Không phải cứ thảo dược là được
Chị Lưu Thị Xuyến (38 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết tháng 8 năm ngoái chị thấy người mệt mỏi đi kiểm tra sức khỏe bác sĩ cho biết chị bị mỡ máu tăng, dù chị rất gày chỉ nặng có 47 kg, cao 1,6 mét.
Mỡ máu cao bất thường bác sĩ kê đơn thuốc uống, sau đó, chị Xuyến về quê và được mẹ chia sẻ mua lá xạ đen về nấu với đỗ đen rang uống hàng ngày với tác dụng là hạ mỡ máu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu gần đây nhất của chị Xuyến cho thấy chỉ số rối loạn lipit vẫn tăng cao bất thường nhất là chỉ số Cholesterol LDL (mỡ xấu) tăng cao 160 mg/dl.
Khi chị Xuyến kể suốt nhiều tháng qua chị kiên trì uống thảo dược để hạ mỡ máu nhưng nhận được kết quả hoàn toàn ngược lại. Lúc này, chị mới tá hỏa xạ đen là loại thảo dược tốt nhưng không có tác dụng hạ mỡ máu.
Theo TS Phạm Việt Hoàng – nguyên Phó Giám đốc BV Tuệ Tĩnh, Hà Nội, y học cổ truyền xếp bệnh mỡ máu giống với chứng đàm trệ của bệnh nhân thời trước.
Người mắc chứng đàm trệ thường có một số biểu hiện như: người béo trệ, có cảm giác nặng nề, hay nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, ăn kém ngon miệng, hay cáu giận…
Trong Tây y, máu gồm 3 loại chất béo chính: gồm cholesterol “tốt” (HDL), cholesterol “xấu” (LDL). Triglyceride – chất béo trung tính
Những người bị rối loạn lipid máu, có chỉ số mức LDL hoặc triglyceride quá cao và mức HDL quá thấp.
Ảnh minh họa.
TS Hoàng cho biết khi bị rối loạn lipid rất nhiều người tin rằng cứ thảo dược uống là tốt không bổ xuôi cũng bổ ngược và có nhiều người mỡ máu tăng cao thì đi uống nước hoa hòe, trường hợp uống xạ đen với đậu đen rang của chị Xuyến cũng không phải hiếm và tin rằng uống chăm chỉ sẽ đánh tan chỉ số mỡ nhưng hoàn toàn không hiệu quả như người uống mong muốn.
Nhưng theo TS Hoàng, hiện các công trình nghiên cứu chưa khẳng định xạ đen tiêu mỡ máu. Một số bài báo giới thiệu xạ đen có tác dụng nhất định trong hỗ trợ điều trị ung thư. Trong cộng đồng xuất hiện cây xạ đen “nhái” lá giống hệt xạ đen thật nhưng thân và lá không có màu tía như xạ đen thật. Nếu người dân nhầm với xạ đen uống còn hại hơn.
Bác sĩ Hoàng cho biết những người bị mỡ máu khi điều trị cần phải uống thuốc của bác sĩ kê đơn. Một số người mỡ máu có chỉ số cao nhưng cũng chưa đến mức uống thuốc thì chỉ cần thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt, tăng cường luyện tập sẽ giúp hạ mỡ máu.
Những bài thuốc trị mỡ máu cao
Nếu có thể uống thêm các thảo dược bác sĩ Hoàng khuyến cáo nên chọn các loại thảo dược khác như giảo cô lam, nước quả táo mèo khô ngâm dấm hoặc ngâm với đường phèn uống, lá sen…
Đối với giảo cô lam, bác sĩ Hoàng cho biết có nhiều nghiên cứu về cây giảo cô lam cho thấy cây này có chứa một hoạt chất có thể làm giảm cholesterol, acid linoleic, acid linolenic, lecithin và các axit béo khác. Các thành phần hữu ích này có thể làm mềm mạch máu, giãn nở các mạch và thúc đẩy tuần hoàn máu.
Quả táo mèo ăn có vị chua, hơi chát. Làm thuốc có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Trong Đông y, táo mèo có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn, tăng cường miễn dịch, giảm cholesterol, giúp hạ mỡ máu, rối loạn lipid máu, đại tiện xuất huyết...
Các bài thuốc trị mỡ máu cao từ táo mèo có thể tham khảo: Táo mèo 50g, gạo tẻ 50g, đường phèn vừa đủ. Táo mèo bỏ hạt, thái phiến, đem nấu với gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
Ngoài ra, có thể lấy táo mèo và lá sen, mỗi vị 15g đem sắc lấy nước uống thay trà trong ngày. Uống liên tục trong 15 ngày. Nghỉ vài ngày lại sắc uống, mỗi liệu trình điều trị là 15 ngày.
Với các loại thảo dược giúp hạ mỡ máu, bác sĩ Hoàng cho biết người dùng cũng hết sức thận trọng vì không phải thảo dược là an toàn tuyệt đối. Khi sử dụng có thể tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ để có hiệu quả hơn. Những trường hợp rối loạn lipid máu cao cần điều trị thuốc Tây y vẫn phải sử dụng theo đúng đơn. Không nên e dè tác dụng phụ của thuốc rồi bỏ qua tìm tới các bài thuốc từ thảo dược vì sẽ không giúp điều chỉnh đường chỉ số cholesterol trong máu.