Ảnh minh họa
Tiêm kích MiG-29 và Su-27: Mỹ thừa nhận "hàng xịn"
Hai dòng tiêm kích MiG-29 (NATO định danh Fulcrum) và Su-27 (NATO định danh Flanker) lần lượt được đưa vào biên chế phục vụ trong Không quân Liên Xô từ năm 1982 và 1985 với tư cách là những chiến đấu cơ thế hệ 4 của siêu cường này.
Chúng được phát triển song song với những mục tiêu cụ thể nhằm cung cấp khả năng không chiến giành ưu thế trên bầu trời trước những chiến đấu cơ thế hệ mới nhất của Mỹ.
MiG-29 là dòng tiêm kích hạng nhẹ với chi phí vận hành thấp hơn, được phát triển để hoạt động ở gần tiền tuyến và chủ đích là chống lại các loại chiến đấu cơ hạng nhẹ F-16 và F-18, trong khi đó Su-27 nặng hơn được thiết kế để đọ sức với F-15 Eagle của Mỹ trong biên chế Không quân NATO.
Cả 2 loại tiêm kích đình đám này đều từng được đánh giá là thành công lớn và tốt hơn so với những đối thủ do Mỹ chế tạo. Tới những năm 1990, khi các thông số kỹ thuật của chiến đấu cơ Nga được công khai và kiểm chứng nhiều hơn thì đa phần giới chức Mỹ đều cho rằng Su-27 vượt trội hơn hẳn so với F-15 của họ.
Su-27 và hậu duệ hiện đại hơn của nó là Su-30 gần như đều giành được những chiến thắng tuyệt đối trước tiêm kích F-15 trong các trận không chiến giả định, còn MiG-29 cũng có các thành tích hết sức ấn tượng trước những chiến đấu cơ hạng nhẹ của phương Tây khi đánh trận giả.
Tuy nhiên, Su-27 và F-15 chưa từng thực chiến với nhau bao giờ nên các trận không chiến giả định chỉ có ý nghĩa tham khảo. Bên cạnh đặc tính kỹ - chiến thuật tự thân của máy bay thì còn nhiều yếu tốt khác rất quan trọng quyết định thắng bại trong không chiến như trình độ phi công, chỉ huy dẫn dường, tương quan số lượng máy bay giữa 2 bên.
Tiêm kích F-15 Mỹ hiện đang nắm giữ kỷ lục chiến thắng tuyệt đối trong thực chiến. Chúng đã tham gia rất nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới kể từ năm 1972 đến nay nhưng chưa lần nào bị bắn hạ, trong khi đó, hơn 100 máy bay các loại của đối phương đã chúng bị tiêu diệt. Đây có lẽ là kỉ lục khó máy bay nào xô đổ nổi.
Dòng máy bay Su-27 ít có cơ hội được thực chiến hơn, cho đến trước năm 2022, trong một số lần hiếm hoi không chiến, Su-27 đã bắn rơi ít nhất 2 chiếc MiG-29 trong chiến tranh Ethiopia – Etriea (1998 – 2000).
Riêng MiG-29 cho dù được đánh giá rất cao nhưng thành tích không chiến của nó không được tốt lắm. Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, MiG-29 của Iraq "đơn thương, độc mã", không thể chống lại lực lượng không quân của Liên quân, nên bị bắn hạ hoặc bỏ chạy sang Iran.
Trong Chiến tranh Kosovo năm 1999, MiG-29A (MiG-29 đời đầu) của Nam Tư, thường xuất kích đơn lẻ, liên tục bị chiến đấu cơ Mỹ-NATO bắn hạ.
Tổng kết lại các cuộc chiến tranh này, MiG-29 không hề có hệ thống yểm trợ nào trên không, hầu hết là "đơn thương độc mã" phải chống lại đối phương có sự hỗ trợ toàn diện và số lượng áp đảo khiến MiG-29 hoàn toàn không có cơ hội cận chiến, với bất kỳ máy bay chiến đấu nào của phương Tây.
Xác một chiếc tiêm kích MiG-29 của Nam Tư bị NATO bắn hạ trong không chiến. Ảnh minh họa.
"Gà nhà đá nhau" ở châu Phi: Su-27 hạ đo ván MiG-29
Trong lịch sử hai dòng máy bay chiến đấu chủ lực Su-27 và MiG-29 do Nga/Liên Xô chế tạo chưa từng giáp chiến chống lại nhau, ngoại trừ lần duy nhất "gà nhà đá nhau" xảy ra trên bầu trời châu Phi năm 1999.
Vào năm 1991, Eritrea đã tách khỏi Ethiopia và trở thành quốc gia riêng rẽ, thế nhưng, đường biên giới giữa 2 nước lại là nỗi nhức nhối khiến các bên có lúc không kiềm chế được và sa vào cuộc chiến một mất một còn vào năm 1998. Phải mãi tới năm 2000 sự việc mới tạm lắng xuống khi Eritrea và Ethiopia cùng ký Hiệp định Hòa bình.
Có vài điểm chung giữa 2 quốc gia này là họ đều chạy đua vũ trang. Đó là cho dù đất nước rất nghèo nhưng cả Eritrea và Ethiopia đều rất mạnh tay chi tiền cho mua sắm vũ khí hiện đại, nhất là máy bay chiến đấu. Và, lạ thay, hầu hết các vũ khí ấy đều có xuất xứ từ Nga/Liên Xô và các nước Đông Âu.
Nếu như Ethiopia đặt mua tiêm kích Su-27 thì Eritrea đáp lại ngay lập tức bằng hợp đồng "tậu" MiG-29. Đây đều là 2 loại máy bay tiêm kích tốt nhất trên thế giới tính đến giữa thập niên 1990 và chúng đã đụng độ với nhau trên bầu trời.
Vào sáng ngày 25 tháng 2 năm 1999, 4 chiếc MiG-29 của Không quân Eritrea đã được lệnh cất cánh chặn đánh 2 chiếc tiêm kích Su-27 Ethiopia đang tuần tra dọc biên giới khu vực Badme.
Cả 2 chiếc chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 bất ngờ bị tập kích bởi trận mưa tên lửa tầm trung R-27 (NATO định danh AA-10 Alamo), nhưng nhờ kinh nghiệm lão luyện, các phi công phía Ethiopia đã cơ động tránh được.
Hai "Gà nhà" Su-27 (trái) và MiG-29 (phải) đã đá nhau ở châu Phi, phần thắng nghiêng về Su-27 tuyệt đối.
Không một quả đạn nào của MiG-29 Eritrea trúng đích. Su-27 đã quyết định quay lại phản kích, khóa một chiếc máy bay địch và, sau khi bắn trượt chiếc đầu tiên đã tiếp tục phóng một loạt tên lửa không đối không tầm trung R-27 ở khoảng 45km nhằm vào chiếc MiG-29 khác. Nhưng toàn bộ đạn cũng đi chệch mục tiêu.
Hai bên lao vào không chiến quần vòng ở cựu ly cực gần, không chịu được nhiệt, cuối cùng, Không quân Eritrea buộc phải hủy bỏ lệnh tấn công và đổ lỗi cho Su-27 vì chúng quá nhanh.
Nhưng chung cuộc, đã có 1 chiếc MiG-29 của Eritrea bị Su-27 Ethiopia bắn hạ trong không chiến quần vòng ở cự ly chừng 10km, có thể là do tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 sử dụng đầu dò hồng ngoại (NATO định danh AA-11 Archer).
Thật định mệnh, theo một số nguồn tin, viên phi công MiG-29 bị bắn hạ lại là chỉ huy cao nhất của Không quân Eritrea.
Chỉ 24 giờ sau đó, một vụ đụng độ khác đã xảy ra ngay trên vùng trời trận không chiến quyết liệt hôm qua. Lần này, chỉ một chiếc tiêm kích Su-27 Ethiopia thực hiện nhiệm vụ hộ tống các máy bay MiG-21 thực hiện phi vụ tấn công.
Bỗng nhiên, radar trên máy bay phát hiện một chiếc máy bay lạ đang hướng tới, lập tức Su-27 chuyển sang chặn đánh, khai hỏa ít nhất 2 tên lửa vào chiếc MiG-29 bên phía Eritrea nhưng đều trượt. Cuối cùng Su-27 đã buộc phải sử dụng đến pháo hàng không 30mm để diệt MiG-29.
Sau trận này, Không quân Eritrea đã mất thêm một chiếc MiG-29 nữa khi tham gia trận đánh nhằm giành ưu thế trên không với các máy bay Su-27 của đối phương. Và trước khi họ "kịp" mất nốt số máy bay MiG-29 còn lại, thì may mắn thay hai nước đã đồng ý với một thỏa thuận hòa bình quốc tế.
Tiêm kích Su-27 không chiến như thế nào?