Tung hoành 70 năm, khi "lụi tàn" tiêm kích MiG vẫn khiến NATO kinh sợ

Trà Khánh |

Từng khiến phương Tây phải "đau đầu" trong suốt 70 năm, ngày nay danh tiếng của những tiêm kích MiG có lẽ không còn huy hoàng như trong quá khứ nhưng vẫn đủ để kẻ thù khiếp sợ.

Thời đại của những chiếc tiêm kích Mig (Mikoyan) có lẽ gắn liền với lịch sử ngành công nghiệp hàng không của Liên Xô cũng như Chiến tranh Lạnh. Và khi Liên Xô tan rã thì cũng là lúc "đế chế" mà Mikoyan xây dựng trong suốt 50 năm bước vào thời kỳ thoái trào để "nhường ngôi lại cho một vị vua mới" là Sukhoi.

Tuy nhiên, điều đó không làm mất đi danh tiếng của dòng chiến đấu cơ từng khiến không biết bao nhiêu tướng lĩnh phương Tây phải đau đầu tìm cách hóa giải cũng như tìm cách "bắt sống" cho bằng được. Và dưới đây là 5 mẫu tiêm kích MiG tốt nhất từng được chế tạo do tờ Russia Beyond bình chọn:

1. MiG-15: "Cánh én đầu tiên"

Là trong những tiêm kích MiG tốt nhất, MiG-15 còn được gọi là "ông tổ" của máy bay chiến đấu dùng động cơ phản lực Liên Xô. Với gần 18.000 chiếc được chế tạo trên toàn thế giới, nó vẫn được xem là máy bay chiến đấu phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử.

Được thiết kế ngay sau Thế chiến thứ 2, MiG-15 có màn mở đầu không thể tốt hơn trong Chiến tranh Triều Tiên, nơi nó gặp đối thủ truyền kiếp của mình là tiêm kích phản lực F-85 Sabre của Mỹ.

Tung hoành 70 năm, khi lụi tàn tiêm kích MiG vẫn khiến NATO kinh sợ - Ảnh 2.

Một chiếc MiG-15 hiếm hoi còn hoạt động với cờ hiệu của Không quân Triều Tiên. Ảnh: fineartamerica.com

MiG-15 và F-85 nhanh chóng trở thành "kẻ thù không đợi trời chung" trên bầu trời Triều Tiên, và giữa chúng đều có những lợi thế riêng khi đấu tay đôi với nhau trên không. Trong khi, Saber hiệu quả hơn khi bay tầm thấp thì MiG lại có lợi thế khi không chiến tầm cao.

MiG-15 cũng chịu trách nhiệm cho một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử Không quân Mỹ hay còn được gọi là "Thứ ba đen tối". Ngày 23/10/1951, một phi đội MiG-15 do các phi công Liên Xô điều khiển đã bắn hạ 8 máy bay ném bom chiến lược B-29A Superfortress và hai máy bay chiến đấu hộ tống F-84 của Mỹ, và chỉ để mất duy nhất một máy bay.

2. MiG-21: Thành danh ở Việt Nam

Với 11.496 chiếc từng được chế tạo, tiêm kích MiG-21 được vinh danh máy bay chiến đấu phản lực siêu thanh được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử. Do được sản xuất hàng loạt, ở nhiều thời điểm chi phí để chế tạo một chiếc MiG-21 còn thấp hơn cả giá của một xe chiến đấu bộ binh BMP-1.

MiG-21 có mặt trong hầu hết lực lượng không quân trên thế giới và từng phục vụ ở 65 quốc gia. Mặc dù chuyến bay đầu tiên đã trôi qua hơn 60 năm trước nhưng MiG-21 vẫn được một số quốc gia (Angola, Ai Cập, Syria, Ấn Độ...) tiếp tục sử dụng.

Tung hoành 70 năm, khi lụi tàn tiêm kích MiG vẫn khiến NATO kinh sợ - Ảnh 3.

Hình ảnh mô phỏng tiêm kích MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam bắn hạ "con ma" F-4 của Hải quân Mỹ. Ảnh: GoodFon.

Trong những cuộc xung đột và chiến tranh mà MiG-21 từng tham gia thì Chiến tranh Việt Nam được đánh giá là cuộc chiến đã mang lại tên tuổi cho chiến đấu cơ này. Tuy không thể áp đảo được dàn chiến đấu cơ đông đảo và hiện đại của Không quân Mỹ nhưng những phi công Việt Nam đã cho thấy khả năng không chiến tuyệt vời của MiG-21 với 165 chiến thắng trên không.

3. MiG-25: "Bất ngờ" dành cho người Mỹ

Tiêm kích đánh chặn siêu thanh này được Mikoyan thiết kế theo yêu cầu của Không quân Liên Xô như một biện pháp đối phó với máy bay ném bom phản lực B-58 của Mỹ, được đánh giá có thể vượt qua hệ thống phòng không đa tầng của Liên Xô và thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân.

MiG-25 cũng được Liên Xô sử dụng để đánh chặn máy bay trinh sát chiến lược tầm xa Lockheed SR-71. Các dòng tiêm kích chủ lực của Không quân Liên Xô khi đó như MiG-21 hay Su-15 đều không phải là đối thủ của SR-71.

Sự xuất hiện của MiG-25 khi đó khiến người Mỹ cảm thấy khó chịu, bởi chiếc máy bay này có thể thực hiện hành trình siêu thanh với vận tốc tối đa lên đến 3.000km/h. Chính vì lý do này mà Quốc hội Mỹ đang nhanh chóng thông qua các chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới như F-14 Tomcat và F-15 Eagle.

4. MiG-31: Máy bay chiến đấu bay nhanh nhất thế giới

Tung hoành 70 năm, khi lụi tàn tiêm kích MiG vẫn khiến NATO kinh sợ - Ảnh 4.

MiG-31 mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal tạo thành bộ đôi vũ khí tấn công chiến lược mới của Nga. Ảnh: Sputnik.

Một trong những máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới (lên tới hơn 3.000km/h), MiG-31 được phát triển dựa trên nền tảng của MiG-25. Không giống như người tiền nhiệm của nó, nó có hai chỗ ngồi: dành cho phi công lái chính và phi công điều khiển hệ thống vũ khí.

Chiến đấu cơ này có thể theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tấn công đồng thời 6 mục tiêu trong số đó.

Sự xuất hiện của MiG-31 vào cuối những năm 1980 cũng là "đòn đánh" cuối cùng khiến phi đội SR-71 mất đi vị thế của mình trong Không quân Mỹ, khi SR-71 nhanh chóng bị những chiếc MiG-31 của Liên Xô bắt bài.

Ngày nay, MiG-31 vẫn là dòng tiêm kích đánh chặn chủ lực của Không quân Nga và được cử đến những khu vực chiến sự nóng nhất, điển hình như ở Syria. Ngoài ra, MiG-31 còn làm nhiệm vụ hộ tống cho các phi đội máy bay ném bom và máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm của Không quân Nga.

5. MiG-29: Người thừa kế

Là một trong những chiến đấu cơ tốt nhất từng được Mikoyan chế tạo - MiG-29 hiện đang phục trong không quân 28 quốc gia, trong đó có cả Mỹ. Năm 1997, Mỹ đã bí mật mua lại 21 chiếc MiG-29 từ Moldova để nghiên cứu về thiết kế và công nghệ trên dòng chiến đấu cơ này.

MiG-29 ngày nay còn đóng vai trò là nền tảng cho việc phát triển các chiến đấu cơ thế hệ mới của Mikoyan như MiG-29K và MiG-35.

Hiện tại, Không quân Nga sử dụng khá nhiều biến thể của MiG-29, trong đó chủ yếu vẫn là MiG-29K trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và MiG-29SMT trong các đơn vị Không quân.

Tiêm kích MiG-35 trình diễn tại triển lãm hàng không MAKS 2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại