Vì sao tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ cần được trang bị hệ thống pháo nòng xoay GAU-22/A?

Hồng Anh |

Hệ thống pháo nòng xoay GAU-22/A sẽ giúp mang lại lợi thế đáng kể cho tiêm kích F-35 trong cuộc cận chiến trên không và giúp máy bay này có cơ hội sống sót cao hơn.

Tiêm kích F-35. Ảnh: Forbes

Tiêm kích F-35. Ảnh: Forbes

Tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của tập đoàn Lockheed Martin được coi là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại nhất trên thế giới. Ngoài khả năng tàng hình, máy bay thế hệ thứ 5 này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Phiên bản F-35A tiêu chuẩn có 4 khoang vũ khí bên trong và 6 giá treo vũ khí trên cánh. Ở chế độ tàng hình, F-35 có thể mang 2,6 tấn vũ khí, nhưng khi bật chế độ “quái thú” có thể mang tới 10 tấn vũ khí.

F-35 có thể được trang bị nhiều loại tên lửa không đối không, trong đó có AIM-120AMRAAM, AIM-9X Sidewinder, AIM-132 ASRAMM và MBADA Meteor; tên lửa không đối đất như AGM-88G dựa trên nền tảng AARGM-ER, SPEAR 3 và tên lửa chống hạm AGM-158C LRASM.

Ngoài ra, chiến đấu cơ này còn được tích hợp JDAM - bom thông minh có bộ điều khiển quỹ đạo sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) gắn ở phần đuôi bom, bom MK77, bom chùm MK-20 Rockeye II, bom hạt nhân B61-12.

Trong các phiên bản của F-35, F-35A là phiên bản duy nhất được trang bị pháo 4 nòng xoay GAU-22/A cỡ 25mm với 180 viên đạn, ở bên trong. Các phiên bản F-35B và F-35C cũng có thể được trang bị khẩu pháo này, nhưng tùy vào nhiệm vụ được yêu cầu. Câu hỏi đặt ra là, mặc dù sở hữu các loại bom và tên lửa hiện đại, tại sao F-35 vẫn cần đến một khẩu pháo như vậy?

Mang lại lợi thế cho F-35

Câu hỏi này đã được trả lời trong tài liệu nghiên cứu của Đại tá Charles Moore- cựu chỉ huy Không đoàn 57 của không quân Mỹ, từng là quản lý của chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35.

Nghiên cứu có tên “Sự cần thiết của việc lắp đặt cố định hệ thống pháo trên máy bay chiến đấu F-35”, lưu ý rằng: “Việc duy trì một số loại vũ khí, chẳng hạn như hệ thống pháo bên trong, đã cho thấy tính khả thi và sự cần thiết, nếu chúng ta muốn những máy bay chiến đấu tương lai trở nên linh hoạt hơn để thực hiện các nhiệm vụ mà chúng ta yêu cầu”.

Song ông Charles Moore cũng cho rằng, việc thiết kế, lắp đặt và bảo trì hệ thống pháo như vậy chắc chắn sẽ làm phát sinh chi phí, trong khi đó, không gian và trọng lượng vẫn sẽ là những yếu tố cần phải xem xét khi chế tạo máy bay mới. Điều này lý giải tại sao chỉ có phiên bản F-35A được trang bị pháo trong thân.

Phiên bản F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) đòi hỏi phải có không gian cho hệ thống đẩy Liftfan, còn F-35C yêu cầu phải có trọng lượng nhẹ và không gian bên trong để thực hiện các nhiệm vụ tấn công tầm xa. Tuy nhiên, hai phiên bản này vẫn có thể được trang bị các khẩu pháo ở giá treo bên ngoài khi nhiệm vụ yêu cầu.

Hệ thống pháo GAU-22/A có tốc độ bắn lên đến 3.000 phát/phút, đạn rời nòng có vận tốc hơn 1 km/s. Do được thiết kế nằm trong thân máy bay, GAU-22/A sẽ giúp F-35A giữ được khả năng tàng hình cho đến khi khẩu pháo này được kích hoạt.

Yếu tố lịch sử

Bussiness Insider cho rằng có một nguyên nhân khác bắt nguồn từ lịch sử. Ngay cả khi máy bay chiến đấu hiện đại như F-35 có thể bắn trúng mục tiêu nằm cách xa vài dặm, các phi công vẫn muốn có thêm một khẩu pháo.

Điều này bắt nguồn từ bài học kinh nghiệm từ các cuộc chiến tranh trước đây. Tiêm kích F-4 Phantom II của McDonnell Douglas đời đầu được thiết kế không có hệ thống pháo bên trong. Ở thời điểm đó, từng có quan niệm cho rằng các tên lửa không đối không tầm xa như AIM-7 Sparrow sẽ khiến các cuộc không chiến tầm gần sớm đi vào dĩ vãng.

Tuy nhiên, khi các phi công Mỹ phải đối phó với tiêm kích MiG-19 và MiG-21 của Liên Xô, họ nhận ra rằng, việc sở hữu một số khẩu pháo trong một cuộc cận chiến trên không là vô cùng cần thiết. Kể từ đó, các mẫu Phantom II đời sau đã được trang bị các khẩu pháo tương ứng.

Bài học kinh nghiệm này vẫn được truyền cho đến ngày nay. Nếu máy bay chiến đấu của đối phương bay ở khoảng cách đủ gần để có thể sử dụng khẩu pháo của nó, thì F-35 đã có cách thức đáp trả hữu hiệu. Dù pháo GAU-22/A chỉ có 180 viên đạn bắn ở tầm ngắn, nhưng điều đó vẫn tạo ra sự khác biệt đáng kể về lợi thế và giúp F-35A có cơ hội sống sót cao hơn.

Theo ông Charles Moore: “Hệ thống pháo GAU-22/A là một hệ thống vũ khí nhỏ, có chi phí thấp và đáng tin cậy, mang đến những lợi thế mà nhiều hệ thống vũ khí khác không có được. Nếu không có hệ thống này, F-35 không chỉ đối mặt nguy cơ rủi ro cao hơn mà còn có thể gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ dự kiến sẽ phải triển khai vào cuối thế kỷ 21”.

Nhà phân tích này nhấn mạnh, dù hệ thống pháo GAU-22/A được xem như là lựa chọn cuối cùng – một vũ khí mà không phi công nào muốn phụ thuộc, nhưng chắc chắn nó sẽ phát huy tác dụng khi được sử dụng vào thời điểm thật sự cần thiết./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại