5 tổ hợp Pantsir-S1 Nga đấu 32 UAV: Trận đánh "vô tiền khoáng hậu", lập đại công

N. Tuấn Sơn |

32 chiếc UAV chia làm 2 đợt ồ ạt lao vào tấn công đầu não của lực lượng Nga tại căn cứ sân bay quân sự Khmeimim ở Syria. Chúng được "đón tiếp nồng hậu" bởi 5 tổ hợp Pantsir-S1.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantisr-S1 Nga ở Syria. Ảnh minh họa.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantisr-S1 Nga ở Syria. Ảnh minh họa.

Hệ thống Pantsir-S1 Nga lập đại công ở Syria

Hãng thông tấn Nhà nước Syria (SANA) đưa tin, đêm 18/05/2020, lực lượng khủng bố ở Syria đã phóng đi cùng lúc 32 chiếc máy bay không người lái (UAV) cảm tử chia làm 2 đợt, ồ ạt lao tới tấn công các mục tiêu tại căn cứ không quân Khmeimim.

Đây được cho là một trong những đợt tấn công bằng UAV có quy mô lớn nhất của khủng bố nhằm vào đầu não của các lực lượng vũ trang Nga tại quốc gia Trung Đông này. Trước đó, phòng không Nga bảo vệ căn cứ trọng yếu Khmeimim đã nhiều lần ngăn chặn thành công các đợt tập kích tương tự.

Chỉ huy lực lượng Nga tại Khmeimim cho biết, trong trận đánh có thể nói là "vô tiền khoáng hậu" kể trên, 5 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 đã nghênh chiến, khai hỏa dồn dập.

Nhờ các hệ thống radar cảnh giới nhìn vòng phát hiện sớm, từ xa, cung cấp tham số mục tiêu chính xác, các tổ hợp Pantsir-S1 đã chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu kịp thời, không để lỡ cơ hội diệt mục tiêu.

Kết quả là, toàn bộ 32 UAV cảm tử đều bị tiêu diệt. Đợt đầu tiên gồm 20 chiếc bị đánh chặn và tiêu diệt ở cự ly xa khi chúng còn cách căn cứ Khmeimim tới khoảng 30km, đợt 2 với 12 chiếc bị đánh chặn ở cự ly gần hơn.

Tất cả nhưng UAV này đều bị bắn hạ khi chưa kịp tới được khu vực mục tiêu, dĩ nhiên là chúng không thể gây ra bất cứ tổn thất nào cho các lực lượng Nga tại đây.

Được biết, để bảo vệ đầu não chỉ huy tối quan trọng này, Quân đội Nga đã bố trí các tổ hợp phòng không dày đặc, tạo thành nhiều tầng, nhiều lớp. Vành đai hỏa lực phòng không tầm xa do hệ thống tên lửa S-400 đảm nhiệm, ở tầm gần nhiệm vụ được giao cho Pantsir-S1 - vừa là cận vệ của S-400, vừa là chốt chặn phòng thủ điểm cuối cùng.

Ngoài Pantsir-S1, Nga còn điều động cả nhưng tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Tor-M2, cũng là một loại vũ khí "sát thủ" của UAV và các loại máy bay cánh cố định, trực thăng, tên lửa hành trình.

5 tổ hợp Pantsir-S1 Nga đấu 32 UAV: Trận đánh vô tiền khoáng hậu, lập đại công - Ảnh 2.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantisr-S1 (trái) và Tor-M2 của Nga bảo vệ căn cứ sân bay Khmeimim ở Syria

Bên cạnh đó, hàng chục máy bay tiêm kích Su-30SM, Su-35S thường trực tại căn cứ Khmeimim luôn sẵn sàng cất cánh đánh chặn các mục tiêu trên không.

Tính tới năm 2022 này, Nga đã hoàn thành việc nâng cấp Khmeimim thành một căn cứ không quân chiến lược với hệ thống đường bằng, đường lăn, sân đỗ, nhà chứa máy bay hoàn chỉnh và kiên cố, không chỉ đáp ứng yêu cầu cất hạ cánh của các loại máy bay vận tải lớn nhất có trong biên chế mà còn sẵn sàng phục vụ máy bay ném bom chiến lược.

Tất nhiên, kết quả chiến đấu của Pantsir-S1 chẳng phải lúc nào cũng hoàn hảo, không ít lần bất lực trước các cuộc tập kích bằng tên lửa và của Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Thậm chí đã có những tổn thất nhất định ở Syria (trong biên chế phòng không của Quân đội Syria), ở Libya (trong thành phần chiến đấu của lực lượng LNA do tướng Haftar lãnh đạo) khi Pantsir-S1 bị chính đối thủ của chúng là UAV "cắn ngược".

Tuy vậy, truyền thông phương Tây đã phải khách quan thừa nhận rằng tổ hợp Pantsir-S1 do Nga chế tạo là "vô đối", trên thế giới hiện chưa có hệ thống phòng không tầm thấp nào uy lực như vậy. Nhờ kết quả thực chiến tốt, Pantsir-S1 và các biến thể của nó được rất nhiều quốc gia quan tâm và mua sắm.

5 tổ hợp Pantsir-S1 Nga đấu 32 UAV: Trận đánh vô tiền khoáng hậu, lập đại công - Ảnh 4.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantisr-S1 Nga thực hành bắn đạn thật.

Tính năng kỹ - chiến thuật của Pantsir-S1

Nhiệm vụ

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 cơ động tầm ngắn được thiết kế cho nhiệm vụ phòng không bảo vệ các mục tiêu quân sự, công nghiệp và hành chính cố định hay di động có quy mô nhỏ hoặc tăng cường lực lượng phòng thủ đường không chống lại các loại vũ khí tiến công đường không hiện đại có độ chính xác cao của đối phương.

Tổ hợp Pantsir-S1 có khả năng chiến đấu độc lập trong mọi điều kiện thời tiết và sử dụng hoả lực kết hợp của pháo và tên lửa phòng không để tiêu diệt các mục tiêu bay.

Hệ thống sử dụng các xe chiến đấu bánh xích hoặc bánh hơi được trang bị tổ hợp khí tài trinh sát/dẫn bắn tích hợp radar và quang điện tử có tính năng kháng nhiễu cũng như xạ kích mục tiêu ngay trong hành tiến.

Cấu hình

• Bộ khí tài chiến đấu

• Bộ khí tài bảo đảm chiến đấu

• Bộ khí tài huấn luyện chiến đấu

Bộ khí tài chiến đấu gồm:

• Tới 6 xe chiến đấu (xe bánh xích, xe bánh hơi hoặc xe thùng kéo) biên chế cho mỗi phân đội hoả lực;

• Xe chỉ huy phân đội;

• Mỗi xe chiến đấu có cơ số tới 8 hoặc 12 đạn tên lửa 57E6-E bố trí sẵn trong ống mang phóng (cơ số ống phóng mỗi xe tùy theo tính năng thiết kế và loại xe chiến đấu);

• Mỗi xe chiến đấu có cơ số tới 1.400 viên đạn pháo phòng không 30-mm;

• Xe chở đạn.

5 tổ hợp Pantsir-S1 Nga đấu 32 UAV: Trận đánh vô tiền khoáng hậu, lập đại công - Ảnh 6.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantisr-S1 Nga ở Syria.

Bộ khí tài bảo đảm chiến đấu gồm:

• Khí tài sửa chữa, hiệu chỉnh và bảo đảm chiến đấu cho xe chiến đấu;

• Bộ khí tài kiểm chỉnh tình trạng kỹ thuật cho đạn tên lửa;

• Phương tiện vận chuyển và bảo quản bộ linh kiện, phụ tùng thay thế và dụng cụ sửa chữa.

Bộ khí tài huấn luyện chiến đấu gồm thiết bị mô phỏng chiến đấu di động và giáo cụ mô phỏng thực hành chiến đấu trong nhà.

Các xe chiến đấu còn được trang bị bộ khí tài dẫn đường vệ tinh, hệ thống điều hòa nhiệt độ, máy phát điện cơ hữu, thiết bị thông tin liên lạc, trinh sát khí tượng và nhật ký tác chiến.

Thông số kỹ thuật cơ bản:

Đài trinh sát nhìn vòng và phân bổ mục tiêu:

- Cự ly phát hiện tối đa đối với mục tiêu có diện tích phản xạ radar = 2m2 (km): 32 – 36

- Số lượng mục tiêu có thể bám sát cùng lúc (mục tiêu): 20

Đài ngắm bắn và điều khiển tên lửa:

- Cự ly bám sát tối đa đối với mục tiêu có diện tích phản xạ radar = 2m2 (km): 24 – 28

- Số lượng mục tiêu/đạn tên lửa có thể bám sát cùng lúc (mục tiêu/đạn tên lửa): 1 / 2

Hệ thống ngắm bắn quang điện tử:

- Cự ly bám sát tự động tối đa (km): 17 – 26

- Số lượng mục tiêu/đạn tên lửa có thể bám sát cùng lúc (mục tiêu/đạn tên lửa): 1 / 1

Vùng hỏa lực của tổ hợp tên lửa/pháo phòng không (km): Tầm: 1,2 – 20 / 0,2 - 4; Độ cao: 0,005 – 10 / 0 - 3

Tốc độ tối đa của mục tiêu bị xạ kích (m/giây): 1.000

Thời gian sẵn sàng xạ kích từ thời điểm phát hiện mục tiêu (giây): 4 - 6

Khối lượng đạn tên lửa (kg): 74,5

Khối lượng đầu nổ của đạn tên lửa (kg): 20

Tổ hợp pháo phòng không: 2 pháo phòng không bắn nhanh

Tốc độ bắn của toàn bộ tổ hợp pháo phòng không (viên/phút): 4.500 –5.000

Kíp chiến đấu (người): 3

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại