Vợ chồng mù bán chổi đót ở Hà Nội: Câu chuyện mất đi ánh sáng và mối tình bền chặt 30 năm

Mộc Trà |

Người vợ đột nhiên mờ mắt sau một lần tắm gội, bà vĩnh viễn mất đi ánh sáng ở tuổi 22; người chồng sau 1 cơn sốt, mọi thứ dần phủ bằng một lớp "sương mù"...

Nên duyên từ câu lạc bộ dành cho người khiếm thị, vợ chồng ông Bùi Doãn Thụ (71 tuổi) và bà Trịnh Thị Mai (69 tuổi) cùng sống tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, đến nay đã có gần 40 năm cùng dắt tay nhau, nương tựa nhau. Câu chuyện tình của ông bà khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Hàng ngày ông Thụ mang chổi ra chợ, mắt ông chẳng còn nhìn thấy đường, cứ dò dẫm, đi từng đoạn đến khu chợ cách nhà 500m, đứng đó và bán chổi. Những chiếc chổi của ông được làm chỉn chu, cẩn thận, giá từng chiếc chỉ có 50.000 đồng. Phần vợ mình – bà Mai đã 3 năm nay, sức khoẻ yếu dần, nên chỉ ở nhà làm chổi, chuẩn bị cẩn thận hàng hoá cho chồng mình. Trước đó, 2 ông bà vẫn luôn dắt tay nhau đi bán hàng.

Vợ chồng mù bán chổi đót ở Hà Nội: Câu chuyện mất đi ánh sáng và mối tình bền chặt 30 năm - Ảnh 1.

Hàng ngày ông Thụ vẫn thường đứng trước cổng chợ Yên Phụ bán chổi và một số thứ khác.

Nắm tay nhau vui vẻ, ấy thế trong thâm tâm mỗi người đều có những câu chuyện chất chứa, nỗi buồn vì mất đi ánh sáng.

Nắm chặt tay vợ, ông Thụ kể, vốn sinh ra là đứa trẻ bình thường, năm lên 3 tuổi, ông Thụ mắc bệnh sởi. Sau khi khỏi bệnh, ông gặp di chứng hậu sởi (chạy hậu). Bệnh ông chuyển nặng dẫn đến đôi mắt ngày càng mờ đi. Ban đầu ông còn nhìn được mặt người qua lớp ‘màng sương’, sau đó là chỉ nhìn đường mờ mờ.

"Ngày đó nhà nghèo, lại còn đông anh em, bố mẹ chẳng thế mang tôi đi khám và điều trị. Cứ thế tôi dần mất đi ánh sáng. Qua từng năm, đôi mắt ngày càng ‘tệ’, nhưng vì lo cho các em đi học, tôi vẫn cứ phải làm việc, ngày gánh được vài gánh nước là chuyện bình thường", ông Thụ chia sẻ.

Rồi cứ thế, ông tập làm quen với việc mất đi thị lực. Lớn lên, ông tham gia Câu lạc bộ Khiếm thị, ở đó ông Thụ gặp bà Mai,  người con gái ở tuổi 22 mất đi ánh sáng đời mình.

Vợ chồng mù bán chổi đót ở Hà Nội: Câu chuyện mất đi ánh sáng và mối tình bền chặt 30 năm - Ảnh 2.

Hỏng mắt từ năm 3 tuổi, nhưng ông Thụ vẫn có thể nhìn mọi thứ mờ mờ. Nhưng khoảng 3 năm nay, ông đã không còn nhìn thấy gì.

Bà Mai tiếp lời, năm 22 tuổi, bà đi giữa trời nắng, đầu không đội mũ từ hợp tác xã dệt về nhà ở quận Hà Đông. Thấy nắng nóng, bứt rứt trong người, bà Mai liền gội đầu rồi đi ngủ, nhưng không ngờ tỉnh dậy bà bị sốt và hai mắt không thấy mọi thứ xung quanh. Căn bệnh của bà được gọi là Thiên đầu thống (Thiên đầu thống hay còn được gọi là bệnh glocom hoặc cườm nước. Bệnh thường xuất hiện ở đối tượng trung niên nhưng trẻ em và người trẻ tuổi vẫn có thể mắc bệnh. Ở bệnh nhân bị thiên đầu thống, áp lực trong mắt sẽ tăng lên, dẫn tới tổn hại dây thần kinh thị giác).

Lần đấy, bà Mai theo bố mẹ đi sơ tán, không kịp đến bệnh viện. Khi đến khám bác sĩ chẩn đoán bà đã bị liệt dây thần kinh số 7, võng mạc hỏng tận bên trong đáy mắt. Không tin điều đó là sự thật, bà Mai đi viện phẫu thuật 3-4 lần tại Bệnh viện Mắt Trung ương, nhưng cứ được vài ngày, mắt sáng ra sau đó lại bị bong võng mạc, không thể cứu vãn tình hình.

Vợ chồng mù bán chổi đót ở Hà Nội: Câu chuyện mất đi ánh sáng và mối tình bền chặt 30 năm - Ảnh 3.

Ở tuổi đẹp nhất người con gái, bà Mai mất đi ánh sáng.

"Mất hơn 1 năm tôi mặc cảm, tự ti không giao tiếp với ai. 22 tuổi, tuổi đẹp nhất của người con gái, ‘cửa sổ tâm hồn’ bị khép chặt, tinh thần suy sụp vì không còn hy vọng gì nữa", bà Mai nhớ lại.

Dần chấp nhận sự thật, vì cứ chán nản, ở nhà thì càng trì trệ, cũng không giải quyết được vấn đề gì. Bà Mai tập làm quen với mọi thứ, tập dò dẫm với mọi thứ xung quanh. Rồi nhờ người quen giới thiệu, bà biết đến Câu lạc bộ người khiếm thị, gặp nhiều người cùng hoàn cảnh, bà cũng dần với đi nỗi mặc cảm.

Thấy đôi bên cùng hoàn cảnh, đồng cảm với số phận của nhau, 2 ông bà kết duyên vợ chồng sau 4-5 năm tìm hiểu và sinh hoạt cùng câu lạc bộ với nhau.

Nhưng để đến được với nhau, ông bà đã trải qua khá nhiều thử thách từ bố mẹ 2 bên. Vì bố mẹ bà Mai không đồng ý cho con gái lấy người , 2 vợ chồng mù sẽ rất khó khăn. Nhưng bằng sự quyết tâm và tấm chân tình của ông Thụ, cuối cùng bố mẹ bà Mai cũng đồng ý cho 2 người kết duyên.

Vợ chồng mù bán chổi đót ở Hà Nội: Câu chuyện mất đi ánh sáng và mối tình bền chặt 30 năm - Ảnh 4.

Dẫu vậy ông bà đã cùng nhau trải qua những năm tháng khó khăn ấy.

Đám cưới giản đơn vào năm 1983, rước dâu bằng xe buýt, ấy vậy 2 ông bà đã trải qua gần 40 năm bên nhau, cùng nhau có một cô con gái năm nay đã hơn 30 tuổi. 

Nói về chồng mình, bà Mai tâm sự: "Trong thâm tâm, tôi hình dung người yêu khoẻ mạnh, hiền lành và chịu khó, lại xuất thân từ gia đình nề nếp nên tôi an tâm trao thân gửi phận. Hơn nữa, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều vợ chồng khiếm thị đến với nhau cũng hạnh phúc. Nên tôi có phần nào an tâm hơn".

Đến giờ, dù cả 2 đã gần 70 tuổi, nhưng ông bà vẫn xưng hô "Anh-em" rất tình cảm. Hai ông bà trải qua vô vàn khó khăn, nhưng cuối cùng đến hiện tại, dù cuộc sống không dư giả, nhưng được sống cùng nhau, làm việc cùng nhau đã là một hạnh phúc.

Các nguyên nhân gây khiếm thị thường gặp

- Các bệnh mắt bẩm sinh hoặc di truyền như đục thể thủy tinh bẩm sinh, glocom bẩm sinh, rung giật nhãn cầu bẩm sinh, thoái hóa sắc tố võng mạc, thoái hóa hoàng điểm bẩm sinh, nhãn cầu nhỏ, củng mạc hóa giác mạc...

- Một số bệnh toàn thân bẩm sinh hoặc di truyền: bạch tạng, Rubella bẩm sinh, bệnh võng mạc trẻ đẻ non.

- Nhóm bệnh liên quan đến tật khúc xạ cao: cận thị thoái hóa, viễn thị nặng, loạn thị...

- Nhóm bệnh lý liên quan đến tổn thương thần kinh thị giác: teo gai thị, glocom...

- Một số di chứng sau các bệnh về mắt: sẹo đục giác mạc sau chấn thương, bỏng mắt, viêm màng bồ đào, bong võng mạc...

- Nhóm bệnh lý đáy mắt liên quan tuổi già: thoái hóa hoàng điểm tuổi già, đục thủy tinh thể...

- Nhóm bệnh lý đáy mắt liên quan bệnh toàn thân: bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh võng mạc do tăng huyết áp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại