"Bầy sói" xuyên thủng lớp phòng thủ của tàu chiến đối phương
Viễn cảnh đáng sợ có thể hình dung khi đó là hàng chục quả tên lửa diệt hạm Kh-35 có diện tích phản xạ radar rất nhỏ lại bay cực thấp, bám đỉnh sóng, rất khó bị phát hiện, như một "bầy sói" lao đến tấn công cùng lúc từ nhiều hướng khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương bị quá tải, đánh chặn không xuể và bị xuyên thủng.
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển (thường gọi tắt là tên lửa bờ) này chính là Bal-E, do Nga chế tạo.
Nhiệm vụ
Tổ hợp tên lửa bờ biển Bal-E được thiết kế để khống chế eo biển và lãnh hải; bảo vệ các căn cứ hải quân, cơ sở hậu cần chiến lược và các công trình ven biển khác; phòng thủ và tạo vùng đệm ngăn chặn bảo vệ tuyến ven biển; phòng thủ bờ biển chống tác chiến đổ bộ của đối phương; bảo vệ tuyến đường biển và khống chế các vùng biển trong tầm phóng đạn tên lửa của tổ hợp.
Tổ hợp Bal-E có thể phát hiện, bắt bám, phân bổ và công kích tốp mục tiêu trên biển bằng tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35E.
Cấu hình
Cấu hình cơ bản của hệ thống Bal-E gồm:
• Tới 2 xe chỉ huy, thông tin và điều khiển hỏa lực
• Tới 4 xe mang bệ phóng tên lửa tự hành
• Tới 4 xe chở và tiếp đạn
• Xe thông tin liên lạc
Ngoài ra, Tổ hợp Bal-E còn có nhiều cấu hình khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Cấu hình cơ bản của một tổ hợp tên lửa bờ BAL-E
Đặc tính kỹ chiến thuật vượt trội của tổ hợp BAL-E
Tổ hợp có tính năng cơ động cao, triển khai sẵn sàng chiến đấu mau lẹ, cơ số đạn tên lửa lớn, có thể phóng loạt theo chỉ định, vận hành ổn định, tác chiến hiệu quả và tạo môi trường chiến đấu thuận tiện cho kíp trắc thủ.
Đạn tên lửa có thể được phóng vượt các vật cản tự nhiên hay nhân tạo từ trận địa có độ cao tới 1.000m so với mặt nước biển.
Đặc biệt, với đạn tên lửa thế hệ mới Kh-35U, tổ hợp BAL-E sẽ nhân bội sức mạnh chiến đấu chống các mục tiêu trên biển ở tầm xa (tới 260km). Trang mạng Toutiao của Trung Quốc đánh giá tên lửa Kh-35U là một loại vũ khí diệt hạm thật đáng sợ.
Công nghệ của tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35U đã phát triển hoàn thiện tiến tới sản xuất loạt và trang bị với quy mô lớn. Giá thành tương đối rẻ (rẻ hơn rất nhiều so với tên lửa siêu âm hoặc siêu vượt âm) cho phép những khách hàng có ngân sách quốc phòng hạn chế có thể tiếp cận và mua sắm.
Khả năng thâm nhập của tên lửa Kh-35U rất tốt nhờ khả năng bay siêu thấp, ngay trên đỉnh sóng ở tốc độ cận âm, chỉ cách mặt nước 3 - 5m, thấp hơn so với sàn tàu, khiến việc phát hiện chúng là điều cực kỳ khó khăn với radar trên tàu. Cho dù tên lửa Kh-35U bị phát hiện thì việc bắn hạ nó cũng không hề dễ dàng.
Tên lửa sử dụng đầu dò siêu việt có khả năng chống nhiễu của đối phương và tiếp cận mục tiêu bằng 2 phương thức: chủ động (tên lửa tự động bật đầu dò để tìm mục tiêu) và bị động (khi tên lửa không quét mục tiêu mà tự thu nhận những xung động phát ra từ mục tiêu).
Không có bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện nay có khả năng đánh chặn cơn mưa hỏa lực của cùng lúc 32 tên lửa bay thấp như Kh-35E/U phóng đi từ 1 tổ hợp tên lửa bờ BAL-E.
Xe bệ phóng tự hành của tổ hợp tên lửa bờ BAL-E và đạn tên lửa Kh-35UE.
Các đặc tính của tổ hợp tên lửa bờ BAL-E
• Các kênh radar chủ động và thụ động có khả năng phát hiện, sàng lọc (trong môi trường nhiễu tích cực và tiêu cực), phân loại và bắt bám mục tiêu;
• 2 ra-đa biệt lập dùng chế độ thu thụ động để định vị mục tiêu qua phương pháp định vị tam giác;
• Thiết bị điều khiển phân bổ mục tiêu tối ưu giữa các xe mang phóng;
• 4 xe mang phóng tự hành mang 8 đạn tên lửa trên mỗi xe cho phép kíp trắc thủ lựa chọn phương thức bắn loạt hoặc bắn kết hợp từng quả một, với uy lực tổng hợp cao.
• Xe thông tin liên lạc đặc chủng tiếp nhận chỉ thị từ các sở chỉ huy cấp trên và phần tử mục tiêu từ các thiết bị trinh sát/nhận dạng mục tiêu.
Thông số kỹ thuật cơ bản (với tên lửa Kh-35E/Kh-35U):
Tầm bắn tối đa (km): tới 120/260
Số đạn tên lửa trên mỗi xe mang phóng (đạn): 8
Thời gian chuyển trạng thái chiến đấu (phút): không quá 10
Khung gầm: Xe việt dã bánh lốp 4 cầu.
Tổ hợp tên lửa bờ Bal-E do Nga chế tạo