- Chuyên gia chỉ ra lưu ý cần nhớ khi vo gạo để không làm hao hụt quá nhiều dưỡng chất.
- Cách bổ sung chất dinh dưỡng trong bữa cơm.
Lý do cần phải vo gạo trước khi nấu
Gạo là thực phẩm cung cấp chất bột đường, vitamin và các khoáng chất, giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, gạo cũng chứa các loại vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, sắt, kẽm, omega 3 và chất xơ. Những dưỡng chất này tập trung nhiều nhất ở lớp ngoài của hạt gạo.
Ngoài ra, lớp vỏ cám ở quanh hạt gạo chứa rất nhiều xenlulo, có tác dụng thúc đẩy quá trình bài tiết cholesterol, làm giảm hàm lượng cholesterol có hại trong máu.
Trước nhiều ý kiến cho rằng không nên vo gạo trước khi nấu vì sẽ làm mất các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất có lợi cho cơ thể, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Chuyên gia công nghệ Thực phẩm cho hay: "Đúng là vo gạo có thể làm hao hụt chất dinh dưỡng do lớp vỏ ngoài của gạo (lớp cám) có chứa vitamin B1 và một số vitamin, khoáng chất khác. Khi vo gạo thì các vitamin này sẽ tan ra trong nước.
Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết của Việt Nam (nóng, ẩm) hạt gạo có thể dính bụi, bẩn, chứa mối, mọt… Do vậy, việc vo gạo là cần thiết để loại bỏ bụi bẩn và các tạp chất bám vào gạo trong quá trình xay xát hay trong quá trình bảo quản".
Theo chuyên gia việc vo gạo là cần thiết, tuy nhiên mọi người cũng không nên vo gạo quá kỹ, chắt hết các phần nước đục sẽ làm mất đi các dưỡng chất quan trọng của hạt gạo. Chuyên gia cho biết khi vo gạo mọi người không nên chà xát mạnh tay mà chỉ nên khuấy nhẹ nhàng, gạn nước để loại bỏ mọt, bụi bẩn, sạn…
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng mọi người chỉ nên vo gạo trong khoảng 30 giây là đã có thể loại bỏ các tạp chất có hại cho sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, vo gạo trước khi nấu cũng cũng giúp cơm khi chín dẻo dính hơn. Quá trình vo gạo có thể làm mất đi ít nhiều dưỡng chất nhưng khi xét toàn diện thì việc vo gạo mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc không vo gạo.
Một số lưu ý để bổ sung dinh dưỡng trong bữa cơm
Chuyên gia cho biết mọi người không nên quá chú trọng vào chất dinh dưỡng có trong cơm mà cần phải bổ sung cân bằng dinh dưỡng từ các nhóm thực phẩm khác nhau trong một bữa ăn.
Một bữa ăn cân đối cần cung cấp đủ 4 nhóm chất cho cơ thể, bao gồm nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả).
Theo các chuyên gia, bổ sung dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng mà cơ thể cần, giúp phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe, từ đó giúp tăng năng suất lao động và đảm bảo chất lượng cuộc sống.