Mùa viêm tai giữa
Chị Bảo Anh (ở Lạng Sơn) có con nhỏ chia sẻ: "Suốt gần 01 tháng con trai Thành Vinh (13 tháng tuổi) của mình được đưa chạy vòng quanh khắp các phòng khám, bệnh viện với chẩn đoán viêm tai giữa (VTG) cấp, uống hết loại kháng sinh này đến loại kháng sinh khác mà cậu nhóc không khỏi, 2 vợ chồng thực sự khủng hoảng và lâm vào bế tắc".
VTG cấp, là tình trạng nhiễm trùng tại tai giữa, VTG thường xuất hiện sau viêm nhiễm hô hấp trên (mũi họng), vi khuẩn, virus xâm nhập vào đường hô hấp trên lan lên tai qua vòi nhĩ (ống nối thông giữa mũi họng và tai giữa), chúng phát triển trong tai giữa dẫn đến các triệu chứng của viêm tai giữa cấp.
VTG cấp thường gặp ở trẻ em (6 đến 18 tháng tuổi) lý do phổ biến nhất để sử dụng kháng sinh. (theo nghiên cứu của khoa Nhi Đại Học Y Colorado Mĩ ở lứa tuổi 0 đến 4 có 53% các đơn thuốc kháng sinh được kê với chẩn đoán VTG cấp).
Ảnh minh hoạ
Trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ sơ sinh) với VTG cấp có thể có các triệu chứng, dấu hiệu không rõ ràng: Sốt, khó chịu - quấy khóc, ngủ không yên giấc, ăn uống kém, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy và thậm chí là đau mắt đỏ (Trong nghiên cứu Nhi khoa ở thành phố Bardstown, Bang Kentucky Hoa Kỳ trong 250 trẻ bị đau mắt đỏ có tới 97 trẻ bị VTG cấp, chiếm tới 39% ).
Đau tai là triệu chứng đáng tin cậy cho dự báo một chẩn đoán viêm tai giữa cấp (Theo nghiên cứu của Khoa Nhi, Đại học Oulu, Phần Lan. 71% được chẩn đoán chính xác dựa trên triệu chứng đau tai ).
Chuyên gia tai mũi họng chỉ ra ba sai lầm
Thứ nhất: Chẩn đoán chưa đúng bệnh.
Việc chẩn đoán xác định một VTG cấp cần được xác định bởi một bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng giàu kinh nghiệm.
Các bác sĩ sẽ nội soi Tai và kết luận VTG cấp khi thấy các triệu chứng sau: Một màng nhĩ phồng và có dịch ở bên trong tai giữa, hoặc tình trạng chảy mủ ở tai (do thủng màng nhĩ), màng nhĩ xung huyết kèm theo các triệu chứng cấp tính (đau tai, sốt…).
Trong nhiều trường hợp màng nhĩ xung huyết đỏ không kèm theo triệu chứng của đợt cấp chỉ có 15% giá trị để chẩn đoán một VTG cấp.
Thứ hai: Không điều trị triệt để cho một đợt bệnh VTG cấp
Khi đã được chẩn đoán xác định VTG cấp, bạn cần phối hợp với bác sĩ để kiên trì đi đến cuối phác đồ điều trị. Thông thường sau khi bắt đầu điều trị khoảng 03 ngày triệu chứng sẽ cải thiện rõ (trẻ đỡ đau tai, đỡ quấy khóc, ngủ ngon giấc….) tuy nhiên mầm bệnh gây VTG cấp sẽ chưa bị tiêu diệt hết.
Theo cập nhật mới nhất (uptodate 2018) trẻ dưới 2 tuổi cần ít nhất 10 ngày, trẻ trên 2 tuổi cần ít nhất 5 đến 7 ngày để xác định hiệu quả của một đợt điều trị VTG cấp.
VTG cấp tái phát được xác định bởi sự phát triển trở lại của các dấu hiệu hoặc triệu chứng của VTG cấp trong vòng 30 ngày sau khi hoàn thành điều trị thành công. Khi tái phát xảy ra trong vòng 15 ngày sau khi hoàn thành điều trị cho đợt điều trị trước đó, điều này thường xảy ra do tồn tại mầm bệnh của đợt điều trị trước đó.
Bé Thành Vinh 13 tháng tuổi bị viêm tai giữa mãi không khỏi
Cho dù có dùng kháng sinh hay không dùng kháng sinh, sự tồn tại của dịch ứ đọng trong tai giữa sau khi giải quyết các triệu chứng cấp tính là phổ biến. Sau 02 tuần 70% vẫn còn dịch trong tai giữa, sau 01 tháng 40% vẫn còn dịch trong tai giữa, sau 02 tháng 20% vẫn còn dịch trong tai giữa, sau 03 tháng 10%vẫn còn dịch trong tai giữa.
Thứ ba: Tiếp nhận thông tin chưa có chọn lọc, chậm đưa trẻ tới bác sĩ
Việc tiếp nhận thông tin không cặn kẽ dẫn tới việc các bậc cha mẹ tự ý giữ trẻ ở nhà để theo dõi, cho đến khi đứa trẻ bị nặng mới đưa đi khám, điều nay gây khó khăn và làm phức tạp quá trình điều trị VTG cấp.
"Chờ" hay "quan sát ban đầu" trong điều trị VTG cấp được lựa chọn khi người chăm sóc hiểu được lợi ích và rủi ro của lựa chọn này. Trong quá trình "quan sát ban đầu" (thường từ 01 đến 03 ngày) cần được đánh giá và kiểm soát liên tục bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
Hiện nay, việc "chờ" trong điều trị VTG cấp có thể áp dụng: ở những trẻ trên 6 tháng đến 02 tuổi với chẩn đoán VTG cấp 1 bên với các triệu chứng nhẹ (đau tai ít dưới 48h, sốt dưới 39 độ).
Với những trẻ trên 2 tuổi (không có suy giảm miễn dịch, không có bất thường về sọ mặt) với các triệu chứng nhẹ, không có chảy dịch tai (không thủng màng nhĩ) quan sát ban đầu có thể phù hợp nếu cha mẹ (người chăm sóc) có thể hiểu rõ được lợi ích và tác hại của vấn đề này.
Lời khuyên cho các bậc cha mẹ khi con bị mắc VTG cấp
Hãy lựa chọn cho con mình 1 bác sĩ phù hợp và kiên trì điều trị hết phác đồ bác sĩ đưa ra.
Chia sẻ với bác sĩ thật kỹ trước khi lựa chọn phương án điều trị cho con mình. Cân nhắc mặt lợi ích và tác hại của mỗi phương pháp điều trị.