Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran năm 2015, Israel, đồng minh thân cận với Hoa Kỳ và là kẻ thù lâu đời của Tehran đã ngay lập tức phát động tấn công nhằm vào người Iran trên lãnh thổ Syria khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, trong đó có 8 người mang quốc tịch Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Cuộc chiến Israel- Iran tại Syria
Các báo cáo về cuộc tấn công của Israel vào một kho vũ khí và căn cứ quân sự tại thị trấn Kisweh, phía Nam Damascus, Syria vào rạng sáng ngày 9/5 (giờ Việt Nam) đã xuất hiện sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Dù Isreal chưa công khai lên tiếng, nhưng một nguồn tin từ sân bay Beirut (của Lebanon) tiết lộ, các máy bay chiến đấu của Israel đã xuất hiện tại không phận Lebanon vào thời điểm Kisweh bị tấn công.
Tiếp theo đó, rạng sáng 10/5, các cuộc tấn công qua lại từ Israel và lực lượng Iran tại Syria đã được báo cáo, trong đó, lá chắn phòng thủ tên lửa của Israel được kích hoạt để chặn 20 tên lửa của lực lượng Quds của Iran còn hệ thống phòng thủ tên lửa tại Damascus đã chặn hàng chục tên lửa của Israel.
Một số tên lửa Israel đã vượt qua được hệ thống phòng thủ và phá hủy một khu radar gần thủ đô của Syria.
Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến giữa hai cường quốc trong khu vực sẽ tiếp diễn trên lãnh thổ Syria, không sớm thì muộn. Các vụ tấn công này mới chỉ là khởi đầu cho một cuộc chiến mới tại Trung Đông.
Binh lính Israel ở Cao nguyên Golan ngày 10/5
Từ lâu, việc Tổng thống Trump phản đối thỏa thuận hạt nhân và điều này luôn được Israel chào đón đã làm dấy lên những nỗi lo sợ về sự bùng nổ xung đột khu vực có thể xảy ra.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng thỏa thuận JPCOA không thể ngăn chặn nổi việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ chương trình phát triển hạt nhân của Iran, đặc biệt là chương trình làm giàu Uranium.
Trong khi đó, Iran và đồng minh của nước này - tổ chức vũ trang Hezbollah tại Lebanon, đã giúp quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đánh bại các phiến quân nổi dậy và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm.
Iran cũng trang bị vũ khí và huấn luyện hàng ngàn chiến binh Hồi giáo dòng Shi’ite để chiến đấu giúp chính phủ Syria. Israel cho rằng Iran đã tuyển mộ ít nhất 80.000 chiến binh Shi’ite.
Việc Tehran ngày càng tăng sự ảnh hưởng ở Syria đã khiến Israel không thể ngồi yên trước mối đe dọa này. Israel cho rằng Tehran đang tham vọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự, gồm các căn cứ quân sự lâu dài, được điều hành bởi tổ chức Hezbollah cũng như các chiến binh Hồi giáo Shi’ite. Điều này sẽ đe dọa trực tiếp tới biên giới phía Bắc của Israel.
Israel lo ngại rằng nếu thỏa thuận hạt nhân bị đổ vỡ, Iran sẽ có ít động cơ ngăn các đồng minh Shi’ite tại Syria thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Israel, đồng thời có thể sẽ gây sức ép lên Hezbollah để cô lập đối thủ.
Hiện, cuộc đối đầu giữa Israel và Iran có thể vẫn còn hạn chế bởi chiến sự Syria còn có sự góp mặt của nhiều quốc gia khác trong đó có Nga, một đồng minh khác của ông Assad.
Tuy nhiên, sau khi gặp Tổng thống Putin tại Moscow, nhà lãnh đạo Israel Netanyahu nói rằng, “dường như” Nga không hạn chế các hành động quân sự của Israel tại Syria. Đồng thời cho biết, Israel đã thông báo trước với Nga về các cuộc tấn công thông qua các kênh liên lạc quân sự riêng.
Nguyên nhân mối thâm thù Israel - Iran
Người Iran biểu tình đòi xóa sổ Israel khỏi bản đồ thế giới
Sự hiện diện của Iran ở Syria đã khiến Tehran lần đầu tiên xung đột trực diện với Israel trong nhiều năm trở lại đây với một loạt những vụ va chạm lớn trong những tháng vừa qua.
Giới chức Israel nói họ sẽ không bao giờ cho phép Tehran hay Hezbollah thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở nước láng giềng Syria.
Theo các báo cáo tình báo, Iran đang giúp đỡ Hezbollah xây dựng các công xưởng để sản xuất các tên lửa dẫn đường chính xác và trang bị thêm cho các tên lửa tầm xa với hệ thống dẫn đường tinh vi. Vì thế, Israel không thể để lặp lại sai lầm trong quá khứ - vì đã để Hezbollah phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay.
Lược lại lịch sử quan hệ Iran – Israel có thể thấy hai quốc gia này từ là bạn rồi trở thành thù địch, sau đó lại quay lại hợp tác và rồi lại rơi vào thế muốn “xóa sổ” nhau.
Vào những năm đầu sau Thế chiến thứ hai, Israel bắt tay với Iran để chống lại liên quân Arab còn Tehran cũng coi Tel Aviv là đối tác chính trị quan trọng để cân bằng với các láng giềng Arab xung quanh.
Vào thời điểm “cực thịnh” của mối quan hệ ngoại giao hai nước, Iran cung cấp 80% lượng dầu mỏ Israel tiêu thụ còn Tel Aviv cung cấp cho Tehran nhiều chuyên gia nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, giúp Iran xây dựng và đào tạo lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, sau khi cuộc cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran năm 1979, Lãnh tụ tinh thần Iran Ayatollah Khomeini chỉ trích sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ của người Palestines và chấm dứt mọi thỏa thuận hợp tác với nhà nước Do Thái.
Hai nước có thời gian hòa dịu ngắn trong giai đoạn Chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988), do Tel Aviv coi cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein là mối đe dọa với nhà nước Do Thái lớn hơn so với Tehran, Israel đã bí mật cung cấp vũ khí cho Iran.
Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, mối quan hệ giữa Tehran và Tel Aviv lại xấu đi nhanh chóng.
Với tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong cộng đồng Arab, Iran nhiều lần công kích Israel vì đã chiếm lãnh thổ của người Palestine và tuyên bố "nhà nước Do Thái cần phải bị xóa sổ".
Còn Israel lo ngại chương trình hạt nhân của Iran và sẵn sàng tham gia mọi nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Tehran tại khu vực.