Vì sao tiêm kích “đại bàng bất bại” F-15EX “tái xuất”?

Lê Ngọc |

Lý do gì khiến “đại bàng bất bại” F-15EX được Không quân Mỹ dự kiến đặt hàng một số lượng lớn sau gần 20 năm “ẩn tích”?

Thiết kế tối ưu, tính năng hoàn hảo

Ngày 26/6/1972, nguyên mẫu F-15 đầu tiên - F-15A-1-MC (71-0280) - được xuất xưởng tại nhà máy St. Louis của McAir (về sau, sáp nhập vào Boeing) - kết quả của dự án chế tạo máy bay tiêm kích 1 chỗ ngồi có trọng lượng cất cánh tối đa 18.000kg, tốc độ lớn nhất Mach 2,5 và tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng gần 1:1 để đảm trách vai trò không chiến - đối trọng với tiêm kích MiG-21 và tiêm kích đánh chặn MiG-25 của Liên Xô.

Tiêm kích F-15 được đưa vào sản xuất loạt năm 2003 có thiết kế thân kiểu nửa liền (semi-monocoque fuselage) bằng kim loại với vai đỡ cánh lớn và cánh chính có diện tích rộng; cánh đuôi đứng được làm từ nhôm (Al) và composite với cấu trúc tổ ong, bên ngoài làm bằng hợp kim từ các nguyên tố sắt (Fe) và boron (B).

F-15 có 1 phanh gió gắn trên lưng và càng đáp 3 bánh có thể thu vào trong thân, được trang bị 2 động cơ turbine phản lực Pratt & Whitney F100, cửa lấy khí có tấm trượt chỉnh dòng khí (intake ramp) để tạo sóng xung kích giúp máy bay đạt tốc độ siêu âm.

Buồng lái được đặt cao trên thân máy bay phía trước với 1 kính chắn gió hình vòm lớn giúp tăng trường nhìn cho phi công. Khung máy bay làm từ hợp kim titanium (Ti) siêu bền.

Khả năng cơ động của F-15 có được nhờ tải trọng thấp của cánh với tỷ lệ cao giữa lực đẩy và trọng lượng, cho phép máy bay rẽ gắt mà không bị mất tốc độ khi bay, có thể đạt trần bay 10.000m trong khoảng 60 giây, có khả năng tăng tốc khi bay thẳng đứng.

Vì sao tiêm kích “đại bàng bất bại” F-15EX “tái xuất”? - Ảnh 1.

Chức năng số 1 của F-15 là không chiến; Nguồn: flightglobal.com

Tất cả các phiên bản F-15 đều được trang bị 1 khẩu pháo nòng xoay 20mm M61 Vulcan với cơ số đạn 940 viên. Tùy theo chức năng và nhiệm vụ, các phiên bản A/B/C/D chỉ mang các loại vũ khí dùng để không chiến, bao gồm: tên lửa không đối không, 3 thùng nhiên liệu phụ 2.300l.

Phiên bản F-15E có 13 giá treo vũ khí với tải trọng vũ khí là 10.400kg bao gồm: tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, tên lửa chống hạm, bom dẫn đường các loại, bom không dẫn đường các loại, bom hạt nhân (5 quả B61).F-15A và F-15C là các biến thể 1 chỗ ngồi; F-15B và F-15D - 2 chỗ ngồi dùng để huấn luyện. F-15E là phiên bản đa năng với ghế thứ 2 dành cho phi công-hoa tiêu.

Về tổng thể, F-15 Eagle (Đại bàng) là máy bay tiêm kích chiến thuật hai động cơ hoạt động trong mọi thời tiết, được thiết kế để chiếm lĩnh và duy trì ưu thế trên không.

Phiên bản cải tiến F-15E Strike Eagle (Đại bàng tấn công) là máy bay tiêm kích kết hợp cường kích hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết được đưa vào hoạt động từ năm 1989; F-15EX được phát triển từ phiên bản F-15QA (dành cho không quân Qatar) - mẫu F-15 hiện đại nhất.

Vì sao tiêm kích “đại bàng bất bại” F-15EX “tái xuất”? - Ảnh 3.

F-15E là máy bay tiêm-cường kích kết hợp; Nguồn: boeing.com


CV hoành tráng

Các phiên bản F-15A/B đã được Israel sử dụng trong chiến dịch Thung lũng Bekaa, chiến tranh Liban.

Các phiên bản F-15C/D/E đã được triển khai tại Vịnh Persic trong Chiến dịch Khiên sa mạc để đối phó với cuộc xâm lược Kuwait của Iraq tháng 8/1990; hỗ trợ cho Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, chiến dịch Cáo sa mạc năm 1998 - khi chúng đã lập được tổng cộng 36 tới 39 chiến công trong không chiến.

F-15E chủ yếu hoạt động ban đêm để săn lùng các bệ phóng tên lửa Scud và các trận địa pháo bằng hệ thống Lantirn.

Các F-15 cũng được triển khai để hỗ trợ chiến dịch Giám sát phía Nam, tuần tra Vùng cấm bay ở Nam Iraq; chiến dịch Provide Comfort tại Thổ Nhĩ Kỳ; các chiến dịch của NATO tại Bosnia, Afganistan; chiến dịch Bình minh Odyssey ở Lybia; chiến dịch Giải quyết Kế thừa chống IS ở Syria và Iraq và các cuộc triển khai lực lượng viễn chinh của không quân gần đây.

Từ tháng 1/1984 tới tháng 9/1986, một chiếc F-15A đã được dùng làm bệ phóng cho tên lửa chống vệ tinh ASM-135 và tiêu diệt thành công một vệ tinh viễn thông đã ngừng hoạt động trên quỹ đạo 555km.

Tới năm 2005, theo tuyên bố của không quân các nước, F-15A/B/C/D là "đại bàng bất bại" - chưa từng bị đối thủ nào bắn hạ trong không chiến, trong khi nó đã hạ hàng trăm máy bay chiến đấu các loại từ những máy bay không người lái cho tới các chiến đấu cơ tối tân như MiG-25, MiG-29 (ngoại trừ trường hợp 1 chiếc F-15J của Nhật Bản bắn rơi một chiếc F-15J khác năm 1995 vì 1 tên lửa AIM-9 Sidewinder hoạt động không chuẩn xác trong một cuộc huấn luyện sử dụng đạn thật).

Vì sao tiêm kích “đại bàng bất bại” F-15EX “tái xuất”? - Ảnh 5.

Dòng F-15 từng có lịch sử tham chiến rất ấn tượng; Nguồn: airman.dodlive.mil


Tuy nhiên, đáng nói, Không quân Israel xác nhận có ít nhất 1 chiếc F-15 bị hư hại do trúng tên lửa từ MiG-21 ngày 9/6/1982 - quả tên lửa đã phá tan 1 động cơ của chiếc F-15 nhưng nó vẫn cố hạ cánh về sân bay bằng động cơ còn lại trước khi bị ngọn lửa bao trùm.

Không quân Syria tuyên bố đã bắn hạ của Israel 1 chiếc F-15 bằng MiG-25 của họ vào ngày 29/7/1981; 3 chiếc F-15 bằng MiG-23 và 2 chiếc khác bằng MiG-21 vào năm 1982.

Vì sao “tái xuất”?

Theo nhiều nguồn tin, sau gần 20 năm, Không quân Mỹ dự kiến trong tương lai gần sẽ đặt hàng tổng cộng khoảng 200 chiến đấu cơ F-15EX, 8 trong số đó sẽ được nhận vào năm tới.

Trong ngân sách tài khóa 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu 1,1 tỷ USD để mua 8 trong tổng số kế hoạch mua sắm 144 chiếc F-15EX để thay thế 240 chiếc F-15C/D. USAF đã chọn F-15EX để duy trì quy mô của lực lượng máy bay chiến đấu do việc chấm dứt sản xuất tiêm kích F-22 sớm, F-15C cũ kỹ…

Bộ trưởng Không quân Mỹ từng tiết lộ, phi đội F-15C không thể hoạt động tới thập niên 2030 do hàng loạt vấn đề nghiêm trọng với khung thân, đặc biệt là hiện tượng mỏi kim loại dọc hai bên sườn máy bay.

Mặc dù dự kiến sẽ không thể sống sót trước các phương tiện phòng không hiện đại vào năm 2028, F-15EX có thể phục vụ trong các vai trò khác nhau như phòng thủ trên không và không chiến, thực hiện chức năng đánh chặn như tuần tra biên giới trên không, thực thi các khu vực cấm bay, chống lại các hệ thống phòng không hạn chế, và cung cấp đạn dược.

Theo giới chuyên gia, USAF đã quyết định mua khẩn cấp một lượng lớn máy bay chiến đấu F-15EX do khả năng cơ động vượt xa F-35 và có cấp độ rất gần với Su-57 của Nga.

Vì sao tiêm kích “đại bàng bất bại” F-15EX “tái xuất”? - Ảnh 6.

F-15EX vượt qua nhiều đối thủ để được “tái xuất”; Nguồn: flugrevue.de


Điều này chủ yếu là do tốc độ và khả năng cơ động F-15EX cao hơn đáng kể so với F-35, thậm chí còn vượt cả F-22. Điểm mạnh khác của tiêm kích F-15EX đó là khung thân của nó được gia cố cho thời hạn sử dụng lên tới 12.000 giờ bay, mang được trên 10 tấn vũ khí với tối đa 24 quả tên lửa không đối không các loại.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự lại hướng sự chú ý đến một thực tế quan trọng là F-15EX không có công nghệ tàng hình triệt để mà nó chỉ bổ sung khoang vũ khí nhằm giảm diện tích phản xạ radar mà thôi.

Hệ thống phòng không S-400 Nga có thể phát hiện chiếc F-35 ở khoảng cách 32km, nhưng nó có thể phát hiện được chiếc F-15EX ở cự ly 200km.

Trang National Interest cho rằng, dòng chiến đấu cơ này đủ mạnh và linh hoạt để có thể đối đầu với Su-57 của Nga mà không cần dùng đến tiêm kích tàng hình F-22 hay F-35 tối tân hơn vì Su-57 vẫn có thể bị phát hiện trong vùng quang phổ hồng ngoại sóng dài.

Lockheed Martin đang phát triển thiết bị cảm biến đa chức năng Legion pod và hệ thống cảm biến hồng ngoại cho phép F-15EX phát hiện và theo dõi địch ở khoảng cách xa với độ chính xác cao. Sau khi phát hiện Su-57, phi công F-15EX có đủ thời gian để phóng tên lửa tầm xa Raytheon AIM-120D

Cũng theo trang này, trong khi một chiếc F-35 có thể mang 10 tấn vũ khí ở độ cao 15km và khoảng cách 1.000km với tốc độ tối đa Mach 1.6, F-15EX có thể mang 14 tấn vũ khí ở độ cao 18km và xa 1.800km với tốc độ tối đa Mach 2,5.

Giới chức quân sự Mỹ tự tin cho biết, tiêm kích F-15EX là chiến đấu cơ thế hệ 4,5 tốt nhất thế giới, nó vượt trội khi đặt cạnh chiếc Su-35S của Nga.

Với khoảng 270kg dầu mang thêm ở thùng phụ ngoài để F-15EX giúp có thể bay thêm 4.800km, trang Popular Mechanics nhấn mạnh, nó có thể bay xuyên đại dương bất cứ lúc nào.

Theo trang này, F-15 Eagle được trang bị radar AN/APG-63 để theo dõi máy bay địch ở khoảng cách lên đến 322km, với một bộ xử lý hệ thống lập trình, cho phép cập nhật hệ thống mà không cần phải thay thế phần cứng.

Theo National Interest, USAF đang phát triển chiến thuật mới cho bộ đôi F-15EX và F-22 Raptors, F-15EX và F-35 nhằm phát huy thế mạnh của mỗi dòng.

F-15 với các radar mạnh hơn và tải trọng tên lửa nặng hơn sẽ bay phía sau những chiếc F-22 và F-35 tàng hình xâm nhập lãnh thổ đối phương, giúp phát hiện cũng như tấn công các mục tiêu mà F-22 bỏ lỡ hoặc F-35 phát hiện được và những chiếc F-15EX được tích hợp tên lửa siêu thanh đang được nghĩ đến.

Vì sao tiêm kích “đại bàng bất bại” F-15EX “tái xuất”? - Ảnh 8.

Chiến thắng trong không chiến phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Nguồn: airforcemag.com


Giới phân tích cho rằng, F-15EX sẽ dễ dàng bị Su-57 phát hiện một cách nhanh chóng và tiêu diệt nó ở khoảng cách tối đa có thể bằng các loại tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn. Mặc dù vậy, nếu nói về không chiến thì nhiều người tin rằng F-15EX vẫn là một đối thủ rất xứng đáng của tiêm kích tàng hình Nga.

Với radar mảng pha quét điện tử chủ động cực mạnh cùng nhiều hệ thống tác chiến điện tử tinh vi mang theo, F-15EX có thể không để Su-57 “qua mặt” trong không chiến ngoài tầm nhìn.

Còn trong trường hợp đối đầu ở cự ly gần, máy tính quản lý bay với bộ vi xử lý cực nhanh giúp F-15EX có lợi thế, khiến Su-57 chưa chắc "ăn" nổi nó.

Một chi tiết nữa là F-15EX có thể sử dụng các loại tên lửa không chiến tầm ngắn có chức năng "khóa mục tiêu sau khi phóng" với đầu dò và cảm biến cho phép tác chiến 360 độ - công nghệ hiện Nga chưa có.

Yếu tố cuối cùng cần nhắc đến là chi phí sản xuất F-15EX rẻ hơn F-22 rất nhiều vì dây chuyền chế tạo F-15 vẫn đang hoạt động chứ chưa bị đóng cửa như trường hợp F-22, thấp hơn con số khoảng 95 triệu USD của F-35A vào thời điểm hiện nay và có thể còn giảm trong tương lai (theo một nguồn tin khác, với mức giá dự kiến dưới 80 triệu USD/chiếc, F-15EX có giá gần bằng F-35 hiện nay - chi phí sản xuất của F-35 đã giảm dần), nhưng duy trì F-15 rẻ hơn máy bay chiến đấu với lớp phủ tàng hình đòi hỏi phải xử lý đặc biệt.

Hiệp hội Không quân ước tính, chi phí bay F-35A ở mức 35.000 USD/h; F-15EX - 27.000 USD/h. Với những lợi thế trên, không khó hiểu vì sao Mỹ vẫn đặt niềm tin vào phiên bản nâng cấp của "Đại bàng bất khả chiến bại" F-15 Eagle.

Hiện ngoài Mỹ, Đức và Israel cũng tỏ ý có nhu cầu phiên bản mới nhất F-15EX. Giới quan sát dự báo, dù có F-35 nhưng với tải trọng vũ khí lớn cùng kinh nghiệm thực chiến, F-15 vẫn sẽ là dòng chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Mỹ trong nhiều thập kỷ nữa.

Tuy vậy, thực tiễn đã chứng minh, chiến thắng trong một trận không chiến không chỉ phụ thuộc vào máy bay và các vũ khí, thiết bị nó được tích hợp, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đó là, trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh của phi công, chiến thuật, hiệp đồng chiến đấu cũng như công tác đảm bảo kỹ thuật và các điều kiện thời tiết...

Hãy xem, một khi chạm trán, mèo nào sẽ cắn cổ mỉu nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại