Một binh sĩ Ukraine cài đặt tên lửa Javelin mà Mỹ cấp tại tiền tuyến ngày 20/5. Ảnh: Getty Images
Trả lời phỏng vấn báo Mỹ Politico, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong một ngày, Ukraine chỉ có khả năng bắn từ 5.000 đến 6.000 đạn pháo.
Điều này có nghĩa là 36.000 viên đạn pháo mà Mỹ gửi đến Ukraine trong gói viện trợ mới nhất sẽ chỉ giúp Kiev chống chọi trong 1 tuần. Trong khi đó, lượng pháo mà Nga bắn mỗi ngày cao gấp đôi so với Ukraine.
“Không có một vùng đất nào tại Ukraine an toàn ngay lúc này cả. Không có khu vực chưa bị rocket đánh trúng”, Thứ trưởng Maliar cho hay.
Mặc dù tốc độ có phần chậm lại song lực lượng Nga đã bắt đầu dần giành được một số kết quả nhất định tại vùng Donbass miền Đông Ukraine.
Theo bà Maliar, Nga đang áp đảo Ukraine về số lượng binh sĩ và vũ khí với tỷ lệ 10:1. Nga hiện có khoảng 330.000 binh sĩ tham chiến tại Ukraine và quan chức tình báo Ukraine ước tính Moskva có thể kéo dài chiến dịch quân sự tại nước này ít nhất 1 năm.
“Nếu Ukraine không được cấp vũ khí hạng nặng, hệ thống phòng không và phòng tên lửa, chúng tôi sẽ không thể sống sót sau cuộc chiến này. Hiện đã có sự chênh lệch về sức mạnh. Rõ ràng Ukraine cần rất nhiều vũ khí để chiến thắng cuộc đấu này”, Thứ trưởng Maliar nhấn mạnh.
Vấn đề đối với Ukraine là hầu hết các hệ thống pháo của nước này là do Nga chế tạo và bắn các loại đạn 152 mm. Tuy nhiên, loại đạn này đã cạn kiệt tại Ukraine.
Các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bù vào bằng cách cung cấp pháo phương Tây, bao gồm Pháo M777 của Mỹ và đạn 155 mm. Nhưng dòng vũ khí này cũng bị hạn chế.
“Chúng tôi đang hỗ trợ quân đội Ukraine nhanh nhất có thể”, Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết trong cuộc họp báo tại Brussels ngày 15/6.