát nổ dường như là đạn bán xuyên giáp nổ mạnh với liều cháy và vạch đường (SAPHEI-T) PGU-32/B. Loại đạn này có ngòi trễ, được kích hoạt vài tích tắc sau khi đạn xuyên vào mục tiêu để gây thiệt hại tối đa bằng khối thuốc nổ mạnh và vật liệu cháy.
Và sự cố có thể bắt nguồn từ lỗi ngòi nổ, khiến quả đạn bị kích nổ sớm ngay khi rời nòng. Chưa rõ viên đạn được bắn theo lệnh phi công hay vô tình khai hỏa do sự cố vũ khí, giới chuyên gia nhận định.
Dù chưa biết chính xác, nhưng việc quả đạn nổ sớm chắc chắn có thể chỉ ra một sự cố nào đó với động cơ. Tất nhiên, các cuộc điều tra cũng có thể làm sáng tỏ những trục trặc khác dẫn đến sự cố sai lầm này.
Thế giới từng ghi nhận nhiều vụ xả súng vô tình mà máy bay gây ra. Hồi tháng 11/2020, khẩu pháo 30mm M230 trên máy bay AH-64D Apache của Quân đội Anh đã ngừng hoạt động trong quá trình bảo trì mặt đất sau sự cố vũ khí trên máy bay.
Trước đó, năm 2018, một khẩu pháo M61 Vulcan 20mm của máy bay chiến đấu F-16AM Viper của Bỉ cũng bất ngờ nhả đạn không kiểm soát. Vụ việc khiến một chiếc F-16AM khác bị phá hủy và một chiếc khác bị hư hại.
Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại chính xác với F-35B sau sự cố nhầm lẫn gần đây. Tuy nhiên, đây cũng là dịp thể hiện khả năng chịu đựng thiệt hại chiến đấu của máy bay phản lực. Việc chiếc máy bay phản lực đã có thể quay trở lại căn cứ sau khi quả đạn nổ tung là một minh chứng tuyệt vời về khả năng chịu đựng của vũ khí này.